Chủ Nhật, 08/09/2013 10:28

Đầu tư ngoài ngành của tập đoàn, tổng công ty: Thoái vốn nhưng không tháo chạy

Các nhà hoạch định chính sách đang đau đầu giải bài toán thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, diễn biến thời gian gần đây cho thấy, các doanh nghiệp (DN) đa ngành đang ào ạt rút chân khỏi thị trường. Tuy nhiên, thoái vốn không phải là tháo chạy, bởi trách nhiệm của họ vẫn còn đó, nếu kinh doanh thua lỗ.

Hậu đầu tư

Các cuộc thoái vốn đã bắt đầu khá lâu, nhưng kết quả không như mong đợi. Theo kết quả thoái vốn tại Công ty chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) mà Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố, Vinachem không bán được bất kỳ cổ phiếu nào trong tổng số gần 2,1 triệu cổ phiếu, tương đương 6,13% vốn tại VIG. Nguyên nhân khiến Vinachem thoái vốn bất thành là bởi thị giá cổ phiếu quá thấp, dao động từ 2.300 - 2.600 đồng/cổ phần, trong khi giá được phê duyệt chuyển nhượng là tối thiểu 10.600 đồng/cổ phiếu, mức giá này chưa bao gồm thuế và phí các loại.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng đang thoái vốn bằng cách chào bán toàn bộ vốn phần vốn sở hữu tại Techcombank, gồm cả vốn cổ phiếu và vốn trái phiếu. Cụ thể Vietnam Airlines chào bán hơn 24 triệu cổ phiếu giá khởi điểm 12.100 đồng và 828 nghìn trái phiếu giá khởi điểm 132.700 đồng.

Ông Đặng Quyết Tiến Phó cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết: Bộ Tài chính đang soạn thảo những biện pháp "mạnh và phù hợp” để buộc các DNNN tiến hành thoái vốn ngoài ngành theo đúng lộ trình đã phê duyệt. Một trong những biện pháp hành chính Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ là có thể cách chức đối với lãnh đạo DNNN trì hoãn, không tiến hành thoái vốn ngoài ngành.

Trả lời Đại Đoàn Kết, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, chấn chỉnh lại tình trạng hoạt động của các DN đâu cũng gặp muôn vàn trở ngại. Tình trạng kinh tế khó khăn, sức chịu đựng của DN gần như đã suy kiệt sau mấy năm "gặp hạn” nay muốn rút vốn an toàn để ổn định thị trường không dễ. Hai vấn đề gai góc nhất là nợ xấu và bất động sản vẫn chưa được giải quyết làm cho thị trường chứng khoán giật lùi. Ông Doanh cũng cho rằng "Việc thoái vốn khỏi các DN không cốt lõi, đầu tư ngoài ngành như ngân hàng, khách sạn… còn chờ nhà đầu tư và giá trị tài sản cũng cần được định giá thỏa đáng”.

Vietnam Ailines cũng tìm cách thoái vốn khỏi Techcombank Ảnh: Hoàng Long


Theo TS. Nguyễn Minh Phong:

Chuyện các DN kêu ca là thoái vốn thời điểm này sẽ lỗ thì cũng đúng một phần, nhưng phần lớn là viện cớ để trì hoãn quá trình này. Nếu các DNNN không muốn lỗ khi thoái vốn đầu tư ngoài ngành có thể thương lượng với Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Công ty Quản lý tài sản VAMC.


Không thoái vốn, giá trị ngày một mất dần

Việc thoái vốn, cổ phần hóa DNNN hiện đang là vấn đề thu hút sự quan tâm, bởi được đặt trước nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, các DN này phải giải quyết bài toán thoái vốn nhưng vẫn phải bảo toàn vốn.

Vẫn theo TS Lê Đăng Doanh, về mặt kỹ thuật, có thể nói, thua lỗ, nợ nần; nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng, khó khăn đã cản trở tiến trình tái cơ cấu các DNNN, nhưng việc tái cơ cấu DNNN không phải phụ thuộc vào khó khăn mà ngược lại, có khó khăn thì mới phải tái cơ cấu. Phải hiểu tái cơ cấu DNNN là phải đụng chạm, chấp nhận đau đớn, thiệt thòi.

"Tôi cho rằng Chính phủ cần sớm công bố kết quả xử lý các tập đoàn lớn, phân tích rõ nguyên nhân chậm triển khai quá trình tái cơ cấu, làm rõ có hay không vấn đề "lợi ích nhóm”, đồng thời chỉ đạo triển khai tái cơ cấu quyết liệt hơn trong thời gian tới”, ông Doanh nhấn mạnh.

Nhìn chung, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để việc tái cơ cấu DNNN, thoái vốn hiệu quả, Chính phủ cần đánh giá được mặt mạnh, mặt yếu của DN, công khai rõ năng lực và thực trạng của từng DN. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tập trung thực hiện triệt để tái cơ cấu DNNN, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, công khai, minh bạch thực trạng tài chính, năng lực các DN.

Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, không thể thấy các DN kêu khó, kêu lỗ mà không tiến hành thoái vốn. Ông Thành phân tích: Không phải là do suy thoái mà mình lại không làm những việc mà mình phải làm từ 10 năm nay rồi. Khi không suy thoái, chúng ta đã không thực hiện, bây giờ mà không làm thì phải chờ đến khi nào nữa. Thế nên, thoái vốn để giải quyết bài toán đầu tư ngoài ngành lúc này là rất cần thiết và cần làm ngay.

Về thực trạng nhiều DN kêu khó khi thoái vốn trong thời buổi kinh tế khó khăn, ông Thành cho hay, đó là lý lẽ của các DN, bởi ngay từ ban đầu, Nhà nước không ép buộc các công ty đi vào lĩnh vực đó. "Lựa chọn đầu tư ngoài ngành đều là do họ tự nguyện. Thế nên các DN không thể tiếp tục làm những điều sai, thiệt hại cho cả cộng đồng. Mình có bổn phận quản lý vốn của Nhà nước, của nhân dân, nên không ăn nên, làm ra thì phải tìm cách mà cắt lỗ”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Điều đó cũng có nghĩa rằng, thoái vốn nhưng không phải là tháo chạy, vì cơ hội vẫn chưa hết. Vả chăng, còn là vấn đề trách nhiệm.

Thúy Hằng

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Nguyên nhân làm chậm tốc độ tăng trưởng công nghiệp (08/09/2013)

>   Xây dựng Luật Đầu tư công, sửa Luật Phá sản (08/09/2013)

>   Việt Nam có tiềm năng mạnh về công nghệ thông tin (07/09/2013)

>   Cắt khí Nam Côn Sơn, EVN đổ dầu phát điện (07/09/2013)

>   Cần tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN (07/09/2013)

>   Lợi nhuận cao nhờ xuất khẩu chôm chôm trái vụ (07/09/2013)

>   EU - Thị trường hấp dẫn cho tôm Việt Nam (07/09/2013)

>   Thị trường bán lẻ: Giàu tiềm năng, nhiều thách thức - Bài 2: Lợi thế “người trong nhà” (07/09/2013)

>   Giải pháp cho tăng trưởng xanh (07/09/2013)

>   Mở rộng mô hình liên kết “Nông dân – Doanh nghiệp” (07/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật