Khởi động nghiên cứu xây dựng Luật Đăng ký tài sản
Hiện nay ở nước ta có hàng chục loại giấy chứng nhận đăng ký tài sản.
“Pháp luật về đăng ký tài sản chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu rõ ràng… giống như mớ bòng bong, gây khó khăn cho chính các cơ quan công quyền cũng như ngân hàng, doanh nghiệp, người dân...” - luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên VIAC, phát biểu tại cuộc hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc đề xuất nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đăng ký tài sản tại Việt Nam” do Bộ Tư pháp tổ chức hôm 9-9.
Ông Đức liệt kê ra ít nhất có 16 loại giấy chứng nhận đăng ký tài sản và khoảng năm loại giấy chứng nhận khác liên quan đến tài sản; tương ứng có tới hơn 10 cơ quan có thẩm quyền cấp các loại giấy trên.
Trước đó, trong báo cáo dẫn đề, ông Hồ Quang Huy - Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cũng thừa nhận pháp luật về đăng ký bất động sản đang có sự không thống nhất từ quy định về giá trị pháp lý của việc đăng ký đến sự thiếu thống nhất trong các quy định về chuyển quyền sở hữu bất động sản và thiếu thống nhất cả trong các quy định về công chứng, đăng ký hợp đồng, giao dịch bất động sản. Đối với đăng ký động sản thì ngoại trừ một số ít tài sản như tàu bay, tàu biển và một số sản phẩm trí tuệ buộc phải đăng ký làm phát sinh quyền sở hữu (riêng phương tiện giao thông cơ giới thì việc đăng ký chỉ mang tính chất quản lý, lưu hành phương tiện) còn pháp luật hiện hành chưa có quy định đăng ký sở hữu đối với tài sản là động sản theo yêu cầu.
Ông Huy cho biết Bộ Tư pháp đang nghiên cứu xây dựng một luật thống nhất về đăng ký tài sản. Theo đó, hệ thống cơ quan đăng ký sẽ được thu gọn đầu mối và hiện đại hóa; thủ tục đăng ký đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện cho người dân… Cạnh đó, luật này cũng sẽ dành một phần quan trọng quy định về việc xây dựng dữ liệu thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản trong phạm vi cả nước nhằm công khai hóa thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản.
Đ.Minh
pháp luật tphcm
|