Chủ Nhật, 08/09/2013 10:20

Chủ đầu tư ĐN 6 và 6A: “Chúng tôi chỉ làm đúng theo quy định và số liệu phân tích”

Sau khi chủ đầu tư hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A rút lại bản báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để hiệu chỉnh, bổ sung lần thứ 3 thì một số cá nhân, tổ chức được dịp mổ xẻ dự án thêm một lần nữa. Những thắc mắc xung quanh bản báo cáo ĐTM càng làm nóng các diễn đàn dư luận. Hy vọng có được những giải đáp cụ thể, rõ ràng nhất từ phía chủ đầu tư, nhóm phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Bá Hiệp-Phó TGĐ, phụ trách dự án, đại diện chủ đầu tư (Tập đoàn Đức Long Gia Lai).

PV: Thưa ông, vừa qua dư luận xôn xao về việc Tập đoàn Đức Long xin rút lại bản báo cáo ĐTM để hiệu chỉnh, bổ sung những hạng mục còn chưa đầy đủ. Vậy tại sao một bản báo cáo ĐTM mà phải chỉnh sửa tới 3 lần?

Ông Trần Bá Hiệp: Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các dự án thủy điện ĐN6 và ĐN6A được Bộ TNMT bắt đầu thẩm định sau khi Công ty CP Tập đoàn ĐLGL (ĐGL) nộp vào tháng 7/2012. Hội đồng thẩm định của Bộ TNMT đã có phiên họp kỹ thuật lần 1 vào tháng 11/2012 và có yêu cầu Chủ đầu tư phải bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung cũng như việc đáp ứng yêu cầu theo Luật Tài nguyên nước mới có hiệu lực từ năm 2013, ngoài ra theo Thông tư số 24/2013 của Bộ NNPTNT quy định về việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, chúng tôi còn phải làm việc với UBND các tỉnh mà phạm vi dự án có sử dụng đất rừng đề nghị chỉ định vị trí trồng rừng để chúng tôi lập phương án trồng rừng thay thế. Việc bổ sung, làm rõ một số nội dung theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định hoặc theo các quy định pháp lý mới như nói trên là để Hội đồng thẩm định có thể đánh giá một cách chính xác và đầy đủ nhất về báo cáo ĐTM các dự án này trong tiến trình thẩm định.

PV: Tuần qua, trên báo Người lao động có loạt bài chỉ ra nhiều vướng mắc trong bản ĐTM của hai dự án. Theo đó, nhiều hạng mục thi công với các tác động khá nguy hiểm đã bị chủ đầu tư loại khỏi báo cáo ĐTM như hệ đất đá phục vụ xây dựng và hệ thống đường dây tải điện. Trong khi đó, Nghị định 29 của Chính phủ quy định ĐTM phải liệt kê chi tiết các hạng mục công trình có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường . Ông giải thích điều này như thế nào?

Ông Trần Bá Hiệp: Trong ĐTM, các hạng mục công trình chính, hồ chứa và các hạng mục công trình phụ trợ phục vụ giai đoạn thi công như đường thi công, kho xưởng, bãi trữ vật liệu và bãi thải đất đá… đều đã được đánh giá tác động môi trường đầy đủ cho giai đoạn chuẩn bị mặt bằng, giai đoạn xây dựng và vận hành công trình. Riêng các hạng mục đường dây tải điện thì đã được quy hoạch đấu nối vào hệ thống lưới điện Quốc gia nên sẽ lập thành dự án và ĐTM riêng. Các mỏ vật liệu địa phương như đá, cát sẽ được mua từ các mỏ vật liệu khác, sẽ thực hiện theo quy định đánh giá tác động môi trường riêng của các mỏ vật liệu này. Điều này cũng tương tự như các dự án thủy điện khác đã được phê duyệt thực hiện.

PV: Theo loạt bài này, các bản ĐTM có số liệu rất bất nhất. Cụ thể trong bản ĐTM, khi thì nhu cầu thuốc nổ 329,01 tấn, khi thì chỉ còn 129,68 tấn; hay trữ lượng gỗ ( theo văn bản thẩm định năm 2011 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng) từ 3.517 m3, lồ ô 130.065 cây thì sau đó đã rơi mất 01m3 gỗ và 107.740 cây lồ ô trong phần tổng hợp trữ lượng gỗ và lồ ô. Tại sao lại có sự bất nhất này, thưa ông?

Ông Trần Bá Hiệp: Con số 329,01 tấn là số liệu thuốc nổ của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 129,68 tấn thuốc nổ là của thủy điện Đồng Nai 6A sử dụng cho việc đào đá móng công trình. Hai số liệu này thuộc hai bậc thang thủy điện khác nhau, đương nhiên không thể đồng nhất rồi. Trong báo cáo ĐTM của chúng tôi cũng đã phân tích và đề ra biện pháp giảm thiểu tác động môi trường của việc nổ mìn đào đá móng công trình. Còn về số liệu trữ lượng gỗ, cây lồ ô có sự khác nhau là do được thống kê theo số liệu điều tra được phê duyệt của các cơ quan khác nhau như Sở NNPTNT, các đơn vị chủ rừng của tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước và số liệu của đơn vị tư vấn lập ĐTM, mỗi đơn vị thống kê sẽ có những sai lệch nhưng không lớn, không thể nhất thiết giống nhau 100% được.

PV: Kết quả nghiên cứu của tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho thấy khi hai dự án đi vào hoạt động sẽ khiến sản lượng đánh bắt các loài cá di cư sinh sản có giá trị cao, kích thước lớn ở khu vực từ chân đập thủy điện Đồng Nai 6 đến hồ Trị An giảm mạnh, ước tính thiệt hại về nguồn lợi thủy sản khu vực mỗi ngày khoảng 2 triệu đồng. Chủ đầu tư sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Bá Hiệp: Báo cáo ĐTM đã đánh giá tác động hệ thủy sinh và nghề cá của khu vực dự án. Các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A sử dụng lại lượng nước đã qua điều tiết của các thủy điện bậc trên không làm giảm đi lưu lượng nước về hạ lưu mà ngược lại nó còn có nhiệm vụ điều hòa lại lưu lượng về hạ du khi các thủy điện bậc trên gián đoạn vận hành, điều này có lợi cho môi trường thủy sinh hạ lưu. Bên cạnh đó, việc tạo ra một hồ chứa vừa phải ở khu vực này sẽ làm tăng thêm diện tích mặt nước tạo điều kiện phát triển ngành thủy sản các xã thuộc vùng dự án bằng việc nuôi các loài cá thích hợp.

Kết quả điều tra và tham vấn cộng đồng với 163 hộ có đánh bắt cá trên sông khu vực dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian xây dựng công trình, kinh phí dự trù để hỗ trợ giảm thu nhập đánh bắt cá của các hộ này là 1,057 tỷ đồng. Sau khi dự án đi vào vận hành, nghề cá sẽ được phục hồi và gia tăng sản lượng bằng việc nuôi và đánh bắt cá trong phạm vi lòng hồ như đã nói trên.

PV: Về số tiền đóng ngân sách Nhà nước, nhiều ý kiến thắc mắc liệu rằng Chủ đầu tư có quá khoa trương hay không khi tổng công suất lắp máy của tất cả các thủy điện Việt Nam khoảng 13.694 MW, nộp Ngân sách 6.500 tỷ đồng thông qua các loại thuế, tương đương 0,4 tỷ đồng/MW. Trong khi đó, ĐN 6 và 6A với công suất 241 MW đóng góp Ngân sách 322 tỷ/năm tương đương tới 1,3 tỷ đồng/MW?

Ông Trần Bá Hiệp: Căn cứ vào giá trị kinh tế hai dự án mang lại là 1.000 tỷ đồng/năm thì các khoản đóng ngân sách chính hàng năm của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A bình quân là 322 tỷ đồng/năm trong chu kỳ kinh tế dự án 40 năm, bao gồm: Thuế VAT 10% doanh thu, thuế tài nguyên 2% trên giá điện bán điện bình quân phân phối đến hộ tiêu thụ (hiên nay Bộ Tài chính quy định là 1508,85 đ/kWh), Thuế thu nhập doanh nghiệp, phí dịch vụ môi trường rừng 20 đ/kWh. Những số liệu này được tính toán dựa trên nội dung phân tích hiệu ích kinh tế tài chính theo quy định của Thông tư 2014 của Bộ Công thương, thuế suất hiện hành theo quy định của Bộ Tài chính cho các dự án thủy điện. Chúng tôi chỉ làm đúng theo quy định và số liệu phân tích.

Mai Châu

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Bắt giám đốc ngân hàng VDB và LienVietPostBank (08/09/2013)

>   ASEAN sau 2015: Liệu tăng trưởng cao có bền vững? (07/09/2013)

>   Bia Hà Nội bị phạt 743 triệu và chuyện chất lượng (07/09/2013)

>   Iran lên kế hoạch phản công nếu Mỹ tấn công Syria (07/09/2013)

>   Mời GS Ngô Bảo Châu tham gia đơn giản hóa giấy tờ (07/09/2013)

>   Tổ chức hành nghề công chứng có “lôi kéo” ngân hàng? (06/09/2013)

>   Những nghi vấn từ tiệm vàng vùng sâu có doanh thu 1.148 tỷ đồng (06/09/2013)

>   “Xù” hợp đồng, một giám đốc lĩnh án 16 năm tù (06/09/2013)

>   Liên danh Hàn Quốc sẽ xây cầu Vàm Cống 271 triệu USD (05/09/2013)

>   Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (05/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật