Thứ Hai, 26/08/2013 14:29

VAMC - Quyết sách cho chặng đường dài

VAMC đã chính thức hoạt động và dư luận bắt đầu “soi” xem cơ quan này sẽ làm được những gì, làm như thế nào… để góp phần xử lý nợ xấu (XLNX). Với kỳ vọng VAMC sẽ hoạt động đáp ứng được mong đợi của Chính phủ, NHNN, các TCTD và những đối tượng trong và ngoài nước quan tâm. Thời báo Ngân hàng xin giới thiệu cùng bạn đọc ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này.

Ông Sameer Goyal - Chuyên gia tài chính cao cấp, điều phối viên về tài chính và phát triển khu vực tư nhân ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam:

VAMC cần chủ động làm việc với các NHTM

Liên quan đến vấn đề XLNX, cho đến lúc này chúng ta thấy có những biến chuyển tích cực khi đã có những cam kết và bước đi cụ thể được triển khai như việc thành lập và đi vào hoạt động của VAMC. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra cho VAMC liên quan đến các yếu tố như: hành lang pháp lý cho mua bán nợ xấu; quy mô nợ xấu thực tế; vốn để XLNX của VAMC, cơ chế tham gia của VAMC; nguồn nhân lực của VAMC; cách thức giải quyết các khoản nợ xấu liên quan đến DNNN…

Trước mắt, tôi cho rằng VAMC cần tập trung giải quyết 3 vấn đề: Thứ nhất, VAMC cần làm rõ các thủ tục và tiến trình trong XLNX của các NHTM. Thứ hai, làm việc với NHNN để có con số rõ ràng về những khoản nợ xấu có thể chuyển giao về VAMC; Thứ ba, làm việc với các NHTM về thời điểm VAMC có thể tiếp cận mua về và quản lý các tài sản này. Trong đó, điều quan trọng nhất là VAMC và các NHTM cần thống nhất được việc chuyển giao và lộ trình thực hiện việc chuyển giao đó.

Ở các nước khác, AMC không thể chỉ thông qua Cơ quan thanh tra giám sát để xử lý mà phải chủ động làm việc trực tiếp với các TCTD có vấn đề để tìm cách XLNX hiện tại. Với VAMC cũng vậy, tôi nghĩ không nên ngồi một chỗ chờ đợi người ta mang nợ đến bán mà VAMC cần chủ động đến làm việc với các TCTD để bàn cách giải quyết hợp lý nhất.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn nợ xấu trong tương lai, công tác thanh tra giám sát cần được tăng cường để đảm bảo các TCTD không đưa ra các quyết định tín dụng sai lầm mới. Trong đó, nên nghiên cứu áp dụng tiêu chí xếp loại nợ xấu theo các quy định mới sát với thông lệ quốc tế để phòng ngừa và ngăn chặn nợ xấu một cách toàn diện.

TS. Võ Trí Thành – Viện phó Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

DN đặc biệt cần cơ chế đặc biệt

Cơ chế hoạt động của VAMC đang được bàn tán sôi nổi, thậm chí là chủ đề hấp dẫn của chuyên gia. Có ý kiến cho rằng, việc dùng hình thức ít tiền, thậm chí “không tiền” lại xử lý nhiều tiền là giải pháp thông minh và ngược lại. Cá nhân tôi thấy đây là giải pháp, động thái tích cực. Bản thân VAMC chưa thể làm quá mạnh thời điểm này do họ còn phải thăm dò phản ứng thị trường, chỉnh sửa cách làm trong tương tác với thị trường.

Khác với các nước khi XLNX có thể bơm một lượng tiền, ở đây, NHNN không được quyền in tiền, dùng tiền ngân sách để mua nợ. Do vậy, NHNN phải phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu giúp rủi ro của các NHTM giãn ra. Bởi trong vòng 5 năm, dù khi VAMC không tự bán được khoản nợ xấu của họ thì mỗi năm họ đã thực hiện trích lập đề phòng rủi to (DPRR) 20% cho khoản nợ đó. Với cách thức này, nói nôm na nợ xấu trong bảng cân đối tài sản của các NHTM được “bốc” ra khỏi bảng cân đối, giúp dòng vốn lưu thông tốt hơn.

Có ý kiến lập luận như vậy có thể lợi cho NHTM nếu các khoản nợ được đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì các NHTM cũng sẽ phải trích lập DPRR nhiều hơn, nên tôi nghĩ không nhiều ngân hàng làm điều này. Hoặc nói rằng VAMC không có rủi ro khi mua nợ xấu của các NHTM cũng không đúng, bởi không loại trừ sau 5 năm có ngân hàng bị phá sản, đổ vỡ. Dù sao tôi hy vọng khả năng đổ vỡ trên không xảy ra.

Để VAMC trở thành công cụ hữu hiệu trong XLNX, cần phải tăng quyền hơn nữa cho tổ chức này. Theo đó, phương thức, cách thức xử lý tài sản, bán tài sản, đấu giá tài sản phải có cơ chế riêng tạo điều kiện thuận lợi cho VAMC. Bởi VAMC là DN đặc biệt cũng cần có cơ chế đặc biệt. Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng nữa là cũng cần đặc biệt quan tâm là VAMC không thể thành công nếu không đi kèm tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) một cách quyết liệt vì chúng ta đều biết một khối lượng lớn nợ xấu nằm tại các DNNN. Do vậy, đây phải là ưu tiên hàng đầu và cần quyết tâm rất lớn.

Nếu không nỗ lực, VAMC sẽ chỉ trở thành nơi gom giữ nợ xấu và không thể xử lý triệt để nợ xấu. Muốn vậy, VAMC phải có đủ quyền năng để xử lý nợ. Trước mắt, VAMC cần sự hỗ trợ đội ngũ chuyên gia giỏi về nghiệp vụ chuyên môn, hội tụ đủ “tâm” và “tài” trong thực hiện các công việc có liên quan. Điều quan trọng không kém nữa là làm thế nào tăng hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại tham gia mua nợ xấu. Trong đó, cần thông điệp rõ ràng về chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và các vấn đề liên quan đến cơ chế hoạt động minh bạch, giám sát pháp lý và nới “room” cho họ.

TS. Alan Phạm - Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital

Hãy bắt đầu với những gì mình có

Nhiều chuyên gia, nhất là các chuyên gia nước ngoài cứ muốn mọi việc phải hoàn chỉnh thì mới bắt đầu khởi động quy trình XLNX, bởi quan điểm cho rằng “phải đặt cày phía sau chứ không phải trước mũi con trâu”. Mọi người muốn phải có được con số chính xác về tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đang là bao nhiêu, nằm cụ thể ở mỗi TCTD thế nào; bao nhiêu ngân hàng đang có nợ xấu trên mức 3%... thì mới bắt tay vào xử lý được.

Tôi thì nghĩ rằng, với những số liệu về nợ xấu mà chúng ta đã nắm được và những món nợ xấu lớn của DNNN hoặc các đối tượng khác đang có thế chấp bằng BĐS mà NHNN đã biết thì giờ là lúc nên tập trung giải quyết. Chứ cứ ngồi đợi mọi thứ phải hoàn chỉnh, phải sẵn sàng mới bắt đầu khởi động thì sẽ rất khó, có thể làm chậm tiến trình XLNX và cả quá trình tái cơ cấu các TCTD.

Tất nhiên cùng với quá trình khởi động đó, để VAMC hoạt động hiệu quả thì các bên liên quan cần nhanh chóng dành các nguồn lực để giải quyết các vấn đề như: khung khổ pháp lý; đội ngũ nhân sự bậc trung, bậc dưới của VAMC - những người trực tiếp tiến hành các công việc XLNX; các cách thức khuyến khích các NHTM bán nợ cho VAMC; xây dựng thị trường mua bán nợ xấu…

Đặc biệt, về vấn đề pháp lý, một trong những việc cần làm ngay là làm rõ vai trò của nhà đầu tư nước ngoài được tham gia như thế nào, khi mua nợ xấu vướng vấn đề room sở hữu ra sao?; họ có quyền chuyển đổi nợ xấu đó thành cổ phiếu hay có thể trở thành thành viên của Ban quản trị NHTM đó hay không?… Điều này rất quan trọng xét trong bối cảnh nhà đầu tư trong nước có lẽ không đủ nguồn lực để mua hết các nợ xấu này.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy các NHTM bán nợ xấu cho VAMC thì có lẽ việc đầu tiên lúc này là nên bắt đầu một vài giao dịch về mua bán nợ xấu cụ thể. Sau đó, công bố việc mua bán này ra bên ngoài để dư luận thấy có những tiến triển cụ thể trong tiến trình mua bán nợ xấu của VAMC. Ngoài ra, để khuyến khích NHTM bán nợ, VAMC có thể xem xét, giảm bớt tỷ lệ thế chấp bằng BĐS xuống, chẳng hạn xuống mức 50% (hiện quy định nợ xấu phải có thế chấp tối thiểu 65% bằng bất động sản - PV).

Đỗ Lê – Thanh Huyền

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Phó tổng Vietinbank được bổ nhiệm Chánh Văn phòng NHNN (26/08/2013)

>   Cổ phiếu Techcombank có quá đắt? (26/08/2013)

>   Cho vay: Đừng nhìn vào bất động sản thế chấp (26/08/2013)

>   Sức khỏe ngân hàng nay ra sao? (26/08/2013)

>   Vì sao tín dụng đen bùng phát ở nông thôn? (25/08/2013)

>   Gián tiếp cho vay không khách quan (25/08/2013)

>   Đề xuất doanh nghiệp phải chịu thuế lãi tiền gửi ngân hàng (25/08/2013)

>   Tuần qua, NHNN đã bơm ra 6.512 tỷ đồng (25/08/2013)

>   Gian nan vay gói 30.000 tỉ đồng (25/08/2013)

>   Vụ vỡ nợ tại Lạng Sơn: Liệu ngân hàng có mất vốn? (24/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật