DN dệt may: Tính liên kết còn yếu
Ngành dệt may được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định TPP được ký kết. Ông Phạm Văn Liêm- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp (Bộ Công Thương) đã trao đổi về những cơ hội cũng như thách thức của ngành dệt may thời gian tới.
Thưa ông, ngành dệt may Việt Nam có thể tận dụng Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) như thế nào khi hiệp định được 12 nước ký kết?
Để đánh giá được Hiệp định TPP có tác động thúc đẩy ngành dệt may thế nào, trước tiên phải nói đến lợi thế so sánh. Vấn đề đầu tiên là thị trường. Trước tiên, ta có nguồn lao động dồi dào, nhân công vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia; nền chính trị ổn định… Đây là những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư yên tâm chuyển dịch nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam.
Ông Phạm Văn Liêm - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách phát triển CN
|
Để phát huy được các lợi thế, ngành dệt may Việt Nam phải tăng tỷ lệ nội địa hóa để được hưởng chính sách ưu đãi. Do vậy, thời gian tới, cần tập trung sản xuất nguyên phụ liệu dệt may và nghiên cứu thiết kế mẫu mã thời trang, tiến tới giảm dần gia công và bán sản phẩm trực tiếp cho các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Như ông vừa nói, ngành dệt may Việt Nam chủ yếu là gia công, khi Hiệp định TPP được ký kết thì có trở thành một điểm bất lợi trong cạnh tranh so với các quốc gia khác không, thưa ông?
Theo quy định của hiệp định, gia công thì không khống chế, chỉ khống chế tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt, bởi mảng gia công rất phù hợp với trình độ năng lực còn hạn chế của dệt may Việt Nam. Khi trình độ được nâng cao, ngành dệt may có thể giảm, loại bỏ dần yếu tố gia công để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Phải thẳng thắn thừa nhận, đối với doanh nghiệp còn yếu kém thì làm gia công mới “trụ” được, nhất là trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Để mở rộng thị trường xuất khẩu, theo ông các DN Việt Nam cần làm gì?
Theo tôi, để mở rộng thị trường xuất khẩu, các DN phải tiến tới mua nguyên liệu và bán sản phẩm theo thương hiệu của mình. Để làm được điều này, DN Việt Nam phải có sự liên kết với hệ thống phân phối ở nước ngoài.
Thuận lợi của dệt may Việt Nam hiện nay là quy mô của ngành khá lớn, đây là yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, phải khắc phục được sự yếu kém trong tính liên kết giữa các DN hiện nay. Ngoài chỉ đạo của Chính phủ, vai trò của Hiệp hội Dệt may Việt Nam với nhiệm vụ là cầu nối liên kết các DN để có thể xuất khẩu những lô sản phẩm không bị ép giá là rất quan trọng. Hiện nay, phần chúng ta đang làm gia công bị ép giá rất nhiều, trong đó có nguyên nhân do bản thân giữa các DN cạnh tranh hạ giá, tự gây sức ép cho mình. Cần khắc phục được những điều này mới có thể giúp ngành dệt may phát triển bền vững.
Ông có cho rằng, dự thảo “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030” được phê duyệt sẽ khắc phục được những điểm yếu của dệt may Việt Nam hiện nay hay không?
Trong thời gian tới, từ nay đến năm 2020, chúng ta vẫn còn cơ hội phát triển khá tốt đối với ngành dệt may. Sau năm 2020, cơ hội sẽ giảm dần. Để khắc phục điều này, dệt may phải chuyển từ lượng thành chất, phải nâng cao tỷ lệ tự thiết kế và phát triển mẫu mốt thời trang ở các trung tâm thành phố, dệt may gia công chuyển về vùng nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu, tập trung vào sản xuất nguyên phụ liệu.
Trong quy hoạch cũng sẽ tập trung đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, sản xuất các loại sợi, vải chất lượng cao. Thời gian tới, khi một loạt các nhà máy sản xuất sợi hóa học trong nước đi vào hoạt động, chủ động được nguyên liệu sẽ góp phần thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam phát triển, tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định TPP mang lại.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thúy Ngọc
công thương
|