Nguyên nhân của tình trạng này là do sự thiếu chặt chẽ trong một số khâu của hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là tại khâu giao dịch khiến nhân viên giao dịch có thể lợi dụng, hoặc là kẽ hở trong hệ thống bảo mật thông tin trong nội bộ ngân hàng. Một số cán bộ quản lý và nhân viên ngân hàng cả tin, dễ dãi, không thực hiện đúng quy trình công tác theo quy định của khách hàng nên bị đồng nghiệp lợi dụng để hoạt động phạm tội. Đối với khách hàng gửi tiền, một số người thiếu cẩn trọng hoặc quá cả tin nên đã không kiểm tra chữ ký, không thực hiện đúng các quy định về giao dịch tiền tệ khi gửi hoặc rút tiền, sử dụng séc, không kiểm tra tài khoản thường xuyên... đã bị một số đối tượng xấu lợi dụng.
Gần đây xuất hiện tình trạng các thành viên góp vốn ngân hàng, sau đó thành lập nhiều công ty “sân sau” để phát hành trái phiếu cổ phiếu. Các đối tượng này dùng quyền chi phối tại ngân hàng để đưa trái phiếu, cổ phiếu của công ty con thế chấp, cầm cố rút vốn ngân hàng lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cũng bằng hình thức này, nhiều đối tượng tiếp tục mang tiền đi mua cổ phần của ngân hàng khác dẫn đến tình hình tài chính ngày càng mất kiểm soát. Hoạt động này gọi là sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng.
Cần kiểm soát chặt
Từ 30 vụ việc, vụ án nổi cộm xảy ra trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, có liên quan đến hoạt động tại 15 ngân hàng; trong số 117 bị can, có 81 bị can là cán bộ ngân hàng (chiếm tỷ lệ 69,2%) và số còn lại là các đối tượng ngoài ngành ngân hàng đã thông đồng cùng các cán bộ trong các ngân hàng phạm tội; thiệt hại ước tính ban đầu là 11.565 tỷ đồng, 8.000 USD và 3.370 lượng vàng.
Tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng nghiêm trọng như vậy, nhưng thực tế cho thấy hệ thống thanh tra trong lĩnh vực này dường như tê liệt. Qua các vụ án tham nhũng, chỉ một vụ được phát hiện từ hệ thống này, còn lại do đơn tố cáo và từ việc mở rộng điều tra. Hầu hết các vụ vi phạm chỉ được phát hiện khi đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng, mặc dù các cơ quan điều tra tích cực điều tra, áp dụng các biện pháp nhằm thu hồi lại tài sản đã bị chiếm đoạt nhưng kết quả hầu như không đáng kể.
Các ngân hàng thương mại cần có những động thái rà soát và chấn chỉnh lại quy trình công tác, bịt kín những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cấp hệ thống phần mềm tự động quản lý tiền.
Để khắc phục tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép thành lập các ngân hàng thương mại nhỏ, kiểm soát, thanh tra toàn diện hoạt động của các ngân hàng là “sân sau” của các tổ chức, tập đoàn kinh tế chiếm phần vốn chi phối. Đồng thời, phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị ngân hàng để xảy ra tham nhũng.