Chủ tịch Quốc hội: “Cấp phép (khoáng sản) thế này thì chết rồi"
Nếu bộ chậm trễ, thiếu tích cực trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân thì Bộ trưởng sẽ bị Thủ tướng phê bình, cảnh cáo, còn tỉnh nào thiếu tích cực thì chủ tịch tỉnh phải bị kỷ luật.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội
|
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang đã trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20-8 .
“Chúng tôi rất lo lắng”
Theo chỉ tiêu được nghị quyết của Quốc hội đặt ra thì đến ngày 31-12-2013 phải căn bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những trường hợp được cấp lần đầu.
“Chúng tôi hết sức lo lắng bởi cuối năm mà không đạt chỉ tiêu Quốc hội đưa ra thì rất gay go. Đây là vấn đề chúng tôi mới hứa một lần nhưng người tiền nhiệm đã hứa mấy lần rồi. Mục tiêu là cấp 85% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải bày.
Ông Quang cho biết mặc dù đặt quyết tâm rất cao nhưng đến nay vẫn có 18 địa phương triển khai chậm. Lý do là ở các địa bàn thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên đất đai rộng lớn, việc đo vẽ bản đồ địa chính rất khó khăn, trong khi các tỉnh này hầu như không có nguồn thu từ đất. Nhưng cũng có cả nguyên nhân từ sự thiếu tích cực của chính quyền địa phương.
“Nếu chậm thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội nhưng việc cấp giấy thì diễn ra ở địa phương. Tôi cho rằng việc này phải sòng phẳng, nếu bộ thiếu tích cực thì bộ trưởng sẽ bị Thủ tướng phê bình, cảnh cáo, còn tỉnh nào thiếu tích cực thì chủ tịch tỉnh đó phải bị kỷ luật” - Bộ trưởng nói.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) thì cho rằng việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chủ yếu do vướng mắc về thu tiền sử dụng đất. Cụ thể, nghị định 120 của Chính phủ quy định buộc phải đóng 40% tiền sử dụng đất trong hạn mức và 100% ngoài hạn mức.
“Tại tỉnh Đồng Nai, không ít diện tích đất của người dân đã sử dụng ổn định từ năm 1993 trở về trước, có giấy tờ hợp lệ do quân đội chứng nhận, nhưng vẫn bị thu tiền khi cấp giấy chứng nhận. Đây là việc trái với quy định của Luật đất đai nên người dân không chịu” - ông Vở cho hay.
Cấp phép khoáng sản: sai phạm tràn lan
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) chất vấn: Từ khi Luật khoáng sản có hiệu lực đến nay (2 năm), bộ đã cấp 17 giấy phép, các địa phương cấp 957 giấy phép thăm dò, khai thác. Nhưng trong số 957 giấy phép thì có quá nửa vi phạm như cấp phép không qua đấu giá, cấp không đúng thẩm quyền, không có đánh giá tác động môi trường…
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết: Qua thanh tra, kiểm tra vừa rồi thì phát hiện 103 giấy phép cấp không đúng thẩm quyền, 37 giấy phép cấp khi chưa có quy hoạch được duyệt, 52 giấy cấp cho đối tượng không có ngành nghề kinh doanh chính là khai thác khoáng sản, 29 cấp khi chưa có đánh giá tác động môi trường, 196 cấp khi chưa có đánh giá trữ lượng…
“Chúng tôi đã báo cáo tình trạng này tại phiên họp Chính phủ, Chính phủ đã có yêu cầu chấn chỉnh, thu hồi lại đối với những giấy phép cấp không đúng quy định. Thủ tướng yêu cầu đến ngày 30-11 Chủ tịch UBND các tỉnh phải báo cáo kết quả xử lý” - ông Quang cho hay.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đặt vấn đề: “Sai phạm tràn lan như vậy, làm ảnh hưởng nặng nề tới môi trường như vậy thì có tiêu cực, tham nhũng trong cấp phép khai thác khoáng sản không? Vậy bộ trưởng có đặt vấn đề địa phương nào quản lý không tốt, vi phạm pháp luật thì người chịu trách nhiệm phải từ chức không?”.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời: “Đại biểu hỏi sai phạm trong cấp phép khoáng sản có tiêu cực không? Cái này phải hỏi địa phương mới biết được, vì họ cấp phép”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận: “Cấp phép thế này thì chết rồi. Hơn 900 cái giấy phép mà quá nửa là vi phạm. Vậy thanh tra ở đâu, kiểm tra, giám sát ở đâu? Sai phạm như vậy mà không ai bị xử lý. Bộ trưởng nói phải hỏi địa phương mới biết nhưng tôi tin là có tiêu cực đấy”.
Lê Kiên
tuổi trẻ
|