Đã có 2 ngân hàng muốn bán nợ cho VAMC
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, trong thời gian qua đã có 2 ngân hàng báo cáo về việc sẽ bán một phần nợ xấu cho VAMC (Công ty quản lý tài sản quốc gia), đó là Ngân hàng Nam Việt (Navibank) và Á Châu (ACB).
ACB muốn bán nợ cho VAMC. Ảnh: Lê Toàn.
|
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một lãnh đạo của Navibank cho biết đúng là ngân hàng có chủ trương này, nhưng đến hiện tại, việc bán bao nhiêu nợ cho VAMC vẫn chưa được Hội đồng quản trị ngân hàng quyết định. Ban điều hành chỉ vừa mới đề xuất các phương án xử lý nợ trong đó có phương án bán một phần nợ theo giá trị sổ sách cho VAMC.
Trong khi đó, với ACB, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB đã từng khẳng định với báo giới việc sẽ bán 1.500 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC. Tuy vậy, cũng như Navibank, ACB chỉ mới dừng ở chủ trương, còn bán lúc nào, giá bao nhiêu thì vẫn chưa cụ thể.
Ông Minh cũng cho rằng các ngân hàng trên chỉ mới dự định vì hiện tại VAMC vẫn chưa có thông tư hướng dẫn hoạt động theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ nên vẫn chưa tiến hành mua nợ được.
Nhưng không phải ngân hàng nào cũng muốn bán nợ cho VAMC. Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng lớn tại TPHCM cho biết ngân hàng ông tạm thời chưa có nguyện vọng bán nợ, vì sau khi bán, việc xử lý nợ vẫn thuộc về ngân hàng, trong khi ngân hàng ông không có nhu cầu phải vay tái cấp vốn.
Theo vị này, khi ngân hàng muốn bán nợ cho VAMC để lấy trái phiếu thì cũng chưa chắc đã vay được nguồn tiền tái cấp vốn, vì NHNN sẽ thẩm định lại tài sản và quyết định mức tái cấp vốn hoặc không cho vay.
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng VAMC hiện đang thực hiện mua nợ theo hai hình thức: mua theo giá trị sổ sách và mua theo giá thị trường (theo thỏa thuận giữa hai bên). Tuy vậy, hiện tại cách làm hiệu quả nhất cho các ngân hàng là cách thứ hai thì công ty này chưa làm được, vì không có đủ nguồn tiền, còn cách làm thứ nhất chỉ là để xử lý tình huống, chứ không thể giải quyết triệt để nợ xấu.
Vị này cho rằng các ngân hàng bán nợ cho VAMC được 3 điều lợi, đó là có thể đưa nợ xấu ra ngoài bảng cân đối kế toán, có cơ hội vay được tiền tái cấp vốn, và chỉ phải trích lập 20%/năm cho giá trị nợ xấu thay vì có thể lên đến 100%. Vì vậy, với các ngân hàng hiện cho rằng chưa muốn bán nợ cho VAMC thì cũng không có nghĩa họ sẽ không bán trong tương lai. Thêm vào đó, NHNN cũng đã có quy định các ngân hàng có nợ xấu trên 3% sẽ phải bán nợ cho công ty này.
Còn theo vị chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng nói trên, điều mà các ngân hàng hiện rất cần đó là cơ chế xử lý tài sản đảm bảo sao cho nhanh chóng, thuận tiện để giúp cho quá trình thu hồi nợ được nhanh hơn, nhưng vẫn chưa có sự giúp sức của NHNN.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, đến cuối tháng 7, tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là hơn 52.300 tỉ đồng, chiếm 5,85% tổng dư nợ tín dụng và tăng 11% so với cuối năm 2012. Trong đó, nợ nhóm 5 tức nợ có khả năng mất vốn là 35.075 tỉ đồng, chiếm 67,1% so với tổng nợ xấu. Theo quy định, với nợ nhóm 5, các ngân hàng phải trích lập dự phòng 100% giá trị khoản nợ. |
Thanh Thương
Thời báo kinh tế sài gòn
|