Xuất khẩu cà phê giảm, vì sao?
Giá cà phê nội địa mất 1 triệu đồng/tấn khi sàn kỳ hạn robusta giảm 48 đô la so với tuần trước. Arabica được bán ra nhiều, giá xuống, kéo theo robusta. Giá giảm, xuất khẩu chậm. Vì mất mùa hay còn duyên do khác?
Cớ sao giá giảm?
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn Liffe NYSE 2 tuần qua (tác giả tổng hợp)
|
Tuy lượng bán ra khá cầm chừng, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên vẫn rớt 1 triệu đồng/tấn, sáng nay thứ Bảy 17-8 chỉ còn 40 triệu đồng hay thấp hơn so với tuần trước 41 triệu đồng/tấn. “Mức này vẫn cao vì so ra, giá loại 2,5% đen vỡ tương đương với giá kỳ hạn. Nếu xuất khẩu phải cộng phí FOB và các chi phí khác, nên giá xuất khẩu loại này phải cộng 60-70 đô la Mỹ/tấn mới đủ sở hụi mà vẫn chưa cộng chi phí của yếu tố rủi ro, phải cộng thêm vài ba chục đô la nữa”, một thương nhân tại Đồng Nai cho biết.
Giá kỳ hạn robusta tại Liffe NYSE sau một tuần giảm 48 đô la Mỹ, đóng cửa khuya hôm qua thứ Sáu 16-8 chốt mức 1.901 đô la/tấn cơ sở tháng 11-2013, đang trở thành tháng giao dịch chính (xin xem biểu đồ trên). Trong khi đó, đầu tuần dù có tin sương giá, sàn arabica New York cuối cùng vẫn giảm 1,95 cts/lb hay chừng 43 đô la Mỹ/tấn.
Đồng real Brazil (BRL) mất giá là tác nhân chính của đợt giảm giá cà phê trên các sàn kỳ hạn tuần qua. Đứng trước một niên vụ mất mùa theo chu kỳ nhưng sản lượng và tồn kho đầu kỳ lớn, chừng 60 triệu bao (60 kg/bao), cộng với đồng BRL mất giá liên tục, hiện nay 1 đô la Mỹ đang ngấp nhé 2,4 BRL so với đầu năm chỉ 2 BRL, Brazil bán ra rất mạnh.
Kho các nước tiêu thụ đang tràn ngập arabica
Hiệp hội Cà phê Hạt của Mỹ (Green Coffee Association – GCA) báo rằng tồn kho cà phê tháng 7-2013 của Mỹ tăng 230.730 bao, đạt 5.432.381 bao. Nếu tính bình quân xê dịch lượng tồn kho cùng thời điểm, từ năm 1989 đến 2012, tồn kho tháng Bảy chỉ tăng 79.397 bao. Riêng tháng 7-2012 tăng 657.162 bao.
Con số báo cáo không bao gồm cà phê đang được chuyển tải trên đường trong nội bộ nước Mỹ và cà phê đang nằm chờ sản xuất tại các hãng chế biến và rang xay. Ước số không tính này chừng 1 triệu bao nữa, vị chi tồn kho trong phạm vi nước Mỹ có thể đạt 6.432.381 bao.
Tồn kho cà phê Mỹ tăng trong bối cảnh lượng xuất khẩu robusta từ Việt Nam và Indonesia giảm do người bán chê giá thấp. Như vậy, tồn kho tăng nhờ Mỹ nhập khẩu mạnh arabica từ Brazil và các nước Trung Mỹ. Với lượng ấy, các hãng rang xay Mỹ có thể sử dụng trong vòng 13 tuần rưỡi, tức đến cuối tháng 10-2013 mà không cần nhập hạt cà phê nào.
Với con số tồn kho hiện có, Mỹ vẫn không thiếu cà phê nếu như vẫn duy trì nhịp độ mua hàng đều đặn. Nói vậy để thấy rằng những dao động mạnh trên thị trường sắp tới nếu xảy ra, ít có khả năng xuất phát từ nhu cầu hàng thực của rang xay nước này mà có thể chủ yếu do đầu cơ tài chính.
Báo cáo tồn kho châu Âu, Mỹ và Nhật, 3 khối nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, có ảnh hưởng nhất định đến giá cả trên sàn kỳ hạn và tại các thị trường nội địa. Trong những tháng gần đây, lượng tồn kho đều tăng khá mạnh nhưng tồn kho thuần robusta lại rớt nhanh.
Nhu cầu thực của rang xay đối với robusta Việt Nam
Tổng cục Hải quan (TCHQ) chỉnh lượng xuất khẩu cà phê tháng 7-2013 lên 90,7 ngàn tấn, tăng 0,78% so với ước báo trước đây. Cũng theo TCHQ, lũy kế lượng xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2013 đạt 887.600 tấn, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, lượng xuất khẩu bình quân hàng tháng đạt 126.800 tấn.
Lượng tồn kho thuần robusta Liffe NYSE trong thời gian từ cuối tháng 12-2012 đến cuối tháng 7-2013 sụt giảm 22.770 tấn. Cứ cho robusta nước ta chiếm 2/3 trong số ấy, rang xay đưa ra sử dụng trong thời gian 7 tháng là 15.180 tấn hay 2.168 tấn/tháng.
Vậy, nay ta có thể ước nhu cầu hàng tháng rang xay thế giới cần hàng robusta của Việt Nam là gần 129.000 tấn nếu lấy con số xuất khẩu của TCHQ cộng với tiêu hao tồn kho thuần robusta của Liffe NYSE trong kỳ. Được biết, hiện nay hầu như không có một lô robusta nào đợi xin chứng nhận. Điều này khẳng định thêm ý kiến của một nhà phân tích thị trường trước đây khi ông ước rằng rang xay sử dụng cà phê nước ta với bình quân hàng tháng từ 125.000 đến 135.000 tấn.
Theo dõi nhu cầu thực của rang xay để điều phối lượng bán ra khi được mùa, sản lượng lớn và trong chừng mực nào đó có thể nhắm được hướng giá khi mất mùa.
Ngành cà phê trong cơn khủng hoảng!
Trong vài tháng gần đây, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm nhanh. Ngoài các yếu tố thời vụ như cuối mùa hay giá cả sàn kỳ hạn kém hấp dẫn, cũng cần nói rằng tình trạng trốn thuế giá trị gia tăng đã đưa giá nội địa tăng cao, cà phê chỉ đi lòng vòng trong nước vì không khớp với giá xuất khẩu. Đồng thời, nợ xấu của ngành cà phê lộ ra càng lúc càng lớn. Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã yêu cầu các doanh nghiệp thành viên phải báo cáo tình hình công nợ lên hiệp hội và Ngân hàng Nhà nước để có biện pháp chấn chỉnh và hỗ trợ trước ngày 15-8.
Theo ước tính của Bộ NN&PTNT, nợ xấu của ngành cà phê đang ở mức 8.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này có thể sẽ cao hơn khi các cơ quan liên quan nhận được báo cáo đầy đủ.
Chính vì thế, vào ngày 14-8, Reuters đã đưa tin rằng ngành cà phê Việt Nam “đang trong cơn khủng hoảng, gặp khó khăn do trốn thuế, quản lý yếu kém, thiếu khả năng thanh toán, lãi suất ngân hàng cao và tín dụng bị thắt chặt.”Do thiếu vốn, các doanh nghiệp cà phê không thể hoạt động bình thường. Âu đó cũng là lý do để lượng xuất khẩu cà phê trong mấy tháng gần đây giảm dưới mức 100.000 tấn/tháng. “Nhiều doanh nghiệp cà phê đang bị kẹt với các khoản nợ lớn nên ngân hàng chẳng muốn cho họ vay thêm”, hãng này viết.
“Thiếu vốn, kẹt nợ ngân hàng, tình trạng mua bán lòng vòng hầu trốn thuế của một số doanh nghiệp bất chính làm đội giá thành lên…có lẽ là lý do chính đáng để xuất khẩu cà phê trong vài tháng mới đây giảm, hơn là yếu tố sản lượng”, một nhà phân tích thị trường tại TP. HCM cho biết.
Đó chính là cơ hội cho Indonesia và Brazil bán hàng ra mạnh làm giảm thị phần của nước xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới, hãng tin này nhận định.
Nguyễn Quang Bình
tbktsg
|