Thứ Ba, 03/09/2013 10:30

Ngân hàng nội khó tiếp cận doanh nghiệp FDI

Các ngân hàng cổ phần trong nước cho biết mặc dù phân khúc cho vay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khá tiềm năng nhưng các ngân hàng trong nước vẫn chưa thể tiếp cận được với các khách hàng này.

Theo Tổng cục thống kê, tính chung tám tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI là 21,6% (trong đó xuất khẩu dầu thô giảm nhưng xuất khẩu các hàng hóa khác tăng đến 26%), trong khi tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước so với cùng kỳ chỉ đạt 3%. Điều này cho thấy khu vực doanh nghiệp này hoạt động có hiệu quả hơn doanh nghiệp trong nước.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank, cho biết phân khúc cho vay doanh nghiệp FDI ngân hàng cũng muốn tiếp cận nhưng có rất ít doanh nghiệp FDI đặt vấn đề vay với Sacombank. Lý do là các doanh nghiệp FDI thường vay vốn từ các ngân hàng nước ngoài mà công ty mẹ của họ đã có quan hệ, và lãi suất vay ngoại tệ thì thấp hơn nhiều so với mức lãi suất mà các ngân hàng Việt Nam đưa ra.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 6-2013, có 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, và 50 văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Hiện tại, đa số các doanh nghiệp FDI chỉ sử dụng các dịch vụ của những ngân hàng trong nước như chuyển tiền, thẻ, chi lương cho nhân viên, mua bán ngoại tệ vì ngân hàng trong nước có lợi thế mạng lưới rộng, ông Khang cho biết.

Theo phân tích mới được công bố vào cuối tháng 8 của Công ty KPMG Việt Nam dựa trên báo cáo tài chính 2012 của 33 ngân hàng có công bố đầy đủ báo cáo tài chính, dư nợ cho vay đối với khối doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 2% tổng cho vay của các ngân hàng này. Các ngân hàng này có quy mô tổng tài sản chiếm 86% tổng tài sản của tất cả các ngân hàng nên KPMG cho rằng số liệu đủ để đại diện cho cả thị trường.

Công ty này giải thích rằng các doanh nghiệp FDI thường vay từ ngân hàng nước ngoài hoặc chi nhánh của ngân hàng nước ngoài mà doanh nghiệp mẹ của họ đã sử dụng dịch vụ tại nước sở tại. Thêm vào đó, việc chủ các doanh nghiệp FDI thời gian gần đây bỏ doanh nghiệp về nước không trả nợ diễn ra nhiều khiến các ngân hàng trong nước cũng e ngại nếu cho vay loại hình doanh nghiệp này, đại diện KPMG cho biết.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 5-2013 đã có hơn 500 doanh nghiệp FDI có ông chủ “bỏ trốn”.

Ngoài ra, về cơ cấu cho vay của các ngân hàng, cho vay các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện chiếm đa số với 48%, và đứng thứ hai là cho vay khách hàng cá nhân với 28%. Dư nợ cho vay các doanh nghiệp quốc doanh chỉ chiếm 16%.

Theo KPMG, hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước kém trong thời gian gần đây nên khó tiếp cận vốn các ngân hàng thương mại, trong khi các doanh nghiệp nhà nước có hoạt động tốt thì lại không có nhu cầu vay tiền nhiều.


T.Triều

tbktsg

Các tin tức khác

>   Ngân hàng chạy đua kích cầu bất động sản (03/09/2013)

>   Ai giám sát nợ công? (02/09/2013)

>   Vụ bầu Kiên: Vì sao TGĐ từng đương nhiệm ACB thoát tội? (01/09/2013)

>   Tuần 26-30/8, NHNN hút về 1.910 tỷ đồng (01/09/2013)

>   4 ngân hàng đạt trên 50% kế hoạch năm (31/08/2013)

>   Nhà băng vừa ưu đãi, vừa... run (31/08/2013)

>   Giao dịch liên ngân hàng giảm (30/08/2013)

>   Phòng, chống rửa tiền: Nghi nhiều, không biết rửa... bao nhiêu (30/08/2013)

>   Giám đốc PGD KienLongBank kinh doanh tiền giả (30/08/2013)

>   Ngày 29/8, NHNN bơm ròng 2.101 tỷ đồng (29/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật