Hầu hết tham nhũng liên quan đến Doanh nghiệp
70% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ chủ động hối lộ.
“Trong 20 vụ tham nhũng lớn được Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng (PCTN) Trung ương chỉ đạo điều tra thì 50% xảy ra ở các doanh nghiệp (DN), điển hình như vụ Vinashin, Vinalines vừa qua. Những vụ còn lại tuy không xảy ra ở DN nhưng hầu hết cũng liên quan đến DN” - ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục Trưởng cục PCTN, Thanh tra Chính phủ, cho biết như trên tại tọa đàm Minh bạch, liêm chính trong kinh doanh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức chiều 9-9 tại Hà Nội.
Theo ông Hùng, những vụ tham nhũng như vụ Mai Văn Dâu nhận 6.000 USD, bản chất là nhận hối lộ của DN xin quota xuất nhật khẩu, hoặc gần đây là vụ hàng loạt lãnh đạo các ngân hàng khu vực phía Nam bị điều tra đều có dính dáng đến DN. Nhiều thông tin trên báo chí cũng như kết quả thăm dò dư luận gần đây cũng cho thấy tình trạng tham nhũng trong DN không mấy sáng sủa. Trong khảo sát mới đây của thanh tra Chính phủ với Ngân hàng Thế giới, trước câu hỏi “DN hành động gì khi gặp vướng mắc với cơ quan nhà nước” thì 51% trả lời là dùng mối quan hệ để tác động - kèm theo đó là phong bì, 59% DN trả lời đưa tiền, quà để giải quyết cho được việc. Chỉ có 13% DN phản ảnh cơ quan chức năng và 6% phản ánh với cơ quan báo chí. Trả lời câu hỏi “tại sao DN đưa hối lộ”, 32% DN cho rằng cần giải quyết công việc nhanh, hiệu quả; 26% DN nói chi phí “mua” quan chức rẻ hơn so với lợi ích mang về; đáng chú ý đến 68% DN cho rằng không có hối lộ thì sẽ hỏng việc. Với câu hỏi “cán bộ, công chức có ép buộc DN đưa hối lộ hay DN chủ động”, 70% DN cho biết họ chủ động.
Theo ông Ngô Mạnh Hùng, doanh nghiệp thường chấp nhận hối lộ để được việc.
|
“Điều này cho thấy ứng xử của DN là chấp nhận hối lộ để được việc. Hành vi đưa hối lộ đã trở nên phổ biến, tình trạng tham nhũng đã ăn sâu trong DN” - ông Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, hành vi đưa hối lộ hiện nay rất phổ biến nhưng nhiều người lầm tưởng không phải là hành vi tham nhũng. “Trước đây, Bộ luật Hình sự (năm 1999) quy định bảy hành vi tham nhũng nhưng không có hành vi đưa hối lộ. Sau này, Luật PCTN ra đời (năm 2005) có quy định hành vi tham nhũng bao gồm cả hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự vẫn giữ quy định hành vi đưa hối lộ là thuộc nhóm “các tội phạm khác về chức vụ” chứ không thuộc nhóm “các tội phạm về tham nhũng”. Chính vì vậy, để nhiều người hiểu rõ hành vi đưa hối lộ cũng là tham nhũng thì cần sửa luật cho phù hợp” - ông Hùng nói.
Đồng thời ông Hùng cũng nêu lên một khác biệt của Việt Nam với thế giới là chưa thừa nhận, chưa quy định hành vi tham nhũng trong khu vực tư nhân. Vì vậy chỉ những vụ có liên quan đến cán bộ, công chức ở các cơ quan nhà nước mới được xem là có tham nhũng còn nếu không có yếu tố Nhà nước thì chỉ bị coi là phạm tội ở các nhóm tội phạm khác. “Hiện tham nhũng trong DN rất phức tạp và tinh vi. Một trong những giải pháp có thể PCTN hiệu quả là xây dựng bộ quy tắc ứng xử, xây dựng đạo đức kinh doanh trong DN” - ông Hùng nhấn mạnh.
Luật PCTN của Mỹ ra đời năm 1977, áp dụng cho cả quan chức nhà nước và bất kỳ người nào lạm dụng công quyền để trục lợi cá nhân. Tham nhũng ở Mỹ có thể bị phạt hình sự lên đến 2 triệu USD đối với pháp nhân và 100.000 USD đối với thể nhân, cùng với hình phạt tù không quá năm năm cho mỗi lần vi phạm. Mức phạt dân sự đối với pháp nhân và thể nhân lên đến 16.000 USD cho mỗi lần vi phạm. Việc PCTN trong DN ở Mỹ dựa trên bộ quy tắc ứng xử trong DN, trong đó có sự cam kết của đội ngũ lãnh đạo cao cấp và một chính sách chống tham nhũng rõ ràng. Trên cơ sở đó, mỗi DN hình thành quy tắc ứng xử với các chính sách và quy trình tuân thủ nó. Đồng thời, quốc gia này có cơ chế khuyến khích để mọi người đều có trách nhiệm phát hiện dấu hiệu đáng ngờ của tham nhũng và đi kèm là các biện pháp kỷ luật cũng như báo cáo bảo mật và điều tra nội bộ…
Luật sư DANFORTH NEWCOMB - Mỹ
|
T.Hằng
Pháp luật TPHCM
|