7 đoàn kiểm tra giao thông vận tải công bố kết quả
Từ tháng 7/2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã quyết định thành lập 7 đoàn kiểm tra do 7 thứ trưởng dẫn đầu, tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 21 tỉnh, thành. Ngày 1/9, công bố từ các đoàn kiểm tra cho thấy nhiều sai phạm “giật mình”.
Cụ thể, nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác quản lý, cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hoá bằng container, nổi cộm nhất là Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM chỉ cấp giấy phép kinh doanh đối với 98/1.710 đơn vị (bằng 5,73%) có số xe 1.016/8.211 xe (bằng 12,37%); Sở Giao thông Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu cấp 1/16 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container đạt 6,25%, số phương tiện đạt 16,72% (54/323).
Mặt khác, quy mô các đơn vị kinh doanh vận tải còn nhỏ lẻ, manh mún (chủ yếu là hợp tác xã); một số tỉnh có số hợp tác xã chiếm 50 -70% (các hợp tác xã có từ 1 - 3 xe chiếm đến 50%). Vì thế, công tác quản lý bị buông lỏng, số lái xe vi phạm tốc độ nhiều, đây chính là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông.
Sau khi “mổ băng” từ kết quả hộp đen, 7 đoàn kiểm tra cho biết, số phương tiện vượt quá tốc độ rất nhiều.
Cụ thể, từ 1 - 15/7/2013, số xe vượt quá tốc độ chiếm 80% đến 90%. Nhiều địa phương, đơn vị kinh doanh vận tải không quản lý, kiểm tra, nhắc nhở lái xe qua thiết bị giám sát hành trình, dẫn đến nhiều lái xe chạy vượt quá tốc độ (như tại Long An có lái xe chạy đến 137 km/h; tại Bình Thuận có lái xe chạy đến 130 km/h, tại Bà Rịa - Vũng Tàu có lái xe chạy đến 120 km/h).
Tại 84 đơn vị kinh doanh vận tải bị kiểm tra, có 36 hợp tác xã vi phạm (chiếm 42,8%); phát hiện, xử lý, tước, đình chỉ sử dụng giấy phép 41 đơn vị (trong đó có có 8 hợp tác xã); thu hồi giấy phép kinh doanh của 31 đơn vị (trong đó có 12 hợp tác xã, chiếm 48%); thu hồi 327 phù hiệu và sổ nhật trình (trong đó thu hồi 128 phù hiệu của 24 hợp tác xã); 189 lỗi vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 567 triệu đồng.
Về nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, UBND các tỉnh, thành chưa thực sự quyết liệt; công tác quản lý nhà nước về vận tải nhiều nơi bị coi nhẹ, chưa được quan tâm đúng mức; có một số địa phương còn buông lỏng quản lý.
Công tác thanh tra tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và xử lý vi phạm hành chính chưa cương quyết, một số địa phương chưa tiến hành thanh tra đối với đơn vị kinh doanh vận tải hoặc thanh tra nhưng kết luận và xử lý vi phạm chưa có tính răn đe, chấn chỉnh. Công tác hậu kiểm sau khi cấp phép chưa được chú trọng thực hiện, đặc biệt là đối với các hợp tác xã kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải hàng hóa bằng container.
Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, phần lớn các đơn vị vận tải chưa quan tâm đến bộ phận quản lý, theo dõi an toàn giao thông, trong đó nhiều hợp tác xã vận tải không có bộ phận theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông hoặc có bộ phận theo dõi nhưng không hoạt động theo quy định.
Nhiều hợp tác xã chỉ đứng ra thực hiện các thủ tục pháp lý cho xe được phép hoạt động như: xin cấp giấy phép kinh doanh, cấp phù hiệu, chấp thuận khai thác tuyến, còn việc quản lý và điều hành xe để kinh doanh vận tải do các cá nhân (lái xe, chủ xe) thực hiện và các cá nhân này tự chịu trách nhiệm kết quả kinh doanh...
Từ những sai phạm trên, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ phê bình Tp.HCM trong việc buông lỏng công tác quản lý và cấp phép; thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị vận tải container; phê bình các tỉnh An Giang, Long An, Lào Cai, Khánh Hòa, Lạng Sơn do chưa thực hiện tốt công tác quản lý về vận tải, có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bị xử lý, thu hồi giấy phép.
Đồng thời, kiến nghị nhắc nhở các tỉnh, thành: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ cần tập trung chấn chỉnh, quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý về vận tải, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, cho phép sửa đổi bổ sung Nghị định 93/2012/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến tuổi xe, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải container và các loại hình vận tải mới phát sinh; có quy định riêng về loại hình hợp tác xã kinh doanh vận tải. Đồng thời yêu cầu, kết quả thanh tra, xử lý phải được công khai, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và Trung ương.
Bộ kiến nghị Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo cho lực lượng cảnh sát các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với xe chạy quá tốc độ, lấn làn đường, lái xe sử dụng chất kích thích, ma túy; chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố triển khai lực lượng phối hợp với sở giao thông vận tải kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải.
Tịnh Trí
vneconomy
|