Chủ Nhật, 01/09/2013 20:59

Đằng sau thương vụ thâu tóm tờ Washington Post

Từng nổi tiếng với việc phanh phui vụ bê bối Water Gate trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước, nay tờ Washington Post lại được thế giới nhắc đến với thương vụ thâu tóm triệu đô của ông chủ hãng mua bán trực tuyến Amazon – tỉ phú Jeff Bezos.

Kết cục được báo trước

Cuối năm 2012, Donald E.Graham, Chủ tịch và là Giám đốc điều hành của Washington Post, đã có cuộc họp với người chịu trách nhiệm xuất bản Katharine Weymouth để xem xét lại tương lai của tờ báo trong 3 năm tới. Và những gì họ thấy được hoàn toàn đen tối.

"Chúng tôi biết rằng mình có thể sống sót, nhưng luôn cảm thấy rằng quyền sở hữu của chúng tôi cần phải làm được nhiều hơn là chỉ giúp tờ báo sống sót” – ông Graham trả lời trong một cuộc phỏng vấn ngày 5-8.

Với sự nhất trí từ ban quản lý, công ty đã có cuộc thảo luận nhằm lựa chọn ra người mua thích hợp nhất từ 6 ứng viên ban đầu. Sau đó, đến tháng 6 năm nay, trong một cuộc hội thảo, ông Graham đã gặp một trong số họ - ông chủ trang bán hàng trực tuyến Amazon.com, tỉ phú Jeff Bezos.

Và thế là, sau 80 năm dưới quyền quản lý và lãnh đạo của gia đình Graham, tờ Washington Post danh giá đã bắt đầu quá trình thay đổi chủ sở hữu từng ngày 5-8, sau khi tỉ phú Bezos đồng ý thương vụ mua lại thương hiệu báo lớn chỉ với cái giá bèo 250 triệu USD.

Sau khi thương vụ hoàn thành, cũng là lúc mối liên hệ đặc biệt giữa tờ báo với thủ đô của nước Mỹ sẽ chấm dứt. Washington đã từng trải qua nhiều sự xáo trộn và thay đổi trong suốt 8 thập kỷ qua, với nhiều năm chìm trong sự xung đột sắc tộc, Tổng thống từ nhiệm, hay tấn công khủng bố nhằm vào Lầu Năm Góc…và Washington Post chính là người đồng hành của thủ đô nước Mỹ qua các sự kiện.

Đại gia báo chí đang tụt dốc?

Dưới thời kỳ vàng son của gia đình Graham, Washington Post là một nguồn tin bao phủ và đáng tin cậy, là trung tâm theo dõi của cộng đồng về nhiều vấn đề như xã hội, văn hóa, chính trị, và đời sống của thủ đô nước Mỹ - nơi rất nhiều người đã từng đến và đi.

Nhưng với nhiều người dân Mỹ, ánh hào quang của Washington Post đã biến mất từ lâu trước khi thương vụ mua bán diễn ra. Sự xuất hiện của trang tin tức Politico – được xây dựng bởi chính những cá nhân xuất sắc từng được đào ở Washington Post – cùng nhiều website tin tức khác đã báo hiệu một thời kỳ đầy xáo trộn trong ngành truyền thông.

Những ngày mà người dân Mỹ quen với việc lật tờ báo buổi sáng bên tách cà phê để tìm những vấn đề mình quan tâm đã qua đi, thay vào đó họ tìm đến những nguồn thông tin mới lạ, nhiều trong số đó còn mang ý thức hệ rõ ràng hơn tờ Washington Post.

Theo cách đó, có thể nói thương vụ mua lại một trong những tài sản đáng tự hào của nền báo chí nước Mỹ của một thương nhân tài năng đến từ khu vực bờ biển đối diện không hoàn toàn là một cú sốc.

Thương vụ đã khiến gia đình nhà Graham bị loại khỏi danh sách các gia đình báo chí quyền lực của nước Mỹ, trong đó phải kể đến nhà Sulzberger – điều hành Thời báo New York (New York Times) – nhà Chandler (tờ Los Angeles Times), nhà Copley (tờ San Diego Tribune), nhà Crowles (tờ Minneapolis Star Tribune) và nhà Bancroft (tờ Wall Street Journal).

Từng có thời điểm, Washington Post ăn nên làm ra nhờ lĩnh vực giáo dục, nhưng sau đó lại phải đối mặt với hàng loạt các xáo trộn, thất thoát và chịu lỗ trong làm ăn – lợi nhuận giảm 44% trong suốt 6 năm qua.

Tuy không quá bất ngờ, nhưng tin tức về thương vụ và người mua tờ Washington Post vẫn trở thành một sự kiện chấn động ngành công nghiệp báo chí Mỹ. Với danh tiếng là một biểu tượng chính trị vốn có, thực tế tờ báo bị bán cho một doanh nhân giàu có nhờ vào hoạt động kinh doanh trực tuyến cho thấy thế giới truyền thông đang có sự chuyển biến.

Công nghệ và các nhà lãnh đạo biết sử dụng nó, qua thời gian, đã chứng minh rằng họ có thể kiếm tiền hiệu quả bằng cách cung cấp cho khách hàng những gì mà họ muốn, chứ không phải những gì mà một số chính trị gia hay báo chí nghĩ rằng khách hàng muốn.

Xu hướng mới của báo chí hiện đại

Kỷ nguyên Internet đã đánh dấu sự đi xuống của ngành báo giấy. Đó là lý do tại sao rất nhiều người tỏ ra băn khoăn về khoản đầu tư này của Bezos và kế hoạch của tỷ phú trong tương lai.

Thương vụ mua bán Washington Post cho thấy ngành báo giấy đang trong giai đoạn khó khăn. Các doanh nghiệp ngày càng hạn chế quảng cáo trên báo. Hàng loạt các trang blog, với lợi thế rõ rệt về chi phí, đã và đang cạnh tranh gắt gao.

Thương hiệu của tờ báo sẽ mãi mãi gắn liền với các bài phóng sự chính trị xuất sắc. Mạng Internet đã có thể góp phần mở rộng thương hiệu và lượng độc giả của tờ báo có thể vượt ra khỏi biên giới nước Mỹ, nhưng cho tới giờ Washington Post vẫn chưa tận dụng được cơ hội.

Các nhà phân tích cho rằng, trong tương lai, Bezos sẽ mang tới các giải pháp công nghệ nhằm giúp các phóng viên và biên tập viên tăng tốc độ và năng suất làm việc bởi vì đó là những gì ông đã từng làm rất tốt ở Amazon.

Trong một quãng thời gian dài, ở các tòa soạn trên khắp nước Mỹ, các phóng viên luôn coi thường việc viết bài cho các trang web. Tờ Washington Post cũng không phải là ngoại lệ. "Mọi người tới đây là để dành giải Pulitzers, chứ không phải viết blog”, một câu nói nổi tiếng từng tồn tại trong tờ Washington Post nhiều năm. Mọi chuyện đã thay đổi và hầu hết các phóng viên đã ý thức được tầm quan trọng của báo điện tử. Có lẽ tờ báo đang muốn tiếp tục xu thế đó.

Bezos đã từng nói rằng ông thích những mẩu tin qua thư điện tử và những bản báo cáo ngắn gọn. Một vài nhân viên của tòa soạn thắc mắc liệu Bezos có kế hoạch yêu cầu phóng viên giảm độ dài và tăng số lượng các bài viết hay không. Đó đang là xu hướng của ngành báo chí, kể cả ở tờ Wall Street Journal.

Một xu hướng khác của ngành báo là việc cắt giảm nhân sự. Trong buổi họp công bố doanh thu cho nhân viên vào thứ Hai vừa rồi, giám đốc tòa soạn đã nói với mọi người rằng việc cắt giảm nhân sự trong tương lai là điều cần thiết. Câu hỏi được mọi người đặt ra lúc này là liệu Bezos có đến và tiến hành việc giảm bớt số lượng nhân viên hay không.

Bezos hiểu được rằng Washington Post là một trong những tờ báo với chất lượng cao nhất. Brady không nghĩ rằng Bezos muốn làm giảm bớt uy tín và thương hiệu của tờ báo bằng cách giảm các bài phóng sự hay số lượng ấn bản. Tuy nhiên, ông dự đoán rằng chắc chắn sẽ có một vài thay đổi khi kỷ nguyên của Bezos ở tờ Washington Post bắt đầu.

Khánh Duy

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Bất thường thuốc trúng thầu vào bệnh viện (01/09/2013)

>   Obama xin phép Quốc hội cho tấn công Syria (01/09/2013)

>   Ba trọng tâm chiến lược (31/08/2013)

>   Tham nhũng làm tai nạn giao thông thêm nghiêm trọng (30/08/2013)

>   Căng thẳng Syria, Nga điều thêm tàu chiến đến Địa Trung Hải (30/08/2013)

>   Từ 1/10, thu nhập 9 triệu đồng/tháng mới phải đóng thuế (30/08/2013)

>   Đàn ông Nhật bị vợ cắt tiền tiêu vặt (30/08/2013)

>   "Bộ KH&ĐT đã “phá sập” hệ thống đăng ký kinh doanh qua mạng của TP. HCM" (30/08/2013)

>   Vụ lương "khủng" ở TPHCM: Tổng kiểm tra quỹ lương các DNNN (30/08/2013)

>   Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh: 'Phải xáp vô làm ngay' (30/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật