Cần tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN
Hiện nay đa số các Tập đoàn, Tổng công ty khi triển khai đề án tái cơ cấu DN phải thực hiện cổ phần hóa, tuy nhiên khi tiến hành cổ phần hoá theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần đã gặp một số vướng mắc về cơ chế dẫn đến việc chuyển đổi bị kéo dài, không đảm bảo thời gian quy định.
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Tài chính Vũ Nhữ Thăng, quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP về việc quy định phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất trước khi thực hiện xác định giá trị DN phải gửi đến các địa phương cho ý kiến trong thời hạn 30 ngày là ngắn, khó thực hiện được; việc tổ chức Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả xác định lại giá trị doanh nghiệp và xử lý tài chính đối với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước, các DN quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng, DN hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù sẽ không đảm bảo theo đúng thời hạn quy định; việc yêu cầu DN cổ phần hóa tiến hành đối chiếu toàn bộ công nợ đến thời điểm xác định giá trị DN là có khó khăn...
Thời gian qua, Việt Nam xác định tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế nước ta. Mục tiêu của tái cấu trúc DN Nhà nước là nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của các DN Nhà nước, tăng cường vai trò dẫn dắt nền kinh tế của DN Nhà nước, hình thành các DN Nhà nước vững mạnh đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra sâu, rộng như hiện nay.
Theo đó, ngày 17-7-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015” với các mục tiêu: DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Nâng cao sức cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh đối với doanh nghiệp hoạt động công ích.
Tính đến 30-7-2013, các doanh nghiệp Trung ương đã có 48 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước được phê duyệt đề án tái cơ cấu, trong đó Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 17 đơn vị bao gồm 8 Tập đoàn là Dệt may VN, Điện lực VN, Than-Khoáng sản VN, Dầu khí VN, Hoá chất, Cao su VN, Công nghiệp Tàu thuỷ VN, Viễn thông Quân đội; và 9 Tổng công ty đặc biệt là Tổng công ty Giấy, Thuốc lá, Lương thực Miền Bắc, Lương thực Miền Nam, Cà phê VN, Hàng hải, Hàng không, Đường sắt, Xi măng. Ngoài ra, các Bộ chủ quản phê duyệt 31 đơn vị bao gồm các Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Công nghiệp Ô tô Việt Nam, Xây dựng đường thuỷ, Tư vấn thiết kế giao thông vận tải...
Các doanh nghiệp địa phương có 101 đơn vị đã xây dựng đề án trình cơ quan chủ quản, trong đó có 20 Tổng công ty, Công ty được phê duyệt đề án.
Trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách có liên quan như: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; sửa đổi, bổ sung quy định về thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước phù hợp với Luật Doanh nghiệp để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thực hiện sắp xếp lại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Mai Ka
báo hải quan
|