Bộ trưởng Thăng: "Không cổ phần hóa mang tính chống đối"
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu, các doanh nghiệp phải tự nỗ lực cứu mình, cổ phần hóa một cách thực chất, chứ không phải mang tính chống đối theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ.
Đây là yêu cầu cảu Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng tại cuộc kiểm điểm kết quả thực hiện công tác tái cơ cấu và cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp lớn trong ngành 8 tháng đầu năm 2013, được truyền đạt tại Thông báo số 660/TB – BGTVT ngày 17/9.
Theo đó, lãnh đạo 10 tổng công ty 90 được đích thân người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu phải trình Bộ phương án CPH công ty mẹ trong tháng 10/2013.
10 doanh nghiệp lớn ngành giao thông phải có phương án CPH công ty mẹ trong tháng 10/2013.
|
Cùng với việc CPH công ty mẹ, các tổng công ty cần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi hình thức sở hữu các công ty con theo đúng tiến độ.
“Ngoại trừ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), đối với 10 tổng công ty 90 còn lại, Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối”, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), đến thời điểm này, tiến độ CPH 10 tổng công ty 90 cơ bản vẫn bám đúng lộ trình đặt ra.
“Công tác đối chiếu công nợ, một trong những công việc khó khăn nhất trong tiến trình CPH đã gần hoàn tất. Thống kê cho thấy, 10/11 tổng công ty đã đối chiếu được trên 90% công nợ. Đáng nói nhất là, Vietnam Airlines đã gần như hoàn tất việc đối chiếu công nợ”, ông Thắng cho biết.
Tiến độ CPH ở Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) - hai tổng công ty khiến nhiều người lo ngại khi đặt vấn đề CPH công ty mẹ ngay trong năm 2013 cũng đang rất khả quan.
Đại diện Vinamotor cho biết, việc CPH công ty mẹ đến thời điểm này không có vướng mắc gì lớn. Cùng với việc CPH công ty mẹ, Vinamotor cũng đang tiến hành CPH 2 doanh nghiệp thành viên là Công ty TNHH Cơ khí Ngô Gia Tự và Công ty TNHH một thành viên Cơ khí ô tô 1/5.
Theo kế hoạch, đơn vị chuyên ngành sản xuất cơ khí giao thông này sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư tại 4 doanh nghiệp có vốn góp, gồm các công ty cổ phần: Ô tô Hyundai Vinamotor, VM Group, Công trình và Thương mại, Công nghiệp ô tô Trường Sơn.
Đối với Tổng công ty Xây dựng đường thủy vốn là con nợ lớn nhất ngành giao thông, ông Nguyễn Huy Hiền, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty báo cáo, đã hoàn thành đối chiếu 95% công nợ. “Dự kiến, trong tháng 9/2013, Tổng công ty sẽ hoàn thành hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp”, ông Hiền khẳng định.
Cần phải nói thêm rằng, hầu hết các đơn vị GTVT thuộc diện CPH năm nay đều là những “khúc xương” khó nuốt do tài chính xấu, nợ tồn đọng kéo dài. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ GTVT sẽ làm rốt ráo công tác đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp, bởi nếu lỡ chuyến tàu CPH, tái cơ cấu trong 1 - 2 năm tới, các doanh nghiệp ngành sẽ khó có thể tồn tại và phát triển bền vững.
“Việc Vietnam Airlines - một doanh nghiệp có quy mô vốn rất lớn, có tính đặc thù cao đang bám sát lộ trình CPH đề ra cho thấy, nếu lãnh đạo các đơn vị quyết tâm thực hiện, thì sẽ sớm tìm ra con đường đổi mới, tái cơ cấu”, ông Thăng khẳng định.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, thời gian tới, cùng với việc rà soát, điều chỉnh các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, Bộ sẽ tích cực làm việc với Công ty VAMC để xử lý các khoản nợ xấu giúp các doanh nghiệp CPH.
“Quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải tự nỗ lực cứu mình thông qua con đường tái cơ cấu, CPH một cách thực chất, chứ không phải là mang tính chống đối theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ”, ông Thăng nhấn mạnh.
Anh Minh
đầu tư
|