Số liệu mới khẳng định suy thoái ở Eurozone đã qua
Với các số liệu đầy đủ hơn từ một số nước thành viên, Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu ngày 4/9 đã công bố báo cáo đánh giá mới, khẳng định Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cuối cùng đã thoát khỏi cuộc suy thoái kéo dài 18 tháng trong quý 2/2013, nhờ xuất khẩu tăng mạnh trở lại sau sáu tháng giảm sút và chi tiêu công lần đầu tiên đóng góp tích cực vào nền kinh tế kể từ cuối năm 2009.
Theo đó, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong quý hai vừa qua vẫn là 0,3% như con số ước tính đã công bố tháng trước, so với mức sụt giảm 0,2% trong quý một. Trong khi đó, trên bình diện toàn bộ Liên minh châu Âu (EU), nhịp độ tăng trưởng kinh tế đạt 0,4% trong quý hai, cao hơn mức tăng 0,3% theo ước tính trước đó và so với mức giảm 0,1% trong quý một. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng kinh tế của Eurozone giảm 0,5%, còn của EU ổn định, trong khi các con số đưa ra trước đó lần lượt là giảm 0,7% và 0,2%.
Trong quý vừa qua, Bồ Đào Nha - quốc gia đã phải nhận cứu trợ, có nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao nhất là 1,1%. Trong khi Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Vương quốc Anh, Phần Lan và Litva cùng đạt mức tăng 0,7%. Trong khi đó, nền kinh tế suy giảm mạnh nhất là Síp, với mức giảm 1,4%, tiếp theo là Slovenia (giảm 0,3%), và Italy và Hà Lan, hai nền kinh tế cùng giảm 0,2%, còn kinh tế Tây Ban Nha chỉ giảm 0,1%.
Đánh giá mới được đưa ra trong lúc có một loạt số liệu tích cực được công bố gần đây, từ lòng tin kinh doanh cải thiện tới sản lượng công nghiệp tăng và doanh số bán lẻ cao hơn, đồng nghĩa với việc hoạt động kinh tế của khu vực đang dần ổn định. Nhà phân tích Howard Archer của IHS Global Insight nhận định lòng tin đang gia tăng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch thuê nhân công và đầu tư và cũng sẽ khích lệ người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.
Trong khi đó, theo kết quả một khảo sát cũng được công bố cùng thời điểm, lĩnh vực dịch vụ của Eurozone vốn đóng góp đáng kể cho hoạt động kinh tế đã tăng trưởng trở lại trong tháng Tám, với hoạt động kinh doanh chung chạm mức cao 26 tháng.
Chỉ số quản lý sức mua (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ theo khảo sát của Markit Economics tăng từ 49,8 điểm trong tháng Bảy lên 50,7 điểm trong tháng Tám, cho thấy sự tăng trưởng của lĩnh vực này lần đầu tiên trong 19 tháng qua. PMI của lĩnh vực chế tạo cũng đã vượt ngưỡng 50 điểm trong tháng Bảy. PMI tổng hợp của khu vực tăng từ 50,5 điểm trong tháng Bảy lên 51,5 điểm trong tháng Tám, song thấp hơn con số 51,7 điểm theo ước tính sơ bộ.
Nhà kinh tế trưởng Chris Williamson của Markit cho rằng đà phục hồi của Eurozone đang được củng cố, khi đang có thêm các lĩnh vực và các nền kinh tế thoát khỏi suy thoái.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tăng trưởng kinh tế của Eurozone vẫn yếu, sau cuộc suy thoái kéo dài đã làm mất hàng triệu việc làm và thử thách sự bền vững của một liên minh tiền tệ. Tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu là Đức hiện không đủ để giữ được việc làm.
Khi các số liệu tăng trưởng quý hai được công bố lần đầu trong tháng trước, các nhà phân tích và các quan chức đã hoan nghênh diễn biến tích cực ở khu vực đồng tiền chung, song cũng bày tỏ lo ngại về triển vọng của kinh tế khu vực, khi khủng hoảng nợ tiếp tục đeo bám và thất nghiệp vẫn cao kỷ lục, ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng, trong khi các điều kiện tín dụng khắt khe và cải cách ngân hàng đang diễn ra.
Số liệu khác được công bố cùng ngày cho thấy doanh số bán lẻ ở Eurozone trong tháng Bảy tăng 0,1% so với tháng trước, sau khi giảm 0,7% trong tháng Sáu và giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy suy giảm kinh tế tiếp tục gây sức ép lên nhu cầu tiêu dùng, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Các nhà hoạch định chính sách của EU cho rằng chưa đến lúc khẳng định cuộc khủng hoảng ở Eurozone đã qua và kêu gọi các chính phủ đẩy mạnh các cải cách cần thiết để tạo động lực cho nền kinh tế./.
Lê Minh
vietnam+
|