Chính phủ lý giải việc nâng trần bội chi ngân sách
Sở dĩ Chính phủ phải trình Trung ương, Quốc hội nâng trần bội chi ngân sách trong năm 2014 lên 5,3% GDP vì yêu cầu đầu tư vẫn rất lớn, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết tại buổi họp báo Chính phủ, chiều 29/9.
* Đề xuất nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% GDP
Bộ trưởng Vũ Đức Đam
|
Theo Bộ trưởng Đam, thông tin gần đây về việc Chính phủ sẽ kiến nghị nâng trần bội chi ngân sách là đúng. Hiện Chính phủ đã bàn về vấn đề này, vì yêu cầu đầu tư rất lớn. Từ Hà Nội, Tp.HCM đến vùng sâu, vùng xa…đâu đâu cũng có nhu cầu đầu tư từ điện, đường, trường, trạm, nước, xử lý rác thải…
Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 11, chúng ta chấn chỉnh đầu tư công nên hàng loạt công trình trước đây chúng ta đầu tư nay bị siết lại, không đủ vốn để làm. Trong khi đó, kinh tế chúng ta vẫn phát triển, tăng trưởng ở mức trên 5%, với rất nhiều các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong đó có giãn, lui một số thuế, một số biện pháp hỗ trợ khác nên mức tăng của ngân sách không đáp ứng được mức chi theo như mong muốn, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Một vấn đề khó nữa là lương vẫn phải tăng, đầu tư an sinh xã hội vẫn phải tăng. Chẳng hạn nếu trước đây chúng ta chi cho đầu tư tới trên 30 đồng, thậm chí 40 đồng trong 100 đồng thì bây giờ rút dần xuống còn 19 đồng, trong khi yêu cầu đầu tư thì rất lớn.
Trước câu hỏi của báo giới, liệu nâng trần bội chi có ảnh hưởng đến nợ công, Bộ trưởng Đam khẳng định, Chính phủ khi đề ra bất kỳ biện pháp nào, chỉ tiêu nào đều cân nhắc rất kỹ lưỡng. Khi trình Quốc hội nâng mức bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3%, Chính phủ đã xem xét đầy đủ các mối quan ngại.
Hơn nữa, khi Chính phủ làm chính sách, trước hết đều có sự tham mưu từ các cơ quan tham mưu, sau đó lấy ý kiến chuyên gia, ý kiến nhân dân qua báo chí.
"Nâng lên 5,3% là Chính phủ đã tính đầy đủ để đảm bảo mức trần nợ công. Còn câu chuyện sử dụng nguồn vốn ấy tiết kiệm hay không thì không chỉ việc nâng lên 5,3% mới quan tâm, mà kể cả không bội chi thì cũng phải quan tâm đến hiệu quả đầu tư", Bộ trưởng Đam nói.
Người phát ngôn của Chính phủ cũng lưu ý, đã có nhiều câu hỏi tại sao Nhà nước không kêu gọi các thành phần kinh tế khác đầu tư vào để bớt ngân sách đi?
Tuy nhiên, theo ông, chúng ta đã kêu gọi rất nhiều nhưng vào rất khó. Bởi vì, nếu muốn nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào đường thì phí thu được phải thật cao mới hoàn vốn được. Nhưng nếu phí thu cao thì các công ty vận tải và người dân có chịu được không?
Hay chúng ta nói xã hội hóa bệnh viện để nhà nước bớt đầu tư nhưng chúng ta khuyến khích rất nhiều nhưng cũng chỉ được đầu tư ít. Bởi vì, một là vấn đề chi trả, nhưng thứ hai, quan trọng nhất là thầy thuốc. Những bệnh viện của chúng ta mặc dù điều kiện rất khó khăn nhưng những người thầy thuốc giỏi nhất lại ở đó rồi….
Vì thế, theo Bộ trưởng Đam, muốn phát triển được thì vẫn phải giữ mức đầu tư nhất định từ ngân sách Nhà nước, đương nhiên vẫn phải tăng cường để các thành phần kinh tế khác đầu tư vào.
“Gần đây các bạn cũng có nghe hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP), tức là khuyến khích tư nhân, nhưng để một mình tư nhân thì không đủ sức đầu tư, để có lãi thì nhà nước hỗ trợ một phần”, Bộ trưởng nói.
Phân tích cụ thể hơn, Bộ trưởng Đam cho hay, cứ bội chi 1% GDP thì tương đương khoảng 40.000 tỷ đồng. Năm nay chúng ta bội chi 4,8%, và tính ra kế hoạch năm nay tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của chúng ta là 185.000 tỷ đồng, cộng với khoảng 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và một số khoản khác là khoảng 230.000 tỷ đồng.
Vì thế, sang năm 2014, để kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 5,5%, nếu tốt thì khoảng 5,8 - 6%, vẫn phải có một phần đầu tư và tính toán tối thiểu thì cũng phải đầu tư khoảng 255.000 tỷ đồng và cân đối tổng thu - tổng chi thì chúng ta buộc phải đề nghị tăng bội chi và dành toàn bộ phần bội chi này cho đầu tư.
Ngô Trang
vneconomy
|