Sản xuất lúa gạo và những kịch bản khôn ngoan
Nếu không “chuyển lượng thành chất”, thì rất có thể, nguồn động lực để đạt được kỳ tích “một phần tư thế kỷ xuất khẩu gạo với quy mô lớn” sẽ bị triệt tiêu.
Thành tựu và bất cập
Trong vô số những lời hay, ý đẹp mà các chính trị gia, những người đứng đầu các tổ chức quốc tế danh tiếng, các nhà khoa học… đã dành cho lúa gạo Việt Nam, có lẽ đánh giá của cựu Đại sứ Hoa Kỳ Burhardt trước thềm Hội nghị APEC Hà Nội 2006 là đặc biệt sâu sắc và thú vị.
Gạo xuất khẩu được coi là “trái ngọt đầu mùa” của công cuộc Đổi mới.
|
“Nhiều người còn nhớ rằng, khoảng 20 - 25 năm trước, Việt Nam còn phải nhập khẩu gạo và đó quả là một việc hết sức vô lý đối với một nước có được vựa lúa khổng lồ trong vùng châu thổ sông Cửu Long. Thành quả đầu tiên mà họ đạt được trong quá trình đổi mới chính là đảo ngược tình trạng phi lý đó và trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Kế tiếp, họ chuyển sang phát triển các loại hoa màu khác và trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Sau đó, họ bắt đầu công nghiệp hoá và bây giờ đang tiến vào công nghiệp dịch vụ”, vị cựu Đại sứ nói.
Đánh giá trên thú vị ở chỗ, ông Burhardt là một trong số nhiều người đã nhầm to, vì sử sách còn ghi rõ, trong “đêm trước vươn vai” trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu gạo với quy mô lớn. Tính chung 25 năm 1964 - 1988, Việt Nam nhập khẩu gần 12,9 triệu tấn gạo, tức là nhập khẩu bình quân 515.000 tấn/năm, chiếm 5,2% “rổ gạo nhập khẩu của thế giới”.
Thế nhưng, trong 25 năm tiếp theo, nếu như có tụt xuống 7,4 triệu tấn trong năm nay, tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đạt con số khổng lồ trên 99 triệu tấn. Như vậy, nếu tính theo con số tuyệt đối, Việt Nam chỉ “vay 1”, nhưng đã “sòng phẳng trả gấp gần 8 lần”, còn tính theo con số tương đối thì tỷ lệ này cũng gấp gần ba lần.
Đây chính là kỳ tích độc nhất vô nhị của thế giới ít nhất là trong nửa thế kỷ trở lại đây ở mặt hàng nông sản chiến lược này, cho nên chúng ta hoàn toàn xứng đáng với “những lời có cánh” đó của cộng đồng quốc tế.
Cái sâu sắc trong nhận định trên là ở chỗ, gạo xuất khẩu chính là “trái ngọt đầu mùa” của công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để phát triển các ngành nông nghiệp khác và phát triển công nghiệp, dịch vụ trong những năm tiếp theo. Không những vậy, trong những năm đầu đổi mới, đặc biệt là trong những năm còn bị bao vây, cấm vận, viện trợ bị cắt giảm rất mạnh, nền kinh tế nhập siêu khổng lồ, kim ngạch xuất khẩu gạo đóng vai trò rất quan trọng.
Đó là, trong 7 năm 1989 - 1995, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu lên tới 28,1 tỷ USD, thì tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 21,5 tỷ USD, nên nhập siêu lên tới 6,6 tỷ USD và 30,7%. Do vậy, nếu không có 2,65 triệu USD thu được từ xuất khẩu 11,7 triệu tấn gạo, chiếm 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn này, thì kim ngạch nhập siêu đã tăng vọt lên 9,25 tỷ USD và tỷ lệ nhập siêu đã tăng phi mã lên 49%.
Xét dưới góc độ kinh tế - xã hội, sự phát triển của sản xuất, xuất khẩu gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung chắc chắn góp phần rất quan trọng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo của Việt Nam. Bởi lẽ, ở thời điểm trước thềm WTO, với khoảng 25 triệu người thoát nghèo, Việt Nam được cộng đồng thế giới đánh giá là quốc gia thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo thành công nhất thế giới. Thành quả đó chỉ có thể là do kết quả của đổi mới đã đến với đông đảo người dân.
Nhìn một cách tổng quát, thành tựu xuất khẩu gạo của Việt Nam đã vượt xa ý nghĩa kinh tế vốn có của nó. Cho dù vậy, cũng không thể phủ nhận, “rổ gạo xuất khẩu” của Việt Nam vẫn có những nhược điểm rất cơ bản.
Một là, tuy khối lượng gạo xuất khẩu ngày càng lớn, nhưng sản xuất lúa vẫn mang đậm tính chất của một nền kinh tế tiểu nông, mạnh ai nấy làm theo tập quán và kinh nghiệm, cho nên không thể kiểm soát được dư lượng hoá chất và cũng không thể truy xuất được nguồn gốc.
Hai là, nói như GS. Võ Tòng Xuân, gạo xuất khẩu cho đến nay vẫn trong tình trạng “một chén cơm có mười loại gạo”.
Do vậy, tuy là một cái nôi của nền văn minh lúa nước của nhân loại, nhưng tuyệt đại bộ phận trong “rổ gạo xuất khẩu” rất lớn của Việt Nam vẫn là mấy “món hàng cổ điển”: gạo 5% tấm, gạo 25% tấm… và kim ngạch xuất khẩu rất không tương xứng.
Kịch bản “mềm” tối ưu
Tới thời điểm này, đã có 3 kịch bản chủ yếu được phác họa cho lúa gạo Việt Nam.
Thứ nhất, tuy đã qua “thời hoàng kim”, nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ còn tiếp tục đạt những kỷ lục mới. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO), xuất khẩu gạo của Việt Nam 10 năm tới sẽ tăng 2,6%/năm và đạt kỷ lục mới 9,7 triệu tấn vào năm 2022, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng bùng nổ 8,3%/năm và 7,0%/năm của 2 giai đoạn 10 năm trước. Trong khi đó, tuy cũng theo hướng này, nhưng theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, thì kỷ lục mới mà Việt Nam có thể đạt được chỉ là 8,7 triệu tấn.
Thứ hai, theo hướng ngược lại, có lẽ đi tiên phong là nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn với nhận định “… cứ ‘ôm’ mãi thành tích cường quốc xuất khẩu gạo đang là vấn đề mâu thuẫn nhất…”, cho nên cần “… đổi mới tư duy làm nông nghiệp, giảm bớt 2 triệu ha đất lúa để dành đất nuôi, trồng cây, con khác…, giá gạo sẽ lên gấp rưỡi, gấp đôi…”. Như vậy, với năng suất trên 5,6 tấn/ha, giảm 2 triệu ha lúa, tương ứng giảm 7,3 triệu tấn gạo, Việt Nam sẽ rút lui khỏi thị trường xuất khẩu gạo thế giới.
Thứ ba, kịch bản của Chính phủ Việt Nam là một kịch bản “mềm”, bởi tuy vẫn duy trì 3,8 triệu ha đất trồng lúa, nhưng linh hoạt trong sử dụng theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền, trong đó cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân…, với mục tiêu “cứng” duy nhất là 45 triệu tấn lúa vào năm 2020 để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Rõ ràng, nếu dự báo gạo trong những năm tới được giá hơn so với lúa mỳ và ngô hiện nay của FAO và WB là đúng, thì tiếp tục tăng khối lượng gạo xuất khẩu là đúng, còn kịch bản rút lui của Việt Nam có thể sẽ làm thị trường xuất khẩu gạo thế giới sốt nóng và chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng do chính mình tạo ra.
Thế nhưng, kịch bản ngược lại của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn sẽ là kịch bản “vàng” cho lúa gạo Việt Nam, nếu như nhận định về xu thế tự túc gạo đang nổi lên ở các quốc gia tiêu dùng gạo lớn, cũng như sự trỗi dậy của một vài quốc gia còn tiềm năng chưa được khai thác lại là chính xác.
Trong điều kiện như vậy, kịch bản “mềm” của Chính phủ vẫn là kịch bản khôn ngoan nhất, bởi nhiều lẽ. Xét trên bình diện tổng thể, Việt Nam sẽ không cố “ôm”, nhưng cũng không dễ “buông” mặt hàng nông sản chiến lược có lợi thế bậc nhất đã vinh danh mình trong suốt 25 năm qua, mà duy trì nó khi có lợi thế cạnh tranh không chỉ trên thị trường thế giới, mà so với cả những nông sản khác của chính mình.
Tiếp theo, phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị trên cơ sở đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ tập trung phát triển các “cánh đồng mẫu lớn”, cho nên khắc phục được những bất cập hiện nay và đưa gạo xuất khẩu Việt Nam lên tầm cao mới. Đó là kiểm soát được dư lượng hoá chất, truy xuất được nguồn gốc, không bị lẫn loại, tức là có đủ tiền đề để xuất khẩu gạo có thương hiệu, có thể hướng vào từng thị trường, kể cả những thị trường khó tính và có giá cao.
Theo đó, lợi ích trong sản xuất lúa và xuất khẩu gạo không còn bị chia năm xẻ bảy như hiện nay, mà được phân bổ thỏa đáng cho những chủ thể kinh doanh chủ yếu, sản xuất lúa và xuất khẩu gạo sẽ phát triển bền vững.
Thế nhưng, đó chỉ có thể là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài, đầy khó khăn và thách thức, đòi hỏi nhiều tiền của và công sức. Do vậy, chỉ khi có những nghiên cứu đủ sâu để vạch ra các chính sách khôn ngoan, vừa ép buộc, vừa khuyến khích doanh nghiệp và nông dân cùng chung tay, thì mới tạo ra được nguồn động lực phát triển đủ mạnh.
Nguyễn Đình Bích
đầu tư
|