Thứ Ba, 03/09/2013 15:55

Ngân hàng “thích” đầu tư hơn cho vay

Lo ngại nợ xấu khiến các nhà băng ngày càng thận trọng cho vay. Vì thế, tài sản của nhiều ngân hàng đang thiên về các công cụ đầu tư an toàn.

6 tháng đầu năm nay, lãi từ đầu tư trái phiếu của Techcombank chiếm đến 37% tổng thu nhập lãi của Ngân hàng

Ngại cho vay…

Tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ước tính đến 20/8 tăng 5,4% so với đầu năm nay. Như vậy, để đạt được mục tiêu tín dụng đề ra cho cả năm là 12% thì từ giờ đến cuối năm, mỗi tháng, tín dụng phải tăng hơn 1,5%. Đây có lẽ là một nhiệm vụ bất khả thi.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính - ngân hàng, hoàn thành mục tiêu tín dụng nói trên trong bối cảnh thị trường chưa hết khó khăn như hiện nay là rất khó. Mặt khác, theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, không nên chạy đua tăng trưởng tín dụng để lại lĩnh hậu quả là nợ xấu tăng.

Từ trước đến nay, với các ngân hàng Việt Nam, tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng tài sản và cũng là nguồn mang lại lợi nhuận chính. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều khách hàng doanh nghiệp tốt của ngân hàng còn tồn kho nhiều, tiêu thụ chậm, khiến bản thân doanh nghiệp cũng thận trọng mở rộng sản xuất - kinh doanh, dẫn đến không có nhu cầu vay thêm vốn, dù lãi vay đã tương đối thấp. Còn với những doanh nghiệp yếu, chấp nhận lãi vay cao, thì sự thận trọng lại thuộc về các ngân hàng, do lo ngại không thu đủ nợ gốc, nói gì đến lãi.

Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, nếu đẩy mạnh tín dụng mà không kiểm soát được chất lượng thì chưa chắc lợi nhuận sẽ tăng tương ứng, do có thể phải trích dự phòng cao. Thực tế, tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng vẫn tăng đều đặn trong thời gian qua, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn.

… quay sang trái phiếu

Không đẩy mạnh tăng tín dụng, nên trong điều kiện nguồn tiền huy động dôi dư, các ngân hàng đã tìm đến các kênh đầu tư an toàn khác, trong đó đặc biệt là trái phiếu chính phủ. Và dù tỷ suất lợi nhuận của các khoản đầu tư này không cao, nhưng do nắm giữ nhiều hơn, nên thu nhập từ chúng cũng dần tăng lên trong tổng thu của ngân hàng.

Kết quả khảo sát ngành ngân hàng Việt Nam vừa được KPMG thực hiện đã cho thấy xu hướng nói trên. KPMG chia 33 ngân hàng trong phân tích thành 4 nhóm dựa trên vốn điều lệ của từng nhà băng đến thời điểm cuối năm 2012. Trong đó, Nhóm 1 (có vốn điều lệ trên 20 nghìn tỷ đồng - gồm có 4 ngân hàng) thống trị thị trường cho vay và ứng trước cho khách hàng, với tỷ lệ cho vay và ứng trước cho khách hàng bằng 60%. Nhóm 2 (vốn điều lệ từ 5 nghìn tỷ đồng đến 20 nghìn tỷ đồng - gồm có 11 ngân hàng) chiếm tỷ trọng 28%, ít hơn một nửa so với thị phần của Nhóm 1. Còn đối với Nhóm 3 (vốn từ 3,5 nghìn tỷ đồng đến dưới 5 nghìn tỷ đồng - gồm 7 ngân hàng) và Nhóm 4 (vốn điều lệ dưới 3,5 nghìn tỷ đồng - gồm 11 ngân hàng) chiếm phần còn lại, tức 12%.

Sở dĩ Nhóm 2 có thị phần cho vay chỉ chiếm 28%, theo phân tích của KPMG, là do tài sản của các ngân hàng thuộc nhóm này thiên về các khoản đầu tư hơn là cho vay. Trong đó, các ngân hàng chủ yếu đầu tư vào trái phiếu chính phủ và trái phiếu công ty. Một số ngân hàng có thể đã chấp nhận trái phiếu của một số khách hàng doanh nghiệp như một hình thức để cho vay thêm. Các ngân hàng tìm kiếm công cụ đầu tư an toàn để thay thế cho hoạt động tín dụng vì rủi ro và trái phiếu chính phủ đã trở thành lựa chọn đầu tư hấp dẫn.

Báo cáo của KPMG cũng lưu ý rằng, lãi suất của trái phiếu chính phủ thậm chí đã thấp hơn lãi suất huy động của ngân hàng trong ít nhất 2 năm gần đây. Theo KPMG, do thừa thanh khoản, nhưng lại lo sợ rủi ro khi cho vay, nên nhiều ngân hàng đã chấp nhận tình trạng đó với mục tiêu duy trì nguồn huy động, đợi đến khi nền kinh tế khởi sắc trở lại.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2013 của các ngân hàng cũng cho thấy, khoản lãi từ kinh doanh trái phiếu chiếm một phần đáng kể trong tổng thu nhập 6 tháng đầu năm, từ 15 - 37%. Chẳng hạn, tại VietinBank, lợi nhuận đã tăng gấp rưỡi trong 2 quý đầu năm, trong khi tín dụng của nhà băng này chỉ tăng 0,37%. Lợi nhuận trước thuế của VietinBank tăng mạnh trong 2 quý đầu năm nay là nhờ khoản lãi từ đầu tư trái phiếu, chiếm 20% tổng thu nhập lãi của Ngân hàng.

Với Techcombank, tỷ trọng lãi từ kênh đầu tư trái phiếu còn lớn hơn, chiếm đến 37% tổng thu nhập lãi của Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay. Tăng trưởng tín dụng 2 quý đầu năm của Techcombank có cao hơn VietinBank nhưng cũng chỉ đạt mức khiêm tốn 2,35%.

Theo một lãnh đạo cấp cao của KPMG, sở dĩ tài sản của các ngân hàng trong năm qua và năm nay thiên về các kênh đầu tư an toàn hơn cho vay là bởi các ngân hàng đã thấm thía bài học tăng trưởng tín dụng ồ ạt của những năm trước đây, điều đã dẫn đến tình trạng nợ xấu cao, khó xử lý như hiện nay. Mặt khác, xét về mặt hiệu quả, đầu tư vào trái phiếu chính phủ, tuy lãi suất thấp nhưng lại không phải trích lập dự phòng rủi ro, nếu so với cho vay thông thường mà phải trích lập dự phòng nhiều thì cũng chưa chắc đã thua kém là bao.

Kinh tế trưởng của Dragon Capital, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, muốn đẩy mạnh được tăng trưởng tín dụng thì giải pháp tốt nhất vẫn là kích cầu tổng thể để làm giảm tồn kho cho doanh nghiệp, song song với giải quyết nợ xấu.

Thùy Vinh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Điều kiện để các TCTD vay lại nguồn vốn ODA (03/09/2013)

>   Thống đốc nêu mốc 2015 cho tái cơ cấu ngân hàng (03/09/2013)

>   Ngân hàng nội khó tiếp cận doanh nghiệp FDI (03/09/2013)

>   Ngân hàng chạy đua kích cầu bất động sản (03/09/2013)

>   Ai giám sát nợ công? (02/09/2013)

>   Vụ bầu Kiên: Vì sao TGĐ từng đương nhiệm ACB thoát tội? (01/09/2013)

>   Tuần 26-30/8, NHNN hút về 1.910 tỷ đồng (01/09/2013)

>   4 ngân hàng đạt trên 50% kế hoạch năm (31/08/2013)

>   Nhà băng vừa ưu đãi, vừa... run (31/08/2013)

>   Giao dịch liên ngân hàng giảm (30/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật