Xu hướng đồng tiền mất giá tiếp diễn tại châu Á
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể rút ra các chính sách nới lỏng. Một số NHTW các nước đã phải hành động để đối phó với tình trạng đồng nội tệ mất giá.
Hầu hết các đồng tiền tại các quốc gia châu Á đều tiếp tục xu hướng mất giá trong những ngày gần đây trước hàng loạt các tin “xấu”: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể rút ra các chính sách nới lỏng; dự trữ ngoại hối (DTNH) giảm ở nhiều nền kinh tế mới nổi; Mỹ đề cập đến khả năng tấn công quân sự vào Syria…
Thực tế, một số NHTW các nước đã phải hành động để đối phó với tình trạng đồng nội tệ mất giá. Đơn cử thứ 5 tuần trước, NHTW Indonesia đã tăng các lãi suất cơ bản để bảo vệ đồng tiền của mình. Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ cũng đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp ngăn chặn đà xuống giá liên tục của đồng Rupee trước các ngoại tệ chủ chốt.
Tuy diễn biến các đồng tiền ở các nền kinh tế châu Á có xu hướng chung là mất giá nhưng diễn biến với mỗi đồng tiền không hoàn toàn giống nhau. Theo Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của Ngân hàng HSBC, điều này là do tình trạng DTNH và tỷ lệ nợ nước ngoài tăng cũng khác nhau ở các nền kinh tế này.
Theo đó, mặc dù DTNH ở nhiều nền kinh tế châu Á đã tăng rất nhiều so với một thập kỷ trước đây nhưng mức tăng không nhanh bằng mức tăng nợ nước ngoài, đặc biệt tại các nền kinh tế như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Để phản ánh chính xác hơn xu hướng diễn biến tiền tệ của các nước trong khu vực, HSBC sử dụng chỉ số tỷ lệ ngoại hối tổng hợp – tỷ lệ DTNH cộng với mức cân bằng tài khoản vãng lai trên tổng mức nợ nước ngoài ngắn hạn – để đo lường khả năng biến động của một đồng tiền. Theo cách này, các đồng tiền Rupee của Ấn Độ và Rupiah của Indonesia tiếp tục hoạt động kém hiệu quả.
Kế đến là đồng Ringitt của Malaysia và đồng Baht của Thái Lan. Ngược lại, đồng Nhân dân tệ và đồng dollar Đài Loan của Trung Quốc; đồng Won của Hàn Quốc; đồng dollar Singapore sẽ được hỗ trợ tích cực hơn bởi DTNH dồi dào và thặng dư cán cân vãng lai.
Đỗ Phạm
thời báo ngân hàng
|