Chủ Nhật, 22/09/2013 14:50

Kinh tế TP HCM dần hồi phục

Tình trạng nợ đọng gia tăng, lượng doanh nghiệp làm ăn có lãi ngày càng ít đi trong khi việc tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn.

Sáng 21-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã làm việc với UBND TP HCM, các sở, ngành và một số hiệp hội, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn về tình hình kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách và hoạt động của DN.

Phục hồi nhưng chưa “khỏe”

Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, cho biết tổng doanh thu của thành phố 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt hơn 532.000 tỉ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến ngày 19-9, toàn thành phố còn hơn 136.000 DN đang hoạt động; 19.254 DN được cấp phép hoạt động mới với tổng số vốn trên 86.000 tỉ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; hơn 66.000 DN đăng ký thay đổi nội dung hoạt động; 15.343 DN ngưng hoạt động và 4.704 DN tái hoạt động.

Hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2012 cho thấy tình hình kinh tế trên địa bàn TP HCM đã phục hồi và có nhiều dấu hiệu khả quan. Dù vậy, hiện còn nhiều khó khăn như: tỉ lệ nợ xấu vẫn tăng, thị trường bất động sản chưa phục hồi, thu ngân sách không đạt kế hoạch ảnh hưởng đến đầu tư xây dựng cơ bản, sức tiêu thụ thị trường trong nước cũng như những thị trường xuất khẩu lớn vẫn còn thấp...

Công ty May Cường Tài chuyên sản xuất mặt hàng xuất khẩu

Bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM, cho biết 9 tháng đầu năm, các nguồn thu trên địa bàn đều tăng cao so với cùng kỳ. Đặc biệt, thu từ khu vực kinh tế tăng 14,49% (trong đó, thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 25,51%, từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 13,53%). Tuy nhiên, tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2013 dự kiến chỉ đạt 91,61% so với dự toán do tình hình suy giảm kinh tế nói chung và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, chỉ tiêu dự toán đầu năm quá cao.

Ngoài việc giảm nguồn thu ngân sách, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho biết theo số liệu quyết toán thuế năm 2012, số DN có thuế thu nhập DN phải nộp là 36%. Đến quý I/2013, số DN này còn 29% và quý II/2013 chỉ còn 25%. Các chỉ số kinh tế - xã hội có tăng nhưng thực tế, số DN do thành phố quản lý để thực hiện các nguồn thu này vẫn khó khăn. Tồn kho trong DN vẫn còn cao, số thuế tăng so với 9 tháng của năm 2012 ảnh hưởng đến tình hình thu 9 tháng năm 2013 cũng như những tháng còn lại.

Chín tháng đầu năm 2013, TP HCM đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn thông qua giảm, giãn thuế. Thời điểm nộp thuế được gia hạn trong năm 2013 trùng với thời điểm phải nộp các khoản thuế được gia hạn trước đó khiến DN tiếp tục rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nợ đọng tiếp tục tăng.

Doanh nghiệp vẫn kêu về vốn

Ông Đỗ Trọng Vinh, Giám đốc Công ty CP Thủy đặc sản, cho biết thời gian qua, DN gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, khách hàng giảm hoặc ngừng đơn hàng làm DN giảm đến 30% công suất thiết bị. Từ năm 2011 đến nay, DN xây dựng lại thương hiệu, xúc tiến các thị trường mới ở châu Phi và Đông Âu, đẩy mạnh thị trường nội địa nên tình hình có khả quan hơn. “Đặc thù của ngành sản xuất thủy hải sản là thời điểm này đến cuối năm cần mua trữ nguyên liệu cho sản xuất đầu năm tới nhưng hiện DN chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi” - ông Vinh lo ngại.

Đại diện Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết lãi suất của NH giảm khá mạnh, 3%-4% so với cuối năm 2012 và 8%-9% so với năm 2011. Trường hợp DN thuộc lĩnh vực ưu tiên được vay với lãi suất dưới 9% nhưng lại phải vay vốn lãi suất cao hoặc không tiếp cận được thì có thể báo cho NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM để kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có.

Tính đến thời điểm này, các NH trên địa bàn TP HCM cho vay theo dư nợ với lãi suất dưới 13% chiếm tỉ trọng 70%. Trong đó, cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên với lãi suất dưới 9% chiếm tỉ trọng 13%; cho vay lãi suất 9%-13% chiếm tỉ trọng 59%. Với lãi suất cho vay 13%-14%, hiện dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chiếm tỉ trọng 20%. Lãi suất cho vay lãi suất trên 14% đối với lĩnh vực bất động sản, phi sản xuất… chiếm tỉ trọng dư nợ 10%.

Trong nhu cầu vốn hiện nay, tỉ trọng cho vay trung dài hạn của các NH là 45,3%. Đây là nỗ lực lớn của các NH vì hiện nguồn vốn huy động đầu vào rất ngắn, chỉ 3-4 tháng. Các tổ chức tín dụng tại TP HCM đã tái cơ cấu cho hơn 77.000 khách hàng với hơn 277.000 tỉ đồng. Những DN có dự án hiệu quả cũng được NH tái cơ cấu nợ.

Giải thể, phá sản 25 DN nhà nước

Ông Phạm Minh Trí, Trưởng Ban Quản lý đổi mới DN, cho biết giai đoạn 2011-2015, TP HCM còn hơn 90 DN 100% vốn nhà nước thuộc diện phải sắp xếp, tái cơ cấu. Trong đó có 50 tổng công ty, công ty TNHH MTV thuộc UBND TP HCM làm chủ sở hữu và tập trung chủ yếu vào 17 tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Ngoài ra, trong số hơn 90 DN này, có 25 DN không chuyển đổi cổ phần hóa vì đang tiến hành các thủ tục phá sản, giải thể, bán... Dự kiến đến năm 2014 sẽ giải quyết dứt điểm 25 DN này.


Thanh Nhân

người lao động

Các tin tức khác

>   Dự án “siêu rùa” tại VNPT “phá sản“ vì công nghệ lạc hậu (22/09/2013)

>   Đàm phán TPP: Mỹ đã bật đèn xanh cho Trung Quốc? (22/09/2013)

>   Vinashin cần hơn nghìn tỷ để tái cơ cấu nhân sự (21/09/2013)

>   Phá thế độc quyền của “nhóm lợi ích”: Vẫn lực bất tòng tâm (21/09/2013)

>   Sẽ có nghị định về đầu tư theo hình thức công - tư (21/09/2013)

>   Loại bỏ doanh nghiệp bình ổn giá nếu tăng giá “bất thường” (21/09/2013)

>   Hàng Việt còn thiếu sức cạnh tranh (21/09/2013)

>   Muốn thành công phải kiên trì (21/09/2013)

>   Hoa Kỳ hủy vụ kiện chống trợ giá tôm của Việt Nam (21/09/2013)

>   'Hô biến tên sữa để làm loạn giá! (21/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật