Tiền và sản lượng - Tiêu chí nào tốt?
Tờ báo Kinh tế Trung Quốc mới đây đăng bài viết với cái tít gây chú ý: “Vì sao giá nông sản phẩm của Mỹ rẻ hơn Trung Quốc nhiều?”. Bài báo có những so sánh thú vị.
Sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc theo kiểu tự cấp tự túc, lấy an ninh lương thực làm chủ đạo, chú trọng tăng sản lượng, mỗi diện tích đất phải cho bao nhiêu cân thóc?
Mỹ là nước công nghiệp phát triển nhưng vẫn nhấn mạnh “Dĩ nông lập quốc”. Sản xuất nông nghiệp của Mỹ lấy kinh doanh làm chủ đạo, đầu vào một diện tích đất là 1 USD thì đầu ra sẽ được bao nhiêu USD?
Nông dân Mỹ hiện khoảng 4,5 triệu người, chiếm gần 2% dân số. Trên 30% nông dân Mỹ có trình độ đại học, hơn 50% số này có trình độ trên đại học. Hàng năm, Mỹ sản xuất lượng hàng nông sản thực phẩm trị giá tới 547 tỷ USD cung cấp cho 250 triệu dân trong nước, đồng thời xuất khẩu khối lượng lớn (năm 2013 dự kiến xuất khẩu 145 tỷ USD). Thịt bò Mỹ chiếm 1/4, ngũ cốc, sữa bò, trứng chiếm 1/5 thị trường thế giới... Mỹ đã giải bài toán sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh doanh và xuất khẩu.
Giáo sư Đổng Thời Tiến, nhà kinh tế nông nghiệp Trung Quốc, cho rằng: Với chính sách an ninh lương thực hiện thời, Trung Quốc phải nhập siêu lương thực. Thực tế, Trung Quốc là nước nhập khẩu hàng nông sản lớn nhất thế giới. Mỹ cũng trợ cấp cho nông nghiệp, như từ năm 2002- 2012 đã trợ cấp 190 tỷ USD, trung bình mỗi năm 19 tỷ USD. Song, Mỹ trợ cấp cho nông nghiệp để dân được hưởng giá nông sản rẻ. Trung Quốc hỗ trợ cho nông nghiệp, nhưng dân vẫn luôn chịu giá nông sản cao, nhất là khi thời tiết bất thuận.
Điểm khác biệt rất cơ bản: Cùng một diện tích đất, Trung Quốc phải “ra bao nhiêu thóc”, còn Mỹ cần “ra bao nhiêu tiền”?
Minh Hạnh
Báo công thương
|