Chủ động đầu tư thép không sợ giá điện
Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - Đỗ Duy Thái cho rằng quy mô sản xuất manh mún làm cho DN thép đối mặt với chi phí đầu vào.
Sự kiện giá điện tăng thêm 5% mới đây có tác động đến các DN sản xuất thép như thế nào, thưa ông?
Phải nói thời gian qua ngành thép đã phải chịu sức ép khá lớn từ việc suy giảm nhu cầu sử dụng ở trong nước do sự ảm đạm của thị trường bất động sản. Trong khi thị phần xuất khẩu bị thu hẹp vì vướng vào một số vụ kiện chống bán phá giá ở nước ngoài. Kéo theo hàng tồn kho tăng trong khi chi phí đầu vào bao gồm: giá xăng dầu, giá điện chiếm một phần không nhỏ lại liên tục tăng, khiến các DN vô cùng khốn đốn.
Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, trung bình để luyện ra một tấn thép cán sẽ phải tiêu tốn khoảng 400 – 550kW điện, với một nhà máy sản xuất có sản lượng khoảng 300.000 – 400.000 tấn/năm thì chỉ cần tăng 1% giá điện thôi cũng đã tăng thêm một phần không nhỏ trong chi phí giá thành của sản phẩm thép.
Vì vậy, hiện nay phần lớn các DN thép đều đang sản xuất cầm chừng, chạy khoảng 50% - 60% công suất nhà máy, thậm chí có một vài DN nhỏ phải đóng cửa chờ qua giai đoạn khó khăn mới tính cách khác.
Đã đến lúc các DN thép cần phải đầu tư bài bản đến hạn chế những rủi ro về giá và chi phí đầu vào trồi sụt. Theo ông phải bắt đầu từ đâu?
Đúng. Hiện nay nhiều DN đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu, chẳng hạn như Lào, Campuchia, Indonesia, Philippin, đặc biệt là thị trường Myanmar đang có nhu cầu rất lớn về vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, ở những thị trường này, sản phẩm sắt thép của Việt Nam cũng vấp phải sức ép không nhỏ từ sự cạnh tranh khốc liệt về giá thành sản phẩm với sắt thép Trung Quốc.
Bên cạnh đó, muốn xây dựng thị trường xuất khẩu không phải DN nào cũng có đủ khả năng làm được do năng lực tài chính hạn chế và nhất là bối cảnh nguồn cung trên thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, đang khá dư thừa như hiện nay.
Về lâu dài, với trang thiết bị máy móc và quy mô hiện đại của không ít nhà máy thép trong nước, có thể khẳng định đủ cung ứng ra thị trường những sản phẩm thép chuyên dụng, đặc chủng. Mặc dù vậy, các DN trong nước dường như không mặn mà lắm với giải pháp này.
Nguyên nhân là do nhu cầu về các loại thép này mặc dù có song không phải nhiều mà mỗi chủng loại một ít nên khi DN đầu tư sẽ khó có lãi vì không bán đủ lượng sản phẩm tới “điểm hòa vốn”, trong khi các chi phí cấu thành ngày một cao.
Phải chăng những khó khăn của các DN thép thời gian qua quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào phôi thép nhập khẩu dẫn đến những khó khăn hiện nay?
Vấn đề này đúng với phần lớn các DN quy mô nhỏ, sản xuất manh mún chưa chủ động được nguyên liệu mà chủ yếu phụ thuộc vào nguồn phôi thép nhập khẩu. Nên khi giá phôi thế giới lên xuống thất thường khiến những DN này khó làm chủ giá thành, lợi nhuận thu về không cao mà chủ yếu mang tính chất gia công là chính.
Song đối với một số DN lớn như Hòa Phát, Thép Việt… đã chủ động được 70% - 80% nguồn nguyên liệu với các nhà máy luyện phôi mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn nguyên liệu cho ngành công nghiệp thép trong nước. Chính việc chủ động được từ các yếu tố đầu vào đã giúp các DN này đứng vững do cân đối được bài toán cung cầu và nắm giữ thị phần mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn.
Minh Anh thực hiện
thời báo ngân hàng
|