Chính sách ưu đãi chưa hiệu quả
“Phải thẳng thắn thừa nhận, trong thời gian qua, các chính sách ưu đãi dành cho công nghiệp hỗ trợ chưa mang lại nhiều kết quả tích cực cho doanh nghiệp”- Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng
|
Thứ trưởng có thể đánh giá vài nét về sự phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian gần đây?
Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam nói chung, tạo ra sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, chúng ta đã thu hút nguồn vốn đầu tư FDI lớn từ lĩnh vực này. Mặc dù đã thu được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, có thể nhận thấy, ngành CNHT của Việt Nam trong thời gian qua còn rất nhiều hạn chế, chưa phát huy được hết tiềm năng.
Nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế đó là gì, thưa Thứ trưởng?
Chiến lược phát triển CNHT chưa được như kỳ vọng có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết là sự đơn điệu về quy mô công nghệ, thiếu nguồn nhân lực, vốn và nhiều điều kiện hoạt động sản xuất - kinh doanh khác. Các doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường. Một số các nhà cung cấp trong nước thiếu năng lực cung ứng đúng số lượng và chất lượng cần thiết cho các khách hàng lớn, các nhà lắp ráp lớn...
Qua các kỳ triển lãm, chúng ta kỳ vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ hiểu được năng lực cũng như hạn chế để từ đó xác định lại chiến lược phát triển, xác định lại hoạt động sản xuất để gắn với thị trường quốc tế và khai thác những chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam nói chung, tạo ra sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. |
Thực tế, đã có nhiều chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Theo Thứ trưởng, những chính sách đó đã phát huy tác dụng như thế nào?
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, thời gian qua, các chính sách đó chưa đi vào thực tiễn một cách hiệu quả và chưa mang lại nhiều kết quả tích cực cho các doanh nghiệp. Các chính sách chậm được sửa đổi và không có tính khả thi cao do hạn chế về nguồn lực và sự quan tâm cần thiết cho phát triển CNHT.
Thực tế còn tồn tại những nhìn nhận, thực thi chưa đồng bộ trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách của nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp giữa các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương, đặc biệt trong việc xây dựng các khu công nghiệp cũng như là tận dụng các nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Việc xuất hiện các tập đoàn nước ngoài có tác động như thế nào tới sự phát triển CNHT tại Việt Nam, thưa Thứ trưởng?
Sự xuất hiện và hoạt động có hiệu quả của các tập đoàn lớn của Nhật Bản tại Việt Nam như Toyota, Honda, Mitsubishi... đã có những đóng góp lớn về tăng trưởng sản xuất công nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, đặt nền móng hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành đối tác cung cấp sản phẩm CNHT cho các đối tác Nhật Bản. Và có thể thấy rằng, các sản phẩm đó có chất lượng tốt, tính cạnh tranh rất cao.
Sự xuất hiện của các doanh nghiệp Nhật Bản đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam có được hiểu biết đúng đắn và đầy đủ hơn về thị trường quốc tế, qua đó giúp doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Hùng Cường - Hoa Lê
báo công thương
|