Thứ Năm, 12/09/2013 06:14

Đầu ra nào cho sáng chế công nghệ?

Hơn 2/3 nhà sáng chế tại Việt Nam đang sống ngoài nghề, chỉ một số ít may mắn sống được bằng nghề sáng chế nhờ có nhà đầu tư tốt hoặc bản thân có vốn lớn.

Được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ từ nhiều năm nhưng hiện nhiều sáng chế Việt vẫn loay hoay trong việc mở rộng phát triển ra thị trường.

Lợi ích chưa hài hòa

“Chúng tôi nhiều khi chẳng dám sáng chế thêm nữa vì những sáng chế hiện tại đang chết yểu dần, không đủ sức thương mại hóa”. Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Hải, một nhà sáng chế tại TP.HCM với chúng tôi trong một buổi giới thiệu các sáng chế mới hồi cuối tháng 8-2013.

Anh kể con đường để một sáng chế thành sản phẩm ứng dụng vào thực tế rất gian nan, có khi người sáng chế phải cầm nhà vay tiền để theo đuổi. Sản phẩm phải hoàn thiện, có nhiều người sử dụng, đánh giá tốt thì doanh nghiệp (DN) mới chịu đầu tư. Khi hợp tác đầu tư, các DN đặt ra nhiều yêu cầu ràng buộc, chưa kể sáng chế tại Việt Nam đối mặt với nguy cơ bị ăn cắp bản quyền rất lớn, mấy năm nghiên cứu có thể thành… công cốc. “Nhiều khi DN “chảnh” lắm, đưa ra đủ tiêu chí và lý do có nhiều mẫu sản phẩm mới rồi nên đề nghị giá rẻ để mua đứt sáng chế. Sáng chế ghế đa năng của tôi có DN Trung Quốc hỏi mua đứt bản quyền hơn 1 tỉ đồng mà tôi không bán, thà tự sản xuất theo đơn đặt hàng” - anh Hải cho hay.

Anh Nguyễn Long Uy Bảo (giữa) giới thiệu sáng chế trong chương trình chung kết Nhà sáng chế 2013 do VTV tổ chức. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh Nguyễn Long Uy Bảo (TP.HCM), người vừa đạt danh hiệu Nhà sáng chế năm 2013 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, cũng rất lo lắng việc tìm đường thương mại hóa cho sáng chế công nghệ. Anh cho rằng giữa nhà sáng chế và DN khó tìm được điểm chung về lợi ích và mục đích. DN muốn sinh lợi, thu tiền ngay nên thường đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Trong khi mục đích nhà sáng chế là sản xuất ra sản phẩm có giá thành thấp để nhiều người mua sử dụng, cạnh tranh lại các sản phẩm nước ngoài. Vì vậy mà nhiều nhà sáng chế tự vay vốn sản xuất và bán ra thị trường. “Sản phẩm giường đặc biệt cho bệnh nhân bất động vừa đoạt giải của tôi vẫn đang kêu gọi nhà đầu tư. Hiện tại tôi tự sản xuất và bán sản phẩm theo đơn đặt hàng, sản xuất tới đâu tiêu thụ tới đó” - anh nói.

Không nên trông chờ

Trong khi đó về phía DN, ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco), nhận định sáng chế sáng tạo khoa học công nghệ là không thể thiếu trong hoạt động của DN. Tuy nhiên, đa phần sáng chế của nhà sáng chế Việt Nam thường nhỏ lẻ, tự phát, hiệu quả triển khai ứng dụng không cao, khó thương mại hóa nên không tạo được niềm tin cho nhà đầu tư. “Nhiều nhà sáng chế còn chưa có niềm tin vào chính sáng chế của mình làm sao thuyết phục được DN? Họ còn sợ mất cái này cái kia, chưa tin tưởng DN thì làm sao DN dám đầu tư?” - ông nói.

Busadco là DN duy nhất có doanh thu hằng năm từ hoạt động khoa học công nghệ chiếm trên 80% tổng doanh thu, được Thủ tướng Chính phủ quyết định miễn thuế thu nhập DN nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.

Tương tự, đại diện một DN sản xuất nhựa tại TP.HCM cho hay đang hợp tác với một số nhà sáng chế do sáng chế của họ có tính ứng dụng cao, đưa vào sản xuất được ngay và họ tin tưởng DN, hai bên hài hòa được lợi ích.

Nhà sáng chế Nguyễn Long Uy Bảo cũng nói người sáng chế không nên trông chờ vào kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, quan trọng hơn là các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế nếu sản phẩm từ sáng chế bán ra thị trường.

Theo ông Phạm Ngọc Minh, Phó Cục Trưởng cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ, việc khai thác, ứng dụng sáng chế, giải pháp công nghệ mới vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát. Niềm tin của các nhà sáng chế, nhà đầu tư vào hiệu quả ứng dụng sáng chế còn thấp nên khó thương mại hóa. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ có Quỹ Phát triển khoa học công nghệ Quốc gia hỗ trợ 30% số vốn để chế tạo, hoàn thiện sản phẩm. Còn lại 70% tổng số tiền đầu tư cho thiết bị sẽ được quỹ đứng ra tín chấp để vay vốn từ ngân hàng thương mại phục vụ sản xuất.

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc và Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) tổ chức cuộc thi Sáng chế 2013. Các sáng chế sau khi đoạt giải sẽ được hỗ trợ liên kết với DN để được đầu tư, phát triển. Đối với sáng chế có khả năng thương mại hóa tại TP.HCM, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ phê duyệt đưa vào sản xuất với vốn vay ưu đãi có thể ở mức thấp nhất 0%.

Người Việt quá ít sáng chế

Mỗi năm có khoảng 3.000-4.000 sáng chế gửi đơn đăng ký sở hữu trí tuệ. Nhưng trong đó, các đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ dù có tăng cũng chỉ chiếm 10% trên tổng số đơn đăng ký sáng chế. Khoảng 90% đơn đăng ký còn lại của người nước ngoài (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…).

Ông LƯƠNG HOÀNG HƯNG, Phó Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Quang Huy

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   VCCI - cầu nối hợp tác các doanh nghiệp Việt-Nhật (11/09/2013)

>   Kích cầu tháng khuyến mãi (11/09/2013)

>   Thị trường sữa khởi sắc sau sóng gió (11/09/2013)

>   Doanh nghiệp Việt Nam-Hoa Kỳ gắn kết phát triển ngành bông (11/09/2013)

>   Tập đoàn Nhật đầu tư chiến lược vào công ty VN (11/09/2013)

>   Rượu bia ngoại sẽ ồ ạt chảy vào Việt Nam? (11/09/2013)

>   Hà Nội dự kiến tăng giá nước sạch (11/09/2013)

>   Hàng trăm nghìn doanh nghiệp không rõ sống hay chết (11/09/2013)

>   Phê duyệt đề án tái cơ cấu của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (11/09/2013)

>   DOC: 33 DN Việt Nam không bán phá giá tôm (11/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật