Thứ Bảy, 21/09/2013 14:25

Phá thế độc quyền của “nhóm lợi ích”: Vẫn lực bất tòng tâm

Điện, xăng, gas, sữa … những mặt hàng thiết yếu không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Nắm được cái "thóp” ấy nên các doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng này đã tha hồ đẩy giá. Kết cục là, bao nhiêu thiệt thòi, người tiêu dùng phải gánh.

Giá gas: "tăng nhiều, giảm ít”

Trong câu chuyện liên quan đến giá gas được đưa ra bàn thảo tại cuộc hội thảo về "Hướng tới thị trường gas minh bạch và an toàn” tổ chức ngày 19-9 vừa qua tại Hà Nội, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) có nhắc tới cái gọi là "vị trí thống lĩnh” của những DN kinh doanh gas khi chiếm thị phần tới trên 60%. Ông An khẳng định, Điều 12 Luật Cạnh tranh 2004 quy định: DN được coi là độc quyền nếu không có DN nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà DN đó kinh doanh trên thị trường liên quan. Khoản 1 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2004 quy định: DN được coi là có vị trí thống lĩnh nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Theo ông An, chiểu theo điều luật này và số liệu về thị phần của PV Gas hiện nay (nắm tới 70% thị phần) thì DN này thuộc loại DN có vị trí thống lĩnh.

Sau điện, xăng, gas cũng là một trong những sản phẩm đầu vào khá quan trọng và thiết yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Hiểu được tầm quan trọng của mình, các DN kinh doanh gas cũng đang "diễn” lại "vở kịch” không khác DN xăng dầu là mấy. Sở dĩ nhận định như vậy là bởi, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas), giá gas trong thời gian qua có tăng, có giảm theo giá thế giới, song dù thế nào, người kinh doanh vẫn luôn ở thế chủ động, điều chỉnh có lợi cho mình.

Thống kê của Vinatas, năm 2012, tháng 1 giá thế giới tăng 85 USD/tấn, tương ứng 1.800 đồng/kg thì ở trong nước giá gas tăng 2000 đồng/kg. Tháng 2, giá gas thế giới tăng 3000 đồng/kg thì trong nước, giá tăng 3.500 đồng/kg. Tháng 3, giá gas trong nước tăng thêm 4.300 đồng/kg trong khi, giá quốc tế chỉ tăng có 3.800 đồng/kg. Tháng 4, giá thế giới giảm 17,6% thì giá trong nước giảm có 15%. Tháng 5, giá thế giới giảm tới 14% thì giá trong nước giảm có 8,6%. Tháng 6, giá gas trong nước giảm tiếp 8%, nhưng trên thị trường thế giới, mức giảm là tới 15%.

Nhìn vào những con số trên, rõ ràng, giá gas có được điều chỉnh giảm, nhưng mức giảm luôn thấp hơn mức giảm của thế giới, trong khi mức tăng lại tương đương, thậm chí cao hơn mức tăng của thế giới.

Bao giờ hết độc quyền?

Có lẽ, sự thiếu minh bạch trong định giá đã trở thành "bản chất” của những DN có vị trí thống lĩnh, thế độc quyền ở Việt Nam. Không phải nhìn đâu xa, chính thị trường xăng dầu và thị trường điện đang lùm xùm nhất những câu chuyện liên quan đến sự thiếu minh bạch này.

Điệp khúc "tăng giá nhanh” - "giảm nhỏ giọt” dường như đã được gắn với thị trường xăng dầu. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá xăng đã được điều chỉnh tăng tới 3 lần (2 lần hồi tháng 6 và 1 lần hồi tháng 7 vừa qua) và duy nhất chỉ một lần điều chỉnh giảm, nhưng ở mức độ "nhỏ giọt” khi giá thế giới đã giảm sâu.

Trên thực tế, giá xăng có tăng hay giảm và tăng cao đến đâu, người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận, bởi họ không có một sự lựa chọn nào khác. Và đây chính là "cái thóp” để các DN tha hồ tự tung tự tác, thích tăng giá là tăng, thích giảm giá là giảm.

Các nhà làm quản lý thì luôn miệng nói "sẽ hướng tới một thị trường xăng dầu minh bạch, hoạt động theo cơ chế thị trường”, nhưng liệu có minh bạch không khi mà vẫn còn tình trạng độc quyền?

Độc quyền rõ nhất chính là thị trường điện. Dù đã có thị trường phát điện cạnh tranh song trên thực tế, theo các chuyên gia ngành điện, chẳng có sự cạnh tranh nào ở đây khi mà vẫn một mình Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) "tự quyết” mọi thứ, từ khâu phát điện đến khâu bán điện và định giá điện.

Với EVN, chưa khi nào người dân được nghe đến cụm từ "điện giảm giá”. Giá điện hàng năm vẫn được điều chỉnh tăng theo lộ trình. Và mỗi khi điện tăng giá, người ta lại chứng kiến những cơn "bão giá” ập đến khuấy đảo đời sống người dân, DN (do giá điện là đầu vào của hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống).

Ở một đất nước có mức thu nhập trung bình như Việt Nam, thì việc vẫn tồn tại tình trạng độc quyền của một bộ phận nhóm lợi ích, chắc chắn sẽ gây ra những bất cập lớn. Khi các DN chiếm thế thống lĩnh, nắm trong tay "quyền sinh quyền sát”, thích tăng giá là tăng, thì chắc chắn gánh nặng sẽ dồn lên vai người tiêu dùng. Và nhìn rộng hơn, khi vẫn tồn tại môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, tất yếu sẽ dẫn đến sự méo mó của một nền kinh tế. Như vậy, mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô của Chính phủ đến khi nào mới thực hiện được?

Duy Phương

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Sẽ có nghị định về đầu tư theo hình thức công - tư (21/09/2013)

>   Loại bỏ doanh nghiệp bình ổn giá nếu tăng giá “bất thường” (21/09/2013)

>   Hàng Việt còn thiếu sức cạnh tranh (21/09/2013)

>   Muốn thành công phải kiên trì (21/09/2013)

>   Hoa Kỳ hủy vụ kiện chống trợ giá tôm của Việt Nam (21/09/2013)

>   'Hô biến tên sữa để làm loạn giá! (21/09/2013)

>   Phân bón giả tràn lan (21/09/2013)

>   Thị trường phân đạm: vai trò của đại lý (21/09/2013)

>   Nông nghiệp VN với “sân chơi” có mức thuế bằng 0 (20/09/2013)

>   NĐT sẵn sàng bơm tiền cho “chúa chổm” Vinacomin (20/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật