Thứ Năm, 08/08/2013 06:42

Điệp khúc “xù” hợp đồng

Vài tháng đầu năm, giá lúa gạo trong nước rớt thê thảm, thị trường gạo thế giới ảm đạm thì nhà nhập khẩu gạo o ép các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đủ bề và “xù” hợp đồng đến hạn giao hàng. Nay, giá lúa gạo trong nước lẫn xuất khẩu hồi phục nhẹ nhưng vẫn còn ở mức thấp thì tới lượt nhà xuất khẩu trả miếng, “bẻ” hợp đồng.

Hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4, nhằm vào thời điểm thu hoạch chính vụ lúa đông xuân, lượng gạo tồn kho quá lớn mà thị trường nhập khẩu ảm đạm nên giá lúa gạo cả trong nước lẫn thế giới rớt thê thảm. Lúc ấy, các nhà xuất khẩu gạo lo lắng cho việc tìm kiếm khách hàng và ký hợp đồng loại gạo tốt là 5% tấm được 385-390 đô la/tấn là mừng lắm rồi.

Ký xong, lại còn phải dõi theo giá gạo thị trường nội địa, vì lúc đó nhiều khách hàng nước ngoài, nhất là khách hàng đến từ Trung Quốc, vốn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam hiện nay, cứ hễ thấy giá gạo nội địa giảm là họ đòi “xù” hợp đồng.

Kết quả là trong quí 1-2013, khách hàng nhập khẩu Trung Quốc ký mua gạo nhiều nhất, tới 1,5 triệu tấn, nhưng các doanh nghiệp chỉ giao được 600.000 tấn. Thậm chí nhiều khách hàng Trung Quốc còn ngã giá nhập mua gạo mà các doanh nghiệp Việt Nam tính toán thì chỉ tương đương giá thành.

Không một cơ quan hay tổ chức nào đứng ra thống kê nhưng trong một vài cuộc họp của các doanh nghiệp ngành gạo lúc ấy phỏng đoán rằng thương nhân Trung Quốc thấy giá gạo trong nước của ta rẻ và giảm, nên họ “xù” hợp đồng nhập hàng trăm ngàn tấn gạo.

Hơn tháng qua, giá gạo trong nước hồi phục, giá gạo xuất khẩu cũng tăng nhẹ, như gạo 5% tấm kỳ hạn giao tháng 9 hiện là 400- 405 đô la/tấn, thì tới lượt các nhà xuất khẩu trong nước “xù” hợp đồng. Có thông tin chưa được kiểm chứng nói rằng, lượng hợp đồng bị hủy từ đầu năm tới nay đã gần 1 triệu tấn gạo. Nên nhớ, trong 7 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã xuất khẩu (giao hàng) trên 4 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 1,8 tỉ đô la Mỹ.

Chỉ tính riêng trong tháng 7, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết các doanh nghiệp đã hủy hợp đồng, không giao hàng 180.000 tấn, phần lớn hợp đồng bị hủy trong tháng là do giá lên, các doanh nghiệp không giao hàng do bị lỗ so với giá gạo nội địa.

Giải thích lý do “xù” của doanh nghiệp khá đơn giản, nhiều doanh nghiệp lỡ ký hợp đồng giá thấp, các hợp đồng cùng đến hạn giao hàng gần nhau đã tạo nên nhu cầu lớn trong thời gian ngắn hạn, đẩy giá nội địa lên cao trong thời gian ngắn. Đến lúc này, nếu các doanh nghiệp tiếp tục mua gạo nguyên liệu để thực hiện hợp đồng, họ sẽ bị lỗ nếu so với mức giá thấp đã lỡ ký trước đó.

Chẳng hạn hiện nay, giá gạo 5% tấm xuất khẩu chừng 400 đô la nhưng với giá gạo trong nước đang tăng nhanh hơn giá xuất khẩu thì nhà xuất khẩu phải bán trên 410 đô la/tấn mới có lãi. Vậy là “xù”.

Điệp khúc “xù” hợp đồng mua bán gạo với từng doanh nghiệp đơn lẻ thì không nói làm gì, còn đằng này, hàng trăm ngàn tới cả triệu tấn gạo cho cả nước thì lại là chuyện lớn, ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới mà nhiều năm qua, các bộ ngành thường tự hào Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Như đã trở thành quy luật, ngay cả khi chất lượng sản phẩm như nhau nhưng giữa một doanh nghiệp có uy tín trong làm ăn hay một quốc gia có uy tín trong xuất khẩu gạo thì giá cả trên bàn đàm phán thường bao giờ cũng tốt hơn doanh nghiệp có “thành tích xù giao hàng”.

Nhà nhập khẩu bao giờ cũng tính tỷ lệ rủi ro không nhận được hàng vào giá mua. Không chỉ gạo mà còn nhiều mặt hàng nông sản khác như xuất khẩu cà phê, hạt điều, hạt tiêu chẳng hạn. Có thể đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho cùng phẩm cấp nhưng giá chào bán gạo Việt Nam bao giờ cũng thấp hơn gạo của Thái Lan.

Điều đáng nói ở đây là vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lâu nay thể hiện rất rõ nét, nếu không nói là nhiều quyền lực trong điều hành xuất khẩu gạo, từ ban bố giá sàn (hay giá định hướng), cử doanh nghiệp hội viên đàm phán, đấu thầu xuất khẩu với các hợp đồng tập trung, xác nhận hợp đồng để các lô hàng gạo được thông quan, phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ, phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu cho các doanh nghiệp với hợp đồng gạo tập trung…

Thế nhưng chuyện doanh nghiệp trong nước “xù” giao hàng cho khách nước ngoài diễn ra từ đầu năm tới nay và nhất là hiện nay, khi giá gạo bắt đầu hồi phục lại, thì chưa thấy VFA ra tay và có biện pháp khả dĩ để bảo vệ thanh danh cho hạt gạo Việt Nam, với những quyền mà VFA đã có như đã nói ở trên.

Thực ra, chuyện nhà xuất khẩu nông sản “xù” giao hàng cũng đã xảy ra nhiều nhưng có hiệp hội như Hiệp hội điều Việt Nam vào năm 2008 đã thể hiện vai trò của mình khi có một số nhà nhập khẩu tuyên bố kiện các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam vì “xù” hợp đồng.

Hiệp hội điều đã gửi thông báo tới khách hàng, thống kê số lượng hợp đồng, khối lượng hàng giao, làm trung gian để người mua và bán gặp nhau thương lượng lại giá cả hay thời gian giao giao hàng sao cho tránh thiệt hại cả hai. Đó chính là vai trò hỗ trợ cho doanh nghiệp hội viên lúc khó khăn của hiệp hội.

Hồng Văn

TBKTSG

Các tin tức khác

>   DN hồ tiêu cần thận trọng trong ký kết xuất khẩu (07/08/2013)

>   Đã xuất khẩu hơn 4 triệu tấn gạo (07/08/2013)

>   Doanh nghiệp nhỏ "mượn" giấy phép để xuất khẩu gạo: Ai chịu thiệt? (05/08/2013)

>   Cà phê bao giờ hết ăn đong? (05/08/2013)

>   Kéo dài thời hạn cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ hè thu năm 2013 (04/08/2013)

>   Cà phê Việt: Doanh nghiệp nội ngậm đắng (02/08/2013)

>   Thành lập ban điều phối ngành cà phê (02/08/2013)

>   Châu Á loay hoay với “cơn bội thực” gạo (01/08/2013)

>   Nhiều DN đang chờ được cấp phép xuất khẩu gạo (31/07/2013)

>   Nông sản sẽ rộng cửa vào Mỹ (30/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật