Thứ Tư, 25/09/2013 21:14

Hai khu vực doanh nghiệp: Cần sân chơi bình đẳng

Cứ gặp khó khăn là lại "than”, và càng than vãn, y như rằng nhận được sự trợ giúp, chia sẻ khó khăn từ "bầu sữa” ngân sách. Dường như đó đã là căn bệnh cố hữu của các tập đoàn, các tổng công ty – những doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Còn những DN tư nhân, DN nhỏ thì sao?

Điểm mặt các "đại gia” than khó

Tồn kho lớn và những khó khăn đang diễn ra khiến cho khoảng hơn 14 vạn công nhân ngành than có nguy cơ thất nghiệp. Trả lời báo giới, lãnh đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã bày tỏ rằng, khó khăn hiện tại của ngành than cần được, công khai để hàng chục vạn cán bộ công nhân của ngành cũng như toàn xã hội cùng cảm thông và chia sẻ. Cụ thể hơn, theo lãnh đạo của Vinacomin, hiện, ngành than đang lo đầu vào cho hơn 10.000MW điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và tạo công ăn việc làm cho 14 vạn công nhân. Do đó, nếu ngành than gặp khó, sẽ tác động đến đời sống kinh tế, xã hội.

Cách đây không lâu, ngành than cũng đã từng than thở về việc nguy cơ đóng cửa lò vì than không xuất khẩu được, nếu tăng thuế xuất khoáng sản. Vậy là, sau đó ít lâu, Vinacomin đã nhận được sự ưu ái từ phía Bộ Tài chính khi cơ quan nay lập tức cho giảm thuế xuất than từ 13% xuống còn 10 %.

Có lẽ, ở thời điểm hiện tại, việc mang số phận của hơn 14 vạn công nhân ra "đặt cọc”, ngành than đã ít nhiều "tiên đoán” được rằng, cứ kêu là sẽ được thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ. Bởi, theo nhận định của ngành này, nếu nhà quản lý không "bận tâm” thì chắc chắn cuộc sống của chừng ấy con người sẽ lung lay, và không chỉ riêng cuộc sống của hàng chục vạn công nhân ấy, mà cả đời sống kinh tế, xã hội cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Không chỉ ngành than kêu ca, thời gian qua, dư luận chứng kiến hàng loạt các DN "tai to mặt lớn” đồng loạt đệ đơn kêu cứu lên Chính phủ, mong được ân hạn, gia hạn thuế. Đơn cử như trường hợp của Công ty liên doanh khai thác dầu khí Việt – Nga Vietsopetro khi DN này đã ngỏ ý xin "khất” nghĩa vụ thuế phải nộp đối với các lô dầu thô xuất khẩu. Ngay cả Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, một ông lớn đang rất "xuôi chèo mát mái” trên thương trường, mới đây cũng đã làm đơn trình lên Thủ tướng xin miễn thuế nhập khẩu đối với toàn bộ nguyên liệu, vật tư, linh kiện sử dụng trong ngành điện thoại di động cho công ty mẹ - Viettel và các công ty con do tập đoàn sở hữu 100% vốn điều lệ. Thời gian xin miễn thuế là 5 năm, kể từ năm 2013 đến hết năm 2017. Đồng thời, xin áp dụng mức thuế thu nhập DN ở mức ưu đãi 10% cho thu nhập từ việc bán sản phẩm điện thoại di động do Viettel sản xuất, lắp ráp trong nước.

Nếu như điểm mặt thêm những tên tuổi những DN đang kêu gào trong thời buổi khó khăn, thì danh sách sẽ còn dài hơn nữa, mà chủ yếu chỉ toàn những "đại gia, ông lớn”, những tập đoàn có mối liên hệ khăng khít với nhà nước.

Khoảng trống chưa bao giờ được lấp đầy

Còn các DN nhỏ và vừa thì sao, họ cứ thầm lặng cống hiến (30% nguồn thu ngân sách nhà nước từ khu vực này) để rồi khi gặp khủng hoảng, khó khăn, họ lặng lẽ chết mà thiếu một bàn tay đủ lực cứu giúp. Trong năm 2012, hàng trăm ngàn DN vừa và nhỏ đã phải ngưng sản xuất. 8 tháng đầu năm 2013, gần 30.000 DN ngừng hoạt động và giải thể. Những "cái chết” ấy có ai ứng cứu, những sự sập đổ ấy, liệu có bàn tay nào dang rộng cảm thông và chia sẻ?

Rõ ràng, ở đây có một khoảng trống của sự không công bằng và khoảng trống ấy chưa bao giờ được lấp đầy. Còn nhớ, trong một lần trả lời báo giới về câu chuyện: Phải làm sao để có sự bình đẳng thực sự giữa DN tư nhân và DNNN, TS Nguyễn Quang A đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, từ trước đã ít có chuyện bình đẳng và bây giờ cũng không có sự bình đẳng.

Và như vậy, cũng có nghĩa, DNNN vẫn tranh thủ những đặc quyền đặc lợi của mình để than vãn khi cần. Vì có một điều chắc chắn rằng, khi họ kêu than sẽ có bầu sữa ngân sách nhà nước ứng cứu. Còn khu vực DN vừa và nhỏ, họ cứ làm giàu cho "bầu sữa” ấy khi hoạt động tốt, còn nếu không, cứ tự rút khỏi thương trường nếu không còn đủ sức để trụ, đừng bao giờ hy vọng sẽ mãi mãi "bất tử” giống như các DN con cưng.

Duy Phương

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Yamaha Motor lọt tốp nợ thuế siêu khủng (25/09/2013)

>   Thương lái nước ngoài đang gây hỗn độn (25/09/2013)

>   Cạnh tranh xe sang: Khốc liệt và sòng phẳng (25/09/2013)

>   Vì sao xe công tăng 2.391 chiếc? (25/09/2013)

>   Vốn ODA giải ngân trong 9 tháng đạt hơn 3,1 tỷ USD (25/09/2013)

>   Vốn FDI vượt mốc 15 tỷ USD (25/09/2013)

>   Bộ trưởng Thăng: "Không cổ phần hóa mang tính chống đối" (25/09/2013)

>   Tồn kho sữa tăng nhưng không đáng lo (25/09/2013)

>   9 tháng đầu năm: “Khai sinh” 58.231 doanh nghiệp (24/09/2013)

>   IDICO phải thoái 100% vốn tại 3 công ty (24/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật