EU kêu gọi các nước giúp dẹp bỏ bảo hộ mậu dịch
Trong báo cáo vừa công bố, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các nước tham gia nỗ lực toàn cầu để chặn đứng xu thế bảo hộ mậu dịch đang gia tăng, nhằm không làm tổn hại tới quá trình phục hồi còn rất mong manh của kinh tế thế giới.
Theo Báo cáo về các biện pháp (loại bỏ) tình trạng hạn chế thương mại của EU, có khoảng 150 biện pháp siết chặt và hạn chế thương mại mới đã được EU đưa ra trong năm ngoái, trong khi chỉ có 18 biện pháp được bãi bỏ. Tổng cộng đã có tới gần 700 biện pháp mới được "nêu danh" kể từ tháng 10/2008.
Báo cáo trên cho biết nhiều biện pháp hạn chế được sử dụng trực tiếp ngay tại các cửa khẩu biên giới và có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là dưới hình thức tăng thuế nhập khẩu. Brazil, Argentina, Nga và Ukraine là những nước đã áp thuế ở các mức cao nhất.
Theo EU, các biện pháp đó đang thúc ép người tiêu dùng sử dụng hàng hóa nội địa, với việc tái bố trí lại ngành nghề kinh doanh tiếp tục diễn ra, đặc biệt là tại các thị trường mua sắm bằng ngân sách của chính phủ. Brazil chiếm tới hơn 30% các quy định hạn chế có liên quan tới mua sắm của chính phủ, tiếp theo là Argentina và Ấn Độ.
EU cho hay một số nước đang tiếp tục bảo hộ một số ngành công nghiệp nội địa của họ trước sự cạnh tranh từ bên ngoài, khiến cho người tiêu dùng cũng như các ngành và lĩnh vực khác phải chịu thiệt thòi. Trong đó Brazil và Indonesia là những ví dụ điển hình về bảo hộ mậu dịch mạnh nhất theo kiểu này.
Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht, nhận định: "Điều mà tất cả chúng ta cần làm là hãy thực hiện cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Thật đáng lo ngại khi thấy có quá nhiều biện pháp bảo hộ vẫn đang tiếp tục được áp dụng, trong khi hầu như không có biện pháp nào được bãi bỏ."
Bảo hộ thương mại là một chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra tại Saint Petersburg (Nga) trong hai ngày 5-6/9 tới. Ông De Gucht cho biết, các nước G20 từ lâu đã nhất trí ngăn chống xu hướng bảo hộ mậu dịch vì hiểu rằng điều đó sẽ chỉ làm phương hại tiến trình phục hồi của kinh tế toàn cầu./.
Thùy Chi
vietnam+
|