Thứ Năm, 05/09/2013 16:00

"Ma trận" thẻ dắt ví, phí "đè" người

Có thẻ tín dụng quốc tế dắt ví, nhiều chủ thẻ chưa kịp vui đã tá hỏa với "ma trận" các loại phí phải trả. Chi tiêu thả phanh biến nhiều người buốt ruột khi nhà băng giục chi trả phí, phạt, lãi.

Thẻ dắt ví, phí "đè người"

Chiếc thẻ tín dụng Citibank chưa kịp "ấm chỗ" trong ví anh Minh (Phương Liệt – Thanh Xuân – Hà Nội) thì anh đã tá hỏa với đủ loại phí phải trả để sở hữu chiếc thẻ hạng Platium.

Anh Minh kể, ban đầu khi mới có thẻ anh khá dè dặt trong chi tiêu và "quẹt" thẻ, nhưng theo tư vấn của nhân viên nhà băng, cuối mỗi tháng anh chỉ cần trả 5% số nợ trong thẻ là có thể vô tư dùng thoải mái. Vậy là số lần quẹt thẻ tín dụng cứ tăng dần, số tiền nợ cứ thế nhân lên. Tới cuối tháng, khi nhân viên ngân hàng gọi điện giục đóng tiền nợ trong thẻ anh Minh mới tá hỏa.

"Cứ ngỡ trả 5% thì chẳng thấm là bao so với thu nhập, nhưng số tiền cứ cộng dồn lại thành ra lại là lớn. Rồi chỉ chậm nộp vào thẻ một ngày thôi ngân hàng đã phạt 200.000 đồng, và số tiền này gộp luôn vào số tiền gốc để tính lãi" – chủ thẻ hạng Platium của Citibank cho biết.

Sau hai lần "trả tiền oan cho ngân hàng", anh Minh quyết định hủy chiếc thẻ tín dụng mới dùng được 2 tháng.

Nghe nhân viên thẻ của HSBC tư vấn bùi tai, chị Loan (Văn Khê – Hà Đông) cũng quyết định mở thẻ tín dụng. Nhưng sở hữu chưa đầy 3 tháng chị cũng quyết định chia tay với chiếc thẻ của "ngân hàng quốc tế am hiểu địa phương".

Có thẻ trong tay, chị Loan vô tư mang ra dùng trong mỗi lần mua sắm mà không mang đủ tiền mặt. Do không tìm hiểu kỹ nên chị Loan dùng vô tư, quẹt vô tư mà không biết rằng mỗi lần thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế chị đều bị tính phí 3%. Thành ra nhiều món hàng mua tưởng rẻ nhưng khi thanh toán bằng thẻ lại "đội" thêm phí, lại hóa đắt.

Thực tế, không chỉ chủ thẻ phải “gánh” mức phí “khủng”, mà ngay cả khi dùng thẻ khác nhưng trót rút tiền tại máy ATM của NH quốc tế, người dùng thẻ cũng bị trừ nghiến một mức phí không hề nhỏ.

Trường hợp anh N.B.N – chủ thẻ ATM của NH Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) bị cây ATM "chém" cũng khá khôi hài. Chia sẻ với PV, anh N cho biết, do đang cần rút tiền có việc gấp mà khu vực gần đó không có cây ATM của NH sở hữu thẻ, anh N. đành tới cây ATM của NH Hồng Kong Thượng Hải (HSBC) để thực hiện giao dịch rút 100.000 đồng. Tuy nhiên, sau một hồi bắt chủ thẻ BIDV “khai” một loạt thông tin cần thiết để xác thực, thì tới bước cuối cùng “nhả tiền” máy ATM của HSBC lại thông báo “hủy giao dịch”.

Điều khiến anh N. bức xúc, là dù máy báo giao dịch đã bị hủy nhưng vẫn "nghiến" tài khoản của anh 150.000 đồng, trong đó phí rút tiền là 50.000 đồng.

“Giao dịch không thực hiện được mà máy vẫn báo là đã trừ tiền của chủ thẻ 150.000 đồng. Từ hôm đó tới nay tôi đã năm lần bảy lượt gọi tới lui tới tổng đài của HSBC để hỏi cho ra nhẽ nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng” – anh N. bức xúc khi kể lại câu chuyện cho PV Infonet.

"Mắc kẹt" nợ từ phí thẻ

Trường hợp nghe tư vấn bùi tai mà mở thẻ tín dụng như chị Loan, hay muốn có chiếc thẻ cho oai như anh Minh chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp chủ thẻ bỗng dưng trở thành "con nợ bất đắc dĩ của thẻ tín dụng".

Ngoài các loại phí đánh vào người tiêu dùng như phí thường niên khoảng 299.000 – 1,2 triệu đồng/thẻ/năm (tùy loại thẻ chuẩn, thẻ vàng hay thẻ Platium), chủ thẻ phải trả nhiều loại phí khác như: phí truy vấn hạn mức tín dụng, phí thay đổi loại hình thẻ 100.000 đồng/lần/thẻ… Và các loại phí “dùng đâu trả đấy” như phí thông báo thất lạc thẻ 200.000 đồng/lần/thẻ; phí cấp bảng sao kê 100.000 đồng/lần/thẻ, phí quản lý chuyển đổi ngoại tệ (nếu thanh toán bằng ngoại tệ) từ 2,75 - 4% số tiền trên mỗi giao dịch....

Hơn thế, do thẻ tín dụng là loại thẻ thanh toán chứ không phải thẻ rút tiền mặt nên ngân hàng ngoại “đánh” rất mạnh vào các phí rút tiền mặt. Chỉ riêng với giao dịch rút tiền mặt với thẻ quốc tế chủ thẻ sẽ phải chịu mức phí thường là 3-5%/số tiền rút cộng với lãi suất trên số tiền rút tính từ thời điểm rút tiền.

Như vậy, riêng các loại phí phải trả để sở hữu một chiếc thẻ tín dụng xinh xinh trong ví, mỗi chủ thẻ phải trả một khoản chi phí không hề nhỏ. Chỉ cần thanh toán trễ hạn hai lần trong một năm thì số tiền chủ thẻ bị phạt có thể còn cao hơn cả phí thường niên. Đặc biệt, lãi suất tính trên tổng số ngày dư nợ thực tế sẽ lên đến mức 27,8 – 31,2%/năm tùy vào từng loại thẻ. Trong thực tế, xu hướng sở hữu nhiều thẻ, chi tiêu hết hạn mức đang biến nhiều người thành nạn nhân của tín dụng đen ngay trong quan hệ vay mượn với NH.

Chia sẻ với PV Infonet, lãnh đạo một Vụ chức năng của NHNN cho hay, bản thân ông dù sở hữu thẻ tín dụng nhưng cũng "cất luôn vào két chứ không dùng". Ngoài các khoản phí thông thường chủ sở hữu buộc phải trả nếu muốn dùng thẻ, các khoản thanh toán chậm trả cũng bị ngân hàng tính phí rất "chát". Ông cũng đưa ra lời khuyên, nếu sử dụng thẻ tín dụng chủ thẻ phải lưu ý trả dư nợ trước khi đáo hạn để tránh phải mất phí "oan". Đặc biệt, do thẻ tín dụng là thẻ thanh toán chứ không phải thẻ rút tiền mặt nên chủ thẻ không nên dùng thẻ tín dụng để rút tiền, "né" lãi suất cao, trả thêm nhiều khoản phí.

Trúc Lam

infonet

Các tin tức khác

>   Eximbank: Ông Nguyễn Quốc Hương chính thức trở thành CEO (05/09/2013)

>   Gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư ưu tiên (05/09/2013)

>   Ngày 4/9, NHNN bơm ròng 1.409 tỷ đồng (05/09/2013)

>   Đã có 2 ngân hàng muốn bán nợ cho VAMC (04/09/2013)

>   Giảm lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu (04/09/2013)

>   BIDV được phát hành tối đa 500 triệu USD trái phiếu quốc tế (04/09/2013)

>   Tổ chức tài chính vi mô được miễn thuế 2 năm (04/09/2013)

>   Không có chuyện “lách luật” huy động vàng (04/09/2013)

>   Giải ngân gói 30.000 tỷ: Thận trọng không thừa (04/09/2013)

>   Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ “trận địa” vàng (04/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật