Giật mình với 91.000 tỉ đồng nợ đọng: Thu được nợ chẳng đủ trả lãi
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-9, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết đang xoay xở để trả nợ cho doanh nghiệp, kể cả việc chờ nguồn vốn trung ương rót xuống.
* Giật mình với 91.000 tỉ đồng nợ đọng
Trong khi đó nhiều doanh nghiệp cho biết có những khoản nợ từ nhiều năm trước, nay nếu có trả cũng chỉ đủ đóng tiền lãi ngân hàng...
* Ông Phạm Văn Kiên (Giám đốc Công ty cổ phần Cầu đường 10):
Có công trình nợ từ 2004 chưa trả...
Chúng tôi đồng tình việc trả nợ đọng xây dựng cơ bản theo hướng công trình nào có trong kế hoạch thì chính quyền bố trí trả. Phần nào doanh nghiệp tự ý ứng trước cũng không cần Nhà nước phải trả, chỉ trả được phần kia là tốt rồi.
Bản thân chúng tôi cũng có những công trình bị nợ đọng, số tiền nhiều nơi tổng cộng hơn chục tỉ đồng. Có những công trình chúng tôi bị nợ từ năm 2004 nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Bởi bây giờ có lấy được tiền nợ về cũng không đủ trả lãi ngân hàng cho khoản vốn đã nằm im tại đó.
Tất nhiên, trong việc chưa trả nợ có phần lỗi của doanh nghiệp. Có những công trình trước đây chính quyền và doanh nghiệp thống nhất cứ làm, sau đó sẽ tính toán để cân đối ngân sách trả sau.
Nhưng sau thay đổi lãnh đạo thì lại có định hướng khác. Thực tế rất phức tạp, có những công trình chưa hoàn thành, bây giờ xác nhận công nợ cũng không đơn giản.
Đặc biệt, theo tôi, nếu yêu cầu các địa phương tự cân đối ngân sách để trả nợ đọng xây dựng cơ bản sẽ rất khó. Vì vậy, muốn giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, cần giải pháp tổng thể. Có những dự án đặc thù, thủ tục đầu tư không thể chuẩn được nữa, nhưng dự án thì đã xong, công trình đang dùng. Cần tính toán cụ thể mới giải quyết dứt điểm nợ đọng được.
* Ông Lê Ngọc Hoa (tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - Cienco 4):
Công trình xong nên tính cho doanh nghiệp
Một số công ty con của tổng công ty chúng tôi vẫn đang bị nợ đọng xây dựng cơ bản. Tổng số tiền nợ tính đến năm 2012 lên đến hơn 70 tỉ đồng, gần đây dù có được trả dần nhưng rất chậm.
Những khoản nợ này đã ảnh hưởng không ít đến sản xuất kinh doanh của các công ty trực thuộc Cienco 4. Bởi doanh nghiệp phải đi vay vốn thì chỉ cần ngân sách nợ vài năm coi như mất lãi, thậm chí lỗ.
Nhà nước dù nợ bao lâu, nhưng khi trả chỉ trả nợ gốc, còn khoản lãi thực chất như thế phần lớn doanh nghiệp không được hưởng mà ngân hàng hưởng. Chúng tôi rất mong các chủ đầu tư sớm bố trí vốn để trả, những công trình các doanh nghiệp trực thuộc Cienco 4 làm đều trong kế hoạch, chứ chúng tôi không dám ứng trước hoặc tự ý làm.
Theo tôi, sẽ rất khó để nhiều địa phương có thể trả dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản. Bởi có tỉnh thu không đủ chi thì lấy đâu tiền trả nợ nên cũng cần có sự hỗ trợ của trung ương. Bên cạnh đó, nếu tính toán chỉ trả phần nợ trong kế hoạch, khoản doanh nghiệp tự ứng ra đầu tư có thể sẽ mất trắng. Nhiều doanh nghiệp bị nợ đọng. Cần tính toán giải pháp trên tinh thần cứu doanh nghiệp. Nếu công trình đã hoàn thành và đang sử dụng thì nên tính thanh toán cho doanh nghiệp.
C.V.Kình - Lê Thanh ghi
Thu xếp trả nợ
Theo ông Đan Đức Hiệp - phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, trong tổng số khoảng 1.000 tỉ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản của địa phương, hiện đã thanh toán được khoảng 30%. “Các năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện giải quyết nợ đọng theo chỉ thị của Thủ tướng. Tinh thần là sẽ giải quyết nợ để giúp doanh nghiệp giải quyết bớt khó khăn...”, ông Hiệp nói.
Trong khi đó, tại Nghệ An, ông Huỳnh Thanh Điền, phó chủ tịch UBND Nghệ An, khẳng định: “Chủ trương của tỉnh là ưu tiên trả nợ cho các doanh nghiệp để họ hoàn thành các công trình đang làm dở nhưng hiện chưa nắm được nguồn nợ này từ chương trình nào. Phải rà soát cụ thể xem nguồn nợ từ trung ương hay địa phương để báo cáo và cân đối trả nợ trong từng năm”.
Còn tại Hà Tĩnh, theo báo cáo là địa phương có số nợ đọng cao nhất nước với 9.696 tỉ đồng, ông Phan Cao Thanh, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh, cho rằng đây là con số chưa chính xác. “Năm 2011 Hà Tĩnh không kiểm toán nợ và không báo cáo nợ. Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước, năm 2012-2013 Hà Tĩnh đang nợ các doanh nghiệp xây dựng cơ bản 700 tỉ đồng. Hiện chúng tôi đang bố trí trả nợ từ nay đến năm 2015 là trả hết”, ông Thanh khẳng định.
Tương tự, ông Lê Minh Hoan, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết con số Đồng Tháp nợ đọng hơn 3.300 tỉ đồng xây dựng cơ bản cần phải xem lại, bởi UBND tỉnh mới có báo cáo Bộ Tài chính, chỉ nợ 12,2 tỉ đồng. Cụ thể, đến cuối năm 2012 tổng số nợ đọng ở tỉnh này là 115,7 tỉ đồng thuộc 161 dự án do các địa phương quản lý. Trong đó 150 dự án đã hoàn thành và 11 dự án đang triển khai. Trong năm 2013 tỉnh đã bố trí đủ vốn thanh toán nợ, trong đó thanh toán cho các công trình đã hoàn thành trước ngày 31-12-2012 là 92 tỉ đồng và dự án đang triển khai 24 tỉ đồng. Đến ngày 30-6 đã giải ngân 103,5 tỉ đồng, tức chỉ còn nợ 12,2 tỉ đồng.
Tỉnh Bến Tre cũng phản ứng con số nợ đọng xây dựng cơ bản mà Kiểm toán Nhà nước công bố. Ông Võ Thành Hạo, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nói: “Hiện tỉnh chúng tôi chỉ còn nợ 398 tỉ đồng chứ không phải 945 tỉ đồng, nhưng chủ yếu là vốn trung ương chứ phần vốn địa phương chỉ nợ 82 tỉ đồng”. Ông Hạo khẳng định số nợ từ nguồn ngân sách tỉnh thì đã đưa vào kế hoạch quyết toán cho nhà đầu tư năm 2013 này sẽ dứt điểm. Riêng nợ xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn trung ương hơn 300 tỉ đồng thì đang chờ trung ương phân bổ về mới thanh toán được. Để không phát sinh nợ mới, tỉnh Bến Tre kiên quyết không cho khởi công các dự án chưa bố trí được vốn, đồng thời thanh toán cho các công trình đã hoàn thành, bố trí vốn cho công trình chuyển tiếp.
Vũ Toàn - V.TR.
|
tuổi trẻ
|