Siết thuế TNDN, thuế GTGT
Hai dự thảo nghị định hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng đều theo hướng ngặt nghèo hơn với chi tiêu của doanh nghiệp.
Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một số ý kiến khác nhau của cộng đồng doanh nghiệp (DN), chuyên gia về nội dung của hai dự thảo nêu trên.
Tư nhân xài ô tô không được trừ thuế
Trước đây, phần khấu hao tương ứng với phần nguyên giá vượt trên 1,6 tỉ đồng đối với ô tô dưới chín chỗ của tất cả DN (trừ ô tô dùng cho kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn) đã không được chấp nhận. Nay dự thảo về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cũng như thuế giá trị gia tăng (GTGT) đều quy định thêm là không chấp nhận phần khấu hao, trừ thuế cho ô tô chở dưới chín chỗ (trừ ô tô dùng cho kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn) của DN tư nhân, công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ. Cạnh đó, dự thảo cũng không cho trừ thuế, không cho khấu hao đối với tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách, kinh doanh du lịch, khách sạn.
Có ý kiến cho rằng DN tư nhân hay công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ cũng là một loại hình DN, cần được đối xử như các DN khác. Các DN khác có thể sắm ô tô và được trừ thuế thì hà cớ gì DN tư nhân không được như vậy. Tuy nhiên, ông Mai Thanh Tòng, Phó Chủ tịch Hội Kế toán TP.HCM, phân tích rằng tài sản muốn được trừ thuế phải thỏa mãn điều kiện là “phải phục vụ cho sản xuất kinh doanh”. Với DN tư nhân thì không tách bạch tài sản cá nhân và tài sản DN, vì vậy không cho khấu trừ cũng là hợp lý. Còn việc không khấu trừ phần vượt quá giá trị, tàu bay, du thuyền thì có ý nghĩa khác. Đó là các DN, các ông chủ DN cũng cần có xe ô tô để đi lại nhưng xài ô tô sang quá, rồi trích khấu hao nhiều quá, bắt thuế phải chịu thì không hợp lý. Đến ô tô thông dụng mà còn có giới hạn giá trị thì việc các đại gia sắm máy bay, du thuyền tại sao lại khấu hao bắt thuế chịu?!
Ngay trong tờ trình dự thảo, Bộ Tài chính cũng đưa ra lý do “nhiều DN lợi dụng quy định này để được trích khấu hao đối với xe ô tô dùng cho mục đích cá nhân, do đó dẫn đến tình trạng một DN tư nhân hoặc công ty TNHH một thành viên có thể đăng ký trích khấu hao cho nhiều xe, gây thất thu ngân sách nhà nước. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế có nhiều nước quy định không cho DN tư nhân, công ty TNHH một thành viên được trích khấu hao đối với xe ô tô dưới chín chỗ”.
“Không dùng tiền mặt”
Điểm thay đổi ở cả hai dự thảo này là sử dụng cụm từ “chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt” thay cho cụm từ “chứng từ thanh toán qua ngân hàng”. Hiện nay các khoản chi trên 20 triệu đồng của DN mà muốn được khấu trừ thuế GTGT thì phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Ông Tòng cho rằng cách dùng từ mới tuy cùng một ý nghĩa nhưng rộng rãi hơn, bao quát hơn, tạo thuận lợi hơn cho DN. Tuy nhiên theo ông, đây cũng là lần đầu tiên áp dụng cho thuế TNDN. Theo đó, DN mua hàng trên 20 triệu đồng mà thanh toán bằng tiền mặt thì chẳng những mất quyền khấu trừ thuế GTGT mà còn mất luôn quyền đưa chi phí này vào chi phí được trừ của thuế TNDN.
Theo ông Tòng, quy định này là nhằm từng bước tăng năng lực kiểm soát của cơ quan quản lý, DN sẽ giảm bớt việc dùng tiền mặt. Qua đó, cơ quan quản lý sẽ dễ kiểm soát việc gian lận thuế hơn. DN đã quen với thuế GTGT rồi, nay phải cố gắng làm quen với việc mua bán, chi tiêu khác, dù không liên quan đến thuế GTGT nhưng vẫn phải thanh toán không dùng tiền mặt.
Hoàn thuế: Khó hơn
Dự thảo nghị định hướng dẫn về thuế GTGT có hướng dẫn về hoàn thuế. Thay đổi về hoàn thuế đã được ghi nhận trong Luật Thuế GTGT (sửa đổi) và đã nhận được nhiều phản ánh của DN về sự khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Hồng Y., kế toán của một công ty ở KCX Tân Tạo, cho biết hằng tháng công ty chị có số thuế GTGT cần hoàn trên 200 triệu đồng, đáp ứng điều kiện để được hoàn thuế theo tháng. Tuy nhiên, quy định sửa đổi bắt buộc phải trên 300 triệu đồng mới được hoàn. Điểm này gây khó khăn về vốn cho công ty.
Chị Y. cho biết trước đây khi phản ánh khó khăn này thì cơ quan thuế có giải thích là sẽ có hướng dẫn theo hướng thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, dự thảo nghị định hướng dẫn cũng chẳng thấy thuận lợi gì hơn, con số 300 triệu đồng không giảm được, thủ tục cũng không bớt, cũng không phân loại DN tốt hoặc DN “đáng nghi ngờ” để có phương án hoàn thuế phù hợp với hoạt động của DN. Chỉ thấy trong dự thảo cho phép “trường hợp trong tháng, quý số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo”. “Quy định như vậy chưa rõ, ví dụ như công ty chúng tôi, một tháng thì không đủ 300 triệu đồng nhưng gộp hai tháng là có số thuế cần hoàn trên 400 triệu đồng thì có được hoàn thuế ngay hay không, hay là phải chờ hết quý, chờ hết 12 tháng?” - chị Y. băn khoăn.
Đánh thuế lãi tiền gửi: Không mới
Dự thảo nghị định về thuế TNDN có quy định đánh thuế TNDN trên lãi tiền gửi của DN tại các tổ chức tín dụng, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật. Quy định này đã có và áp dụng từ nhiều năm qua.
|
Quỳnh Như
pháp luật tphcm
|