Thương lái nước ngoài đang gây hỗn độn
Tình trạng thương lái nước ngoài tăng giá mua gom tôm nguyên liệu đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu Việt Nam, gây hỗn độn thị trường.
Phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn trao đổi với ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về vấn đề này.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu
thủy sản Việt Nam (VASEP)
|
Thưa ông, hoạt động tranh mua tôm nguyên liệu của thương lái nước ngoài hiện có điểm gì mới so với những năm trước?
Hiện tượng thu mua tôm nguyên liệu để xuất khẩu sang Trung Quốc không phải là mới, mà đã diễn ra vài ba năm nay. Trước đây, việc doanh nghiệp ở Cà Mau, Bạc Liêu xuất khẩu tôm dưới dạng đông lạnh nguyên con sang Trung Quốc vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, trong vòng 2 tháng trở lại đây, việc gom mua tăng đột biến và có nhiều dấu hiệu bất thường. Cụ thể, thương lái Trung Quốc thu mua cả tôm sú, tôm thẻ, thậm chí cả tôm cỡ nhỏ… để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thông qua thương lái Việt Nam, họ thu mua cả tôm nguyên liệu từ ao nuôi, rồi ướp đá và chuyển đi, chứ không mua tôm đông lạnh nguyên con như trước.
Hơn nữa, họ không có một giá cố định cho việc thu mua này, mà thu mua theo phương thức luôn trả giá cao hơn doanh nghiệp Việt Nam để cạnh tranh mua bằng được.
Sản lượng tôm được thương lái Trung Quốc mua cũng tương đối lớn, trung bình mỗi ngày có vài chục xe (mỗi xe khoảng 10 - 15 tấn tôm nguyên liệu).
Hệ quả là, doanh nghiệp trong nước hiện chỉ mua được 2/10 lượng tôm so với trước đây.
Hệ lụy của việc mua tôm nguyên liệu này là gì?
Với cách mua và phương thức mua như trên, có thể thấy rằng, doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với thương lái Trung Quốc, nên không đủ nguyên liệu chế biến để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký. Mặt khác, thương lái Trung Quốc không quan tâm đến dư lượng kháng sinh, tạp chất…
Từ đó, tạo ra tâm lý dễ dãi cho người dân khi không phải chú trọng đến chất lượng. Đương nhiên, như vậy, Chương trình Cải thiện vấn đề chất lượng con tôm Việt Nam từ khâu nuôi sẽ gặp trở ngại đáng kể.
Nếu tình trạng này kéo dài, chất lượng tôm Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng rất xấu.
Mục tiêu xuất khẩu tôm năm nay là đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD. 8 tháng đầu năm, kim ngạch đã đạt gần 1,7 tỷ USD, nhưng với tình hình như hiện nay thì e rằng, những tháng cuối năm, doanh nghiệp khó đảm bảo thực hiện những hợp đồng xuất khẩu đã ký.
Tình trạng thương lái nước ngoài tranh mua các mặt hàng nông sản nói chung, mặt hàng tôm nói riêng đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay. Vậy cần có giải pháp nào để xử lý dứt điểm tình trạng này?
Cần phải lưu ý một điều, theo Thông tư 08/2013/TT-BCT của Bộ Công thương quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 7/6/2013), thương lái nước ngoài không được phép trực tiếp mua gom hàng nguyên liệu, nông sản. Vì thế, các các thương lái Trung Quốc “lách luật” bằng cách không trực tiếp đứng ra mua gom, mà sử dụng các thương lái Việt Nam.
Sau đó, có thể họ không xuất khẩu qua đường chính ngạch, mà chủ yếu theo đường tiểu ngạch. Vì thế, ngoài thất thu thuế còn tạo ra một thị trường hỗn độn.
Nếu chúng ta không có những nghiên cứu, đánh giá rủi ro đúng mức từ việc thương lái Trung Quốc gom mua tôm nguyên liệu, thì đến một lúc nào đó tôm nguyên liệu thô xuất khẩu chiếm tỷ lệ áp đảo trong cơ cấu hàng xuất khẩu.
Rõ ràng, việc đầu tư của doanh nghiệp vào dây chuyền chế biến tôm cao cấp; đầu tư của Nhà nước trong chế biến tôm… sẽ bị lãng phí.
Nếu xem đây là hành động gây thất thoát tài nguyên, thì cơ quan chức năng nhất thiết phải có biện pháp khác mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn như là áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 10% đối với tôm nguyên liệu.
Còn nếu tiếp tục để tình trạng này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng tới hơn 100 doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong cả nước.
Thanh Vũ
đầu tư
|