Chuyện nợ nần của doanh nghiệp FDI vắng chủ
Tỉnh Đồng Nai đã phát hiện thêm 30 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc diện vắng chủ. Kèm theo đó là những nỗi lo mới liên quan đến việc xử lý các đối tượng này.
Tiếp cận DN còn tên, biển hiệu
Nhiều nỗi lo mới khi xử lý hàng chục doanh nghiệp có vốn đầu tư
trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc diện vắng chủ ở Đồng Nai
|
Khi biết phóng viên Báo Đầu tư muốn “mục sở thị” một vài DN FDI trong danh sách 30 DN vắng chủ còn vướng mắc chưa được xử lý, một cán bộ Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã cảnh báo là “không dễ để tìm ra”. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng, phóng viên đã tiếp cận 2 DN nằm trong danh sách này vẫn còn tồn tại tên, biển hiệu.
DN đầu tiên là Công ty TNHH Sản xuất xích chuyên dùng Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) chuyên sản xuất các loại xích truyền động dùng trong công nghiệp, xích xe máy, xe đạp…
Số vốn đăng ký đầu tư của DN này là 10 triệu USD (là một trong 5 DN có vốn đăng ký trên 10 triệu USD trong danh sách- PV).
Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, đây là DN Đài Loan, đã hoạt động nhiều năm nay và mới chỉ ngừng sản xuất từ tháng 8/2011.
Tuy nhiên, khi đến nơi, phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn lại có cảm giác nơi này dường như đã bị bỏ hoang khá lâu. Ở đây chỉ có một bảo vệ, song người này từ chối trả lời mọi câu hỏi.
Cũng tại khu công nghiệp Biên Hòa 2, Công ty TNHH Công nghiệp Việt Nam I.S.A, một DN cũng vắng chủ khoảng 2 năm nay. Đây là DN của Hồng Kông chuyên sản xuất keo dựng vải, keo dựng giấy, gia công hoàn tất vải thành phẩm từ vải thô…
Tổng vốn đầu tư đăng ký của dự án này hơn 1,2 triệu USD. Khi phóng viên có mặt, thì đằng sau cánh cổng đóng kín vẫn có người đi lại phía trong và dường như vẫn có hoạt động sản xuất ở mức độ cầm chừng.
Và những mối lo mới…
Ông Võ Thanh Lập, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, các dự án vắng chủ hầu hết hoạt động kém hiệu quả, vốn đăng ký đầu tư không lớn...
“Vì vậy, đóng góp của các dự án này cho kinh tế - xã hội không nhiều, thậm chí nhiều DN khi ngưng hoạt động còn nợ nhiều khoản thuế của Nhà nước, không đóng bảo hiểm xã hội, nợ lương của người lao động…”, ông Lập nói và cho biết thêm, ngay cả trong số 17 DN đã bị “trảm”, hiện vẫn còn một số vướng mắc, như chưa liên lạc được với chủ đầu tư; công ty đã tiến hành giải thể, nhưng chưa xong; ngân hàng đã khởi kiện, tài sản của DN đã bán đấu giá, nhưng chưa thu hồi đủ tiền...
Đối với 30 dự án vắng chủ chưa được xử lý, tỉnh Đồng Nai đã phân thành các nhóm, như dự án ngưng hoạt động, chủ đầu tư bỏ về nước không liên lạc được; dự án đã xử lý xong về tài sản, nhưng còn các khoản nợ chưa thanh toán; dự án đề nghị phá sản, nhưng tòa án không thụ lý, chủ đầu tư bỏ về nước.
Đáng chú ý là, trong số này đã nảy sinh không ít mối lo mới, như Công ty TNHH Đông Quan có phát sinh nợ với hải quan; Công ty TNHH Công nghiệp Việt Nam I.S.A có phát sinh công nợ với ngân hàng; Công ty TNHH UTC Vina có phát sinh nợ với khách hàng…
DN mới nhất có mặt trong danh sách này là Công ty TNHH Apex Việt Nam chuyên sản xuất, gia công các sản phẩm dệt may, với số vốn đầu tư đăng ký 1 triệu USD. Đây là DN của Pháp, hiện đang làm thủ tục phá sản.
Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai là lựa chọn những dự án hoạt động hiệu quả, đóng góp cho ngân sách địa phương và giải quyết việc làm cho người lao động.
“Vì vậy, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xử lý kiên quyết đối với những dự án vắng chủ để nhường chỗ cho những dự án tốt hơn”, bà Thanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện là do các văn bản pháp luật chưa có quy định về việc giải quyết các dự án vắng chủ. Với địa bàn tập trung nhiều KCN như Đồng Nai, thời gian tới có thể sẽ phát sinh thêm các DN vắng chủ, các DN không còn tài sản, nhưng còn tư cách pháp nhân, cũng có chiều hướng gia tăng. Hiện Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đang thực hiện theo hướng dẫn tại Văn bản số 7566/BKH&ĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, với những dự án FDI vắng chủ, thì tài sản, đất đai được xử lý thông qua các bản án; nếu DN không còn tài sản, không còn nhà xưởng, đất đai để hoạt động, thì tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt dự án.
Đối với 30 dự án nói trên, do còn vướng một số vấn đề, nên Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai sẽ tiếp tục rà soát, nếu dự án nào đáp ứng các điều kiện theo hướng dẫn thì sẽ tiếp tục xử lý trong thời gian tới.
Hồng Sơn
đầu tư
|