NHTW Nhật Bản tuyên bố kinh tế đã “hồi phục hoàn toàn”
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) chính thức tuyên bố nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang trên đà phục hồi và sắp đẩy lùi được tình trạng giảm phát.
* Số liệu mới khẳng định suy thoái ở Eurozone đã qua
* Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã có Thống đốc mới
Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda
|
Động thái nâng triển vọng kinh tế của BoJ có thể làm dấy lên đồn đoán rằng ngân hàng này sẽ ngừng áp dụng thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ trong thời điểm hiện tại, ít nhất là cho đến khi nâng thuế tiêu dùng dự kiến vào tháng 4/2013. Hội đồng chính sách gồm 9 thành viên của BoJ quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ đang được áp dụng.
Trong thông báo được công bố sau cuộc họp chính sách hai ngày, BoJ cho biết nền kinh tế “đang phục hồi với tốc độ vừa phải”. Đây được xem là nhận định lạc quan nhất kể từ tháng 3/2008 của BoJ đồng thời cũng khả quan hơn so với đánh giá trong tháng trước. Khi đó, BoJ cho biết nền kinh tế “bắt đầu phục hồi với tốc độ vừa phải”.
BoJ tuyên bố kinh tế hoàn toàn phục hồi trong lúc đang diễn ra cuộc tranh luận căng thẳng về việc Chính phủ có nên thực hiện kế hoạch nâng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% vào tháng 4/2013. Theo dự kiến, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ công bố quyết định về mức thuế này vào đầu tháng 10 tới.
5 tháng sau khi tung ra chính sách tiền tệ nới lỏng với quy mô khủng, có vẻ như BoJ ngày càng tin tưởng rằng động thái thay đổi chính sách quyết liệt này đã và đang phát huy tác dụng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Nhật Bản tăng 0.7% so cùng kỳ năm ngoái, mức tăng nhanh nhất trong hơn 4 năm và vượt dự báo bình quân cho năm tài khóa kết thúc tháng 3/2014 của BoJ. Hoạt động đầu tư kinh doanh cũng thoát khỏi xu hướng sụt giảm trong quý 2.
Hội đồng chính sách của BoJ quyết định tiếp tục bơm vào nền kinh tế 60-70 ngàn tỷ JPY (tương đương 602-703 tỷ USD)/năm, chủ yếu thông qua việc mua vào trái phiếu Chính phủ. Kết quả này đúng như kỳ vọng của toàn bộ 10 nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones Newswires.
Thống đốc BoJ nhắc lại rằng BoJ có thể chạm mục tiêu lạm phát 2% trong vòng hai năm thông qua chương trình nới lỏng đang được áp dụng thậm chí khi việc nâng thuế gia tăng sức ép lên chi tiêu của các hộ gia đình.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế dự báo ngân hàng trung ương sẽ cùng với Chính phủ có thể áp dụng thêm các biện pháp kích thích trong tháng 4/2014 để giảm thiểu tác động của mức thuế tiêu thụ đến đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Phước Phạm (Theo Wall Street Journal)
Infonet
|