Bỉ giảm lương “khủng”
Chính phủ Bỉ đã thực thi một quyết sách khiến nhiều nước ở châu Âu phải ngả mũ thán phục.
Ngày 1-9, chính quyền Thủ tướng Elio Di Rupo đã quyết định giảm lương của năm vị lãnh đạo các tập đoàn nhà nước vừa được bổ nhiệm xuống bốn lần so với mức hiện tại.
Theo AFP, quyết định này nêu rõ rằng lương của các vị đang đem lại lợi ích kinh tế cho chính phủ không được vượt quá lương của các lãnh đạo hành chính cấp bộ, tức không được vượt quá mức lương trước thuế 290.000 euro (tương đương 383.500 USD)/năm.
Như vậy các vị lãnh đạo của Công ty đường sắt SNCB hoặc Infrabel (công ty quản lý hệ thống đường sắt) sẽ không thể có được mức lương của vị tiền nhiệm (vào khoảng 500.000 euro/năm) nhưng hơn mức lương thủ tướng Bỉ hiện nay là 220.000 euro.
Ông Jean-Pascal Labille, bộ trưởng doanh nghiệp công, khẳng định: “Quyết định trên góp phần tái lập hình thức công bằng lương bổng. Cần phải chấm dứt tình trạng lương bổng quá mức ở một số nơi”. Ông chính là người đã tiến hành đợt cải cách lương này.
Vấn đề bổ nhiệm người nắm các vị trí chủ chốt của kinh tế nhà nước cũng như chuyện giảm lương bổng đã gây nhiều tranh cãi suốt mấy tuần qua ở Bỉ, đặc biệt ở thời điểm sắp bầu cử quốc hội (vào tháng 5-2014).
Nhưng theo Thủ tướng Rupo, cuối cùng sáu đảng trong liên minh cầm quyền đã tìm được tiếng nói chung trong việc phân bổ người của mình cho các vị trí then chốt.
Cách đây mươi ngày, lãnh đạo Bưu chính Bỉ (Bpost) Johnny Thijs, người không bị thay trong đợt bổ nhiệm này do còn nhiệm kỳ, đã gây phẫn nộ cho phía công đoàn khi tuyên bố không muốn thấy phần lương bổng mình đang nhận hiện nay (khoảng 1,12 triệu euro) bị giảm xuống đến bốn lần.
Theo ông Johnny Thijs, các lãnh đạo chính trị cần tìm “những lãnh đạo cho các doanh nghiệp nhà nước phải là những người tốt, thông minh và sẵn sàng đối mặt các thách đố lớn. Tôi tin rằng cần phải trả lương xứng đáng cho các lãnh đạo như thế”.
Lúc đó, một số chính trị gia Bỉ khuyến cáo nên giữ mức lương cao để thu hút nhân tài phục vụ trong các lĩnh vực mũi nhọn có tầm quốc tế. Nhưng một số chính trị gia khác cũng có lập luận dựa trên cơ sở nghiên cứu của mình.
Bà Anne Demelenne, tổng thư ký Liên đoàn FGTB, lập luận trên Đài RTL-TVI của Bỉ: “Lương cao không có nghĩa là bằng chứng, là cam kết cho sức khỏe kinh doanh của doanh nghiệp. Không phải vì lãnh đạo có lương “khủng” thì doanh nghiệp hoạt động tốt và không sa thải nhân viên.
Chẳng có liên hệ gì giữa hai việc đó”. Còn ông Ronny Balcaen - tổng thư ký Đảng Môi trường - nói thẳng: “Ở Bỉ hiện nay biết rõ việc lựa chọn người làm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không phải dựa trên năng lực mà dựa vào phe phái chính trị”.
Tuy nhiên trước ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, giải pháp giảm lương lãnh đạo tập đoàn nhà nước đã chiến thắng: mức lương thưởng cho các “siêu lãnh đạo” sẽ bị khống chế mức trần 290.000 euro/năm, tương đương mức lương của bộ trưởng tài chính. Tuy nhiên, cấp bộ chủ quản của tập đoàn nhà nước có quyền xét thưởng tối đa 10% mức lương cho lãnh đạo tập đoàn làm việc hiệu quả.
Trong đợt giảm lương lần này ở Bỉ, hai mức lương “khủng” chưa bị điều chỉnh là của Bpost (1,12 triệu euro) và của nhà mạng điện thoại Belgacom (2,14 triệu euro). Lương lãnh đạo hai tập đoàn này sẽ được điều chỉnh khi người đứng đầu hết nhiệm kỳ, với Bpost là vào tháng 1-2014 và với Belgacom là vào tháng 3-2015.
Quyết định của chính quyền Brussels gây nhiều dư âm tại Pháp vì chính quyền của Tổng thống François Hollande cũng vừa quyết định đặt mức trần cho lương các lãnh đạo tập đoàn nhà nước là 450.000 euro/năm. Mức này, cao gấp 26 lần lương căn bản, cũng khiến dư luận nhiều bực tức khi kinh tế Pháp gặp nhiều khó khăn.
N.Quân
tuổi trẻ
|