Thị trường EU: Hàng Việt vẫn có lợi thế
Dự báo, kinh tế EU đang dần hồi phục nên khả năng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Da giày vẫn là mặt hàng "ăn khách" tại EU
|
Tính tương hỗ cao
7 tháng đầu năm, kim ngạch XNK giữa Việt Nam và EU đạt 19 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Việt Nam đang xuất siêu với kim ngạch 13,5 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Song, cũng có những mặt hàng xuất khẩu sang EU giảm: Dệt may giảm 0,7%, đạt 1,35 tỷ USD; thủy sản giảm 10,73%, xuống còn 561,89 triệu USD. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, tính đến hết tháng 6/2013, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang EU giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, tôm giảm 1,5%, mực, bạch tuộc giảm tới 39,4%. Ngoài ra, cà phê giảm 7,78%, hạt điều giảm 14,65%, cao su giảm 16,54%...
Dù đã có một số mặt hàng giảm trong 7 tháng qua, nhưng theo các chuyên gia, điều đáng mừng là đến nay hàng hóa XNK giữa Việt Nam và EU hầu như không có sự cạnh tranh với nhau, trái lại còn mang tính tương hỗ khá cao. Việt Nam chủ yếu nhập từ EU máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu, hóa chất, sắt thép...; xuất sang EU các mặt hàng truyền thống như: dệt may, giày dép, cà phê, đồ gỗ... Vì thế, hai bên vẫn có thể tăng nhập khẩu hàng hóa của nhau để đáp ứng nhu cầu.
Còn nhiều lợi thế
Trong các tháng cuối năm, dự báo hàng hóa Việt Nam sẽ còn tăng hơn nữa vào thị trường EU, dựa trên việc các nước khu vực Tây Âu như Đức, Anh, Hà Lan.. đã tăng nhập hàng Việt Nam trong 7 tháng qua. Đáng chú ý, một số thị trường có kim ngạch nhập khẩu tăng cao: Áo tăng 121,23%, Slovenia tăng 49,62%, Luxembua tăng 59,49%, Lítva tăng 50,65%... Bên cạnh đó, các nước Đông Âu cũng đang trên đà hồi phục kinh tế nên cũng sẽ tăng nhập hàng hóa, trong đó sẽ có hàng hóa từ Việt Nam. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho biết, Đông Âu đã vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất và dự báo năm 2013 chỉ còn Croatia và Slovenia suy thoái, so với 8 nước năm ngoái.
Hiện hàng hóa Việt Nam sang EU vẫn có lợi thế nhờ sự hỗ trợ của hành lang pháp lý GSP (Ưu đãi phổ cập thuế quan). Ông Franz Jessen- Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam - cho biết, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao của Việt Nam vào EU có đóng góp của các sản phẩm xuất khẩu được hưởng GSP và gần 49% kim ngạch xuất khẩu hàng da giày của Việt Nam vào EU được hưởng lợi từ mức thuế quan ưu đãi trong khuôn khổ GSP.
Các doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm cách thâm nhập sâu vào chuỗi phân phối ở EU, vì hình thức kinh doanh theo chuỗi đang phát triển mạnh tại thị trường EU. |
Từ năm 2014 trở đi, một số sản phẩm xuất khẩu khác của Việt Nam cũng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các quy định GSP mới. Xa hơn, hàng Việt Nam vào EU còn có thêm lợi thế là Hiệp định Thương mại tự do song phương (EVFTA). Dự kiến, hai phía sẽ kết thúc đàm phán EVFTA vào năm 2014. Lúc đó khả năng tiếp cận thị trường EU của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng mạnh hơn do 90% dòng thuế của các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường EU được giảm còn 0%.
Đối với các tiêu chuẩn, quy định khắt khe nhằm bảo vệ sức khỏe con người, môi trường của EU như REACH, ISO 9000, 14000, SA 8000, Wrap..., các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết đã chuẩn bị và đáp ứng được. Đơn cử trong ngành gỗ, ngoài việc thực thi những điều khoản trong quy định REACH, các doanh nghiệp còn phải bảo đảm những quy định theo Đạo luật Lacey, FLEGT. Theo ông Đặng Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ - Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), các doanh nghiệp lớn trong ngành gỗ đã thực hiện tốt.
Ngọc Long
Báo công thương
|