Thứ Tư, 14/08/2013 09:30

Ngân hàng gia đình trị và khoảng rộng “sân sau”

Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) là trường hợp điển hình trong lĩnh vực ngân hàng có số lượng thành viên “người nhà” lấn lướt trong HĐQT. Ngân hàng cũng có khoản cho vay “sân sau” khủng, chiếm gần cả 20% tổng dư nợ cho vay và tương đương 36% vốn tự có của ngân hàng.

Cũng cần lưu ý, theo quy định về giới hạn cấp tín dụng của Luật các Tổ chức tín dụng 2010, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại.

“Bà cố vấn”

Ngân hàng NamABank ra đời từ năm 1992, gắn liền với tên tuổi của bà Trần Thị Hường (hay thường gọi là Tư Hường). Cá nhân bà từng nắm giữ đến 13.09% vốn của ngân hàng hồi năm 2007. Bà Hường đảm nhận vị trí Cố vấn HĐQT NamABank đã nhiều năm, trong đó cũng có khoảng thời gian con trai bà là ông Nguyễn Quốc Toàn tham gia cùng mẹ trong ban cố vấn của ngân hàng.

Tuy bà Hường không trực tiếp tham gia vào đội ngũ quản lý và điều hành, nhưng khi nhắc đến NamABank thì tên tuổi của bà thường được biết đến nhiều hơn tất cả những thành viên khác trong HĐQT và Ban điều hành. Điều này cũng cho thấy vai trò “đặc biệt” quan trọng của bà đối với NamABank.

Bà Trần Thị Hường - bà Nguyễn Thị Xuân Loan - ông Nguyễn Quốc Mỹ - ông Huỳnh Thành Chung

Có thể thấy, cố vấn HĐQT trong những trường hợp thông thường được hiểu là người giữ vai trò tư vấn, hỗ trợ và góp ý cho HĐQT nhưng không có bất kỳ quyền quyết định hay chi phối nào cả. Tuy nhiên, một khi họ nắm lượng lớn cổ phần thì định nghĩa này có lẽ sẽ tự điều chỉnh?! Bởi họ có thể chi phối và quyết định những vấn đề then chốt của ngân hàng trong quan hệ đối vốn của công ty cổ phần.

Ngoài ra, cũng tương tự như Hội đồng sáng lập (một khái niệm trở nên “nổi tiếng” sau vụ bầu Kiên ở ACB), ban cố vấn nằm ngoài cơ cấu tổ chức theo quy định pháp lý và không phải chịu những quy định ràng buộc của pháp luật dành cho những cá nhân tham gia quản trị ngân hàng.

“Người nhà” chi phối HĐQT?

Với gia đình bà Tư Hường, tuy bà không tham gia trực tiếp vào HĐQT nhưng những người con trong gia đình lần lượt tiếp quản các vị trí nóng tại NamABank.

Chức danh Chủ tịch HĐQT và Phó Chủ tịch HĐQT hiện nay do hai người con là bà Nguyễn Thị Xuân Loan và ông Nguyễn Quốc Mỹ đảm nhận. Trong giai đoạn trước đó, từ 2004 đến tháng 4/2011, ông Nguyễn Quốc Mỹ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT trước khi chuyển giao cho em gái Nguyễn Thị Xuân Loan.

Con rể bà Hường – ông Huỳnh Thành Chung (chồng bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc) đang là Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng. Ông cũng đã từng kênh qua vị trí Chủ tịch HĐQT của NamABank trong gần 1 năm (từ 07/2007 đến 04/2008).

Ngoài ba người con đã kể trên, một nhân vật khác có mối quan hệ rất gần với gia đình bà Tư Hường cũng có mặt trong HĐQT NamABank. Ông Phan Đình Tân, Thành viên HĐQT NamABank đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Hoàn Cầu (là công ty thuộc sở hữu của vợ chồng bà Tư Hường, ông Tân đã làm Tổng giám đốc tại đây từ năm 1990) (*).

Như vậy, dựa trên những thông tin công bố rộng rãi thì trong 7 thành viên HĐQT của NamABank hiện nay đã có hơn phân nửa thành viên có mối quan hệ mật thiết với bà Tư Hường, chưa kể đến vai trò then chốt của bà Hường trong vị trí cố vấn.

Đối với hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần, bất cứ ai cũng có thể biết được vai trò to lớn của HĐQT. Đây là bộ phận có quyền quyết định các vấn đề quan trọng về hoạch định chiến lược kinh doanh, chính sách đầu tư, mua bán tài sản có giá trị lớn, bảo lãnh, cấp tín dụng cho khách hàng.

Theo Điều lệ hoạt động của NamABank, tại các cuộc họp HĐQT, mỗi thành viên sẽ có một phiếu biểu quyết. Quyết định của HĐQT sẽ được thông qua theo nguyên tắc quá bán với ít nhất 51% thành viên HĐQT chấp thuận. Nếu số phiếu ngang nhau thì quyết định cuối cùng sẽ thuộc về phía có ý kiến của Chủ tọa.

Như vậy, với các quyết định thuộc thẩm quyền của HĐQT NamABank, xét về quan hệ đối nhân thì khó có ai có thể thay đổi các quyết định từ nhóm cổ đông này.

Trong giai đoạn trước năm 2010, HĐQT của NamABank chỉ gồm 4 thành viên là 4 nhân vật có quan hệ mật thiết, mang tính gia đình trong HĐQT đương nhiệm ở trên (bà Loan, ông Mỹ, ông Chung và ông Tân). Từ năm 2010, khi Luật các Tổ chức tín dụng ra đời và có hiệu lực từ năm 2011 với quy định cá nhân và người có liên quan không được vượt quá 1/3 tổng số thành viên HĐQT của một TCTD là CTCP thì HĐQT của NamABank đã nâng lên 6 người trong năm 2011 và lên 7 người trong năm 2012 nhưng dường như mọi thứ không có gì thay đổi xét về quan hệ đối vốn và cả đối nhân.

Khoảng rộng “sân sau”

Với số lượng người nhà trong HĐQT lấn lướt và hệ thống công ty có liên quan, hoạt động cho vay sân sau của NamABank cũng được xếp vào “hàng khủng”.

Vì BCTC kiểm toán các năm mà NamABank công bố trên website đều không công khai phần Thuyết minh báo cáo tài chính nên người viết không thống kê được về những khoản vay “sân sau” qua các năm. Tuy nhiên, theo BCTC kiểm toán năm 2012 bản đầy đủ mà người viết có được, tính đến cuối năm 2012, NamABank có tổng các khoản cho vay đối với các công ty có liên quan đến thành viên HĐQT ngân hàng là 1,192 tỷ đồng, chiếm hơn 19% tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng này, tương đương 36% vốn tự có của ngân hàng (vốn điều lệ và các quỹ 3,277 tỷ đồng).

Cũng cần lưu ý, theo quy định về giới hạn cấp tín dụng của Luật các Tổ chức tín dụng 2010, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại. Trong khi đó, tỷ lệ này tại NamABank đã lên đến con số 36%.

Nếu tính tổng cộng cho vay, repo cổ phiếu, hợp tác đầu tư… với các bên liên quan thì con số này lên gần 2,000 tỷ đồng. Trong đó cho vay gần 1,192 tỷ đồng, repo cổ phiếu hơn 213 tỷ đồng, đầu tư và tạm ứng hợp tác đầu tư 506 tỷ đồng đối với các cá nhân, công ty liên quan.

Ngoài ra, tính đến cuối năm 2012, tổng cộng khoản phải thu đối với các bên liên quan của NamABank ở mức 1,911 tỷ đồng trong khi phải trả chỉ có 149 tỷ đồng. Như vậy, phải thu ròng từ các bên liên quan là 1,762 tỷ đồng và chiếm lần lượt 11% tổng tài sản, 54% vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Tuy nhiên, những thông tin về lãi suất cho vay và các công ty được vay… đều không được công bố.

* Đón đọc: Gia đình Chủ tịch NamABank có vượt tỷ lệ sở hữu cho phép?

----------------------------------

(*) Tập đoàn Hoàn Cầu

Tập đoàn Hoàn Cầu thành lập từ năm 1993, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản… Hoàn Cầu có hơn 11 dự án đã được đầu tư vào khu đô thị mới, trung tâm thương mại, cao ốc, Diamond Bay Resort & Golf.

Hoàn Cầu có vốn điều lệ gần 323.2 tỷ đồng, do bà Hường cùng chồng là ông Nguyễn Chấn góp toàn bộ vốn và đang giữ chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch tại đây.

Tổng giám đốc của Hoàn Cầu là ông Phan Đình Tân. Ông giữ chức vụ này từ năm 1990, ngoài ra ông còn là Thành viên HĐQT của NamABank từ năm 2003. (Theo giấy phép đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 08/05/2010 của Tập đoàn Hoàn Cầu).

Đan Thanh

infonet

Các tin tức khác

>   Vàng Bạc Đá Quý Phương Nam: Khi ông Trầm Bê “gom” cổ phần! (13/08/2013)

>   CLG: BCTC CTY MẸ Q2-2013 (13/08/2013)

>   ASM: Lãi sau thuế quý 2 giảm 60% cùng kỳ (13/08/2013)

>   VNM: BCTC RIÊNG và HN SX 6 tháng 2013 (13/08/2013)

>   TRA: EPS 6 tháng đầu năm đạt 6,190 đồng (13/08/2013)

>   TMP: BCTC RIÊNG Q2-2013 (13/08/2013)

>   TMP: 6 tháng đầu năm đạt 73% kế hoạch lãi sau thuế (13/08/2013)

>   TIX: BCTC TH Q3-2013 (13/08/2013)

>   TIX: Lãi ròng hợp nhất 9 tháng đạt 74% kế hoạch năm (13/08/2013)

>   TAC: BCTC SX 6T-2013 (13/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật