Thứ Sáu, 27/09/2013 08:03

Căng thẳng tỷ giá USD/VND ở… hậu trường

Đầu tuần này, ngân hàng HSBC tổ chức một buổi trao đổi chuyên môn về ngoại hối giữa cán bộ chuyên trách với một số phóng viên. Có những câu hỏi đưa ra tưởng như đơn giản nhưng lại phức tạp, phản ánh một phần thực tế hậu trường căng thẳng vừa qua…

Từ cuối năm 2011 cho đến đầu 2013, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 15 tỷ USD, đồng nghĩa có khoảng 300 nghìn tỷ đồng cung ứng.

Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc nghiệp vụ ngân hàng toàn cầu, kinh doanh vốn và ngoại hối của HSBC Việt Nam, chia sẻ đại ý: với các ngân hàng nói chung, thị trường ngoại hối hay tỷ giá càng có nhiều biến động thì càng có nhiều cơ hội kinh doanh; nhưng nhìn lại, tỷ giá quá nhiều biến động sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn và khi đó ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

Dư ngoại tệ, vẫn căng…

Nhìn lại, ông Hải, “người buôn tiền” có tiếng của HSBC Việt Nam nói: “Sau giai đoạn có nhiều biến động lớn, hai năm qua tỷ giá USD/VND được giữ khá ổn định. Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng nhanh và linh hoạt hơn trước nhiều. Có những biến động được can thiệp và xử lý ngay trong ngày. Trước đây có nhiều thời điểm ở giá trần mà khó giao dịch, nay thì thuận lợi trong biên độ”.

Không quên điểm lại hai đợt sóng cuối tháng 6 và trong tháng 7 vừa qua, ông Hải nêu một yếu tố quan trọng, VND trong hệ thống dư nhiều. Ngược lại, câu hỏi chuyên gia này đặt ra lại tưởng như mâu thuẫn: vì sao tiền gửi USD cũng dư ở mức cao nhưng sao ngân hàng không bán ra khiến tỷ giá những lúc đó căng thẳng?

Dĩ nhiên, nguồn ngoại tệ tiền gửi khác bản chất với ngoại tệ thương mại. Quan trọng hơn, các ngân hàng bị giới hạn trạng thái ngoại tệ +/-20% vốn tự có. Họ ngồi nhìn lượng USD gửi vào dày lên mà không thể bán mạnh ra, một phần vì giới hạn đó, một phần cũng tiềm ẩn rủi ro giá lên…

Đó là một thực tế có trong tháng 6 và 7 vừa qua, gắn với hai đợt biến động khá mạnh của tỷ giá USD/VND và có hiện tượng giao dịch vượt trần.

Nhớ lại ở thời điểm đó, khi trao đổi với VnEconomy, lãnh đạo một ngân hàng lớn nói rằng, cứ xem một số ngân hàng dồn vốn đẩy giá USD lên để rồi sẽ phải trả giá thôi, bởi chính chính họ phát đi tín hiệu găm giữ ngoại tệ, mà khi doanh nghiệp kìm lại không bán ra thì sẽ gây bất lợi cho các cân đối và chi phí của ngân hàng.

Thực tế, dữ liệu VnEconomy tập hợp cho thấy, nếu như trong tháng 5/2013, huy động ngoại tệ của hệ thống chỉ chớm tăng 0,89% so với cuối năm 2012, thì trong tháng 6 đã vọt lên 4,71%, tháng 7 lên tới 7,15%.

Đáng chú ý là hiện tượng găm giữ ngoại tệ thể hiện rõ ở khối khách hàng doanh nghiệp, khi tăng đột biến từ 7,76% trong tháng 5 lên 13,34% trong tháng 6 và tiếp tục lên 16,96% trong tháng 7 so với cuối năm 2012. Riêng tiền gửi ngoại tệ của dân cư vẫn duy trì trạng thái giảm khá mạnh (tương ứng -8,27% trong tháng 5, -6,8% tháng 6 và -5,93% trong tháng 7), phản ánh hướng dịch chuyển và sự hấp dẫn hơn khi nắm giữ VND có từ trong năm 2012.

Trước diễn biến trên, Ngân hàng Nhà nước vào cuộc. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng thêm 1% vào ngày 28/6. Đồng thời, trần lãi suất huy động USD giảm xuống, đối với tiền gửi của doanh nghiệp giảm từ 0,5%/năm xuống chỉ còn 0,25%/năm.

Ngay sau những điều chỉnh trên, dòng tiền gửi ngoại tệ cho phản ứng đồng thuận. Tốc độ tăng tiền gửi ngoại tệ của khối doanh nghiệp đã giảm đáng kể, từ 16,96% trong tháng 7 lùi về 15,51% trong tháng 8. Bớt kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng, Ngân hàng Nhà nước tái khẳng định cam kết giữ ổn định, họ đã bán ra, tạo cung thương mại và tỷ giá USD/VND sau đó ổn định cho đến nay.

Ngân hàng Nhà nước cũng đau đầu

Nhưng sự êm đềm của tỷ giá USD/VND trong hai năm qua, xen lẫn một vài con sóng ngắn, không đơn giản ở những can thiệp đó.

Vốn VND trong hệ thống dư nhiều, nhiều người trong cuộc thừa nhận vậy. Thêm nữa, tháng 6 và 7 vừa qua, một số lãnh đạo quản lý nguồn vốn ngân hàng cho hay, những sản phẩm cấu trúc cho vay VND theo lãi suất USD mà một số nhà băng triển khai thời lãi suất còn cao cuối 2012 lần lượt đáo hạn. Họ thu quân, đóng và nâng trạng thái ngoại tệ, bởi vốn VND dư thừa và lãi suất đã xuống thấp, việc chuyển đổi USD để lấy vốn VND cho vay không còn hấp dẫn nữa.

Ở tình hình chung, khi tiền đồng dư nhiều và lãi suất quá thấp, ngân hàng có nhu cầu ngắm đến USD như một hướng đầu tư, hay một số thông tin lúc đó xem là đầu cơ. Đầu cơ không hẳn luôn xấu, bởi họ làm trong khuôn khổ cho phép, gắn với “bản năng” của nhà buôn vốn. Song lực cầu ngoại tệ mạnh thêm và phản ánh ở tỷ giá.

Dữ liệu cho thấy, trong tháng 6 và đầu tháng 7, lãi suất VND trên liên ngân hàng rơi xuống cực thấp, chỉ từ 0,5% - 0,8%/năm, tức không còn nhiều phân biệt so với lãi suất USD.

Thêm một lần nữa, Ngân hàng Nhà nước vào cuộc can thiệp, khá kịp thời. Cùng với việc tái khẳng định cam kết ổn định tỷ giá, đáng chú ý là có thông tin sẽ không tăng cho đến hết năm 2013, nhà điều hành xắn tay xử lý chuyện dư tiền đồng trong hệ thống.

Ngay lập tức hoạt động phát hành tín phiếu được mở lại, liên tiếp nhiều phiên sau đó để hút tiền đồng trong lưu thông về, giảm bớt áp lực đối với tỷ giá. Dữ liệu thống kê cũng cho thấy đây là một trong những thời điểm lượng tiền hút về mạnh nhất kể từ đầu năm. Lãi suất tín phiếu lập tức là một yếu tố chính “kéo” lãi suất VND trên liên ngân hàng doãng ra so với lãi suất USD.

Nhưng, có nhiều lý do để Ngân hàng Nhà nước có thể căng thẳng và đau đầu trong tính toán ở hướng can thiệp trên.

Trước hết là áp lực chi phí ngân sách. Từ cuối năm 2011 cho đến đầu 2013, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 15 tỷ USD, đồng nghĩa có khoảng 300 nghìn tỷ đồng cung ứng. Có nhiều kênh để trung hòa, trong đó tín phiếu là chủ lực. Đợt tăng cường hút bằng tín phiếu xử lý đợt biến động trên hẳn gây thêm sức ép về chi phí.

Một tính toán tương đối cho thấy, từ đầu năm đến nay quy mô lượng tín phiếu thường xuyên lưu hành có từ 50 - 60 tỷ đồng. Lãi suất tín phiếu đầu năm đến nay cao thì khoảng 7,5% - 8,3%/năm, thấp khoảng 2,8 - 3%/năm, những tháng gần đây từ 4,5% - 5%/năm (tùy các kỳ hạn). Chi phí cho việc dùng tín phiếu để hút tiền về năm nay ước lượng cũng đến vài ngàn tỷ đồng - điều mà Ngân hàng Nhà nước hẳn phải căn ke kỹ.

Ở một kênh khác, với gần 60 tấn vàng đã bán qua đấu thầu, nhà điều hành cũng đã hút về trên dưới 60 nghìn tỷ đồng. Có vẻ như kênh này không mất phí mà còn lãi lớn, nhưng việc sử dụng ngoại tệ để nhập vàng cho đấu thầu rõ ràng cũng phải cân nhắc, bởi dự trữ ngoại tệ còn nhiều việc phải lo toan...

Vậy nên, hút tiền về có vẻ dễ, nhưng hút như thế nào, mức độ bao nhiêu cũng dễ đau đầu, bởi gắn với áp lực chi phí, các cân đối. Tình thế trở nên căng thẳng hơn khi khả năng lãi suất VND giảm tiếp đã cạn kiệt, hút vốn về để bớt áp lực cho tỷ giá nhưng lại dễ cản trở chủ trương - yêu cầu giảm lãi suất cho vay.

Thế nên, hậu trường của điều hành hay trong yêu cầu ứng xử với các cân đối không hẳn khá dễ chịu như tỷ giá USD/VND trên biểu niêm yết của các ngân hàng thời gian qua, hay được đơn giản hóa như một số quan điểm xuất hiện những ngày gần đây khi cho rằng tỷ giá yên ắng là nhờ “ăn may” do vĩ mô ổn định và lạm phát được kiềm chế.

Minh Đức

Vneconomy

Các tin tức khác

>   Ngân hàng, doanh nghiệp tranh cãi vì chứng thư bảo lãnh (27/09/2013)

>   Nóng tranh luận về quản lý thị trường vàng (27/09/2013)

>   Ngày 26/9, NHNN tiếp tục bơm ra 200 tỷ đồng (26/09/2013)

>   MDB: Miễn nhiệm Phó Tổng Giám đốc Trần Lan Hương (26/09/2013)

>   Các ngân hàng tuân thủ nghiêm trần lãi suất quy định (26/09/2013)

>   Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối: "Giá vàng đấu thầu cạnh tranh nên ngăn ngừa được đầu cơ” (26/09/2013)

>   SHB dành 1.300 tỷ đồng cung cấp vốn cho Viglacera (26/09/2013)

>   Thị trường ngoại tệ giai đoạn 2011-2013: "Thuốc đắng đã giã tật" (26/09/2013)

>   Điều tra bổ sung vụ án gây thiệt hại gần 524 tỷ tại Công ty Cho thuê tài chính II (26/09/2013)

>   Lãnh đạo Vietcombank tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Mizuho (26/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật