5.000 lao động xe buýt bị truy thu 100 tỉ đồng'
Mười doanh nghiệp hợp tác xã (HTX) vận tải xe buýt đã ký chung một văn bản kiến nghị HĐND, UBND TP.HCM và các sở liên quan không thu hồi chênh lệch tiền lương tối thiểu của người lao động trong các đơn vị xe buýt.
Có khoảng 5.000 lao động của 10 HTX trên và các doanh nghiệp vận tải xe buýt tại TP bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi tiền lương với tổng số tiền khoảng 100 tỉ đồng.
Truy thu 6 tháng
Chiều 3-9, ông Dương Hồng Thanh - phó giám đốc Sở GTVT TP - cho biết sở vừa nhận được kiến nghị của Liên minh HTX vận tải TP và văn bản của 10 HTX đề cập việc truy thu chênh lệch tiền trợ giá xe buýt tính theo mức lương.
Sở đã có văn bản trình UBND TP về tiền trợ giá cho xe buýt tính theo mức lương năm 2013 và TP đã giao cho Sở Tài chính TP nghiên cứu. Trong vài ngày tới, Sở GTVT TP sẽ có cuộc họp bàn về vấn đề trên, trong đó sẽ xem xét bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp vận tải xe buýt và tính pháp lý về trợ giá xe buýt.
|
Theo các HTX, từ tháng 1 đến tháng 6-2013, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (QL&ĐHVTHKCC) đã phát tiền trợ giá cho xe buýt, trong đó tính tiền lương tối thiểu cho người lao động là 2.350.000 đồng/người/tháng.
Nhưng mới đây, trung tâm có văn bản cho biết bắt đầu từ tháng 7-2013 sẽ áp dụng mức lương là 2 triệu đồng/người/tháng và số tiền chênh lệch giữa mức lương cũ và mới trong sáu tháng đầu năm sẽ bị thu hồi. Tính theo hệ số bậc lương, người bị thu hồi ít nhất là 350.000 đồng/tháng và có người bị thu hồi lên đến vài triệu đồng/tháng.
Cũng trong văn bản trên, trung tâm cho biết bắt đầu từ tháng 7-2013 sẽ thanh toán 80% phần trợ giá xe buýt cho các doanh nghiệp vận tải theo mức lương tối thiểu vùng là 2 triệu đồng/người/tháng. Các HTX cho rằng trung tâm đã tính mức lương sai so với nghị định 103/2012 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp HTX thì được hưởng mức lương 2,35 triệu đồng/người/tháng, kể từ ngày 1-1-2013.
Hiệp hội Vận tải hành khách bằng xe buýt đã tổ chức cuộc họp với Trung tâm QL&ĐHVTHKCC và Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP bàn về vấn đề trên. Ông Phùng Đăng Hải, tổng giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP, cho biết trong cuộc họp ngày 31-7 lãnh đạo Sở GTVT TP có kết luận là “không truy thu lại phần trợ giá chênh lệch về tiền lương đã cấp phát cho các đơn vị vận tải và rà soát tính lại mức trợ giá xe buýt từ tháng 7 đến cuối năm 2013”.
Thế nhưng, trong văn bản ngày 13-8-2013 gửi các doanh nghiệp vận tải xe buýt có trợ giá, Trung tâm QL&ĐHVTHKCC khẳng định tiếp tục thu hồi tiền trợ giá chênh lệch tiền lương tối thiểu sáu tháng đầu năm 2013. Đồng thời sẽ thanh toán 80% chi phí nhân công trong đơn giá chi phí vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt và xe đưa rước học sinh, sinh viên, công nhân với mức lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng, thay vì 2,35 triệu đồng/tháng.
Chiều 3-9, trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao lại ra văn bản trên, ông Lê Hải Phong, giám đốc Trung tâm QL&ĐHVTHKCC TP, cho biết vì đến nay UBND TP chưa phê duyệt định mức tiền trợ giá xe buýt tính theo mức lương mới của năm 2013. Do đó, trung tâm phải áp dụng mức lương năm 2012 là 2 triệu đồng/tháng để tính trợ giá cho xe buýt.
Truy thu là “đánh” vào người lao động
Theo ông Phùng Đăng Hải, việc thu hồi tiền lương trợ giá xe buýt đã ảnh hưởng đến hàng ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp của các HTX và doanh nghiệp. Nếu truy thu, các doanh nghiệp xe buýt sẽ phải trả lại khoảng 100 tỉ đồng tiền trợ giá do chênh lệch về tiền lương. Hầu hết chủ xe đều đã trả lương cho lái xe và tiếp viên xe buýt nên không thể thu hồi tiền lương đã phát cho người lao động. Và nếu bắt người lao động trả lại tiền thì họ sẽ nghỉ việc, bỏ xe.
Ông Nguyễn Văn Quí - chủ xe và là xã viên của Liên hiệp HTX vận tải TP, ông Lưu Minh Hải - chủ xe và là xã viên HTX xe buýt Quyết Thắng - đều cho rằng việc tính mức lương tối thiểu trả người lao động là 2,35 triệu đồng/tháng là thấp. Thực tế chủ xe phải trả tiền lương cho lái xe bình quân trên 10 triệu đồng/tháng vì họ làm việc rất cực từ 4g sáng đến gần 22g đêm. Nếu tính mức lương tối thiểu còn 2 triệu đồng/tháng thì nhà xe không thể chạy nổi vì không còn thu nhập và lái xe cũng không thể cầm lái nổi!
Ông Lâm Văn Phấn, chủ nhiệm HTX vận tải liên tỉnh và du lịch Việt Thắng, nhận định việc truy thu đã “đánh” trực tiếp vào người lao động. Hơn nữa, việc truy thu này đã đẩy cái khó cho doanh nghiệp HTX. Theo ông Phấn, các cơ quan chức năng không nên “hồi tố”, truy thu tiền lương của người lao động. Hơn nữa, ngay từ đầu năm nay, các HTX đã phải nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động với mức lương tối thiểu là 2,35 triệu đồng/người theo quy định...
Ngọc Ẩn
tuổi trẻ
|