Thứ Ba, 27/08/2013 08:26

Rắc rối thay tổng thầu tại dự án nhiệt điện 1,2 tỷ USD

Dự án nhiệt điện Long Phú 1 do Petro Vietnam làm chủ đầu tư đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ, do tổng thầu EPC đã không thể hoàn thành công việc do thiếu năng lực và kinh nghiệm, dẫn tới khả năng phải thay tổng thầu trong thời gian tới.

Chỉ định thầu cho công ty thành viên

Cuối năm 2010, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đã ký hợp đồng tổng thầu (hợp đồng EPC) dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 với Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (HNX: PVS) , một đơn vị thành viên của Petro Vietnam.

Hợp đồng EPC này có trị giá 1,2 tỷ USD.

Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, có công suất 1.200 MW, là một trong ba nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Long Phú, có tổng công suất khoảng 4.400 MW theo quy hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Tại thời điểm đó, PTSC đã công bố kế hoạch đưa vào vận hành thương mại tổ máy 1 của nhà máy sau 39 tháng (trong năm 2014) và hoàn thành toàn bộ nhà máy sau 45 tháng (khoảng đầu năm 2015).

Tuy nhiên, cho đến nay, mục tiêu này đã trở nên xa vời. Có nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là năng lực thực tế của nhà tổng thầu, đặc biệt trong việc "chốt" các gói thầu thành phần với các nhà thầu phụ.

Trước tình hình dự án chậm tiến độ, từ đầu năm 2013 lại nay, Bộ Công Thương đã có một số văn bản chỉ đạo quan trọng liên quan đến dự án này, trong đó đáng chú ý là vấn đề thay tổng thầu PTSC bằng một liên danh, trong đó PTSC vẫn đóng một vai trò thành viên.

Ngày 6/3/2013, Petro Vietnam có văn bản đề nghị thay đổi tổng thầu EPC từ PTSC là tổng thầu thành liên danh tổng thầu EPC gồm PTSC, PM - PTG (OJSC Power Machines và BTG Holding S.R.O), trong đó PM - BTG là thành viên đứng đầu liên danh.

Petro Vietnam cũng đề nghị nâng tổng mức đầu tư và giá trị tổng thầu EPC với lý do giá nguyên, nhiên liệu và nhân công tăng so với thời điểm lập tổng mức đầu tư.

Chưa có tiền lệ

Trước đề nghị này, Bộ Công Thương đã có văn bản xin ý kiến các bộ gồm Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng về vấn đề này. Theo các văn bản trả lời, các bộ đều bày tỏ quan ngại trước việc PTSC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC, dẫn tới hậu quả là dự án chậm tiến độ.

Tuy nhiên, trước đề xuất thay tổng thầu, các bộ cũng tỏ ra lo lắng, vì đó là một đề xuất “chưa có tiền lệ”.

Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PTSC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC nhà máy nhiệt điện than, do đó “cần làm rõ việc xác định năng lực, kinh nghiệm làm tổng thầu của PTSC đã tuân thủ theo quy trình chỉ định thầu”.

Bên cạnh đó, bộ này cho rằng cần phải “nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” về việc lựa chọn nhà thầu.

Bộ này cũng cho rằng kiến nghị thay tổng thầu là “chưa có tiền lệ và chưa có quy định cụ thể của pháp luật”, do đó việc thay đổi tổng thầu độc lập sang tổng thầu liên danh như đề xuất của Petro Vietnam là “chưa phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về đấu thầu”.

Quan điểm này nhận được sự đồng tình của Bộ Tài chính, theo đó vì chưa có tiền lệ nên Petro Vietnam cần phải làm rõ tính pháp lý của việc điều chỉnh tổng thầu.

Bộ Tài chính cũng lưu ý rằng theo chỉ đạo trước đây của Thủ tướng Chính phủ, trường hợp dự án không đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện và hiệu quả kinh tế do các nguyên nhân từ việc lựa chọn tổng thầu thì Petro Vietnam và PTSC cần báo cáo Thủ tướng về nguyên nhân và trách nhiệm của tình trạng này.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho rằng việc thay đổi chủ thể hợp đồng mà về bản chất là chấm dứt hợp đồng, là “chưa phù hợp”.

Từ các ý kiến này, Bộ Công Thương đã có báo cáo trình Chính phủ về tình hình thực hiện dự án trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh việc Petro Vietnam đề xuất thay đổi tổng thầu EPC từ PTSC sang liên danh giữa PTSC và PM - BTG là “không có căn cứ pháp lý, chưa có tiền lệ, có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch trong việc xác định giá trị hợp đồng, làm tăng tổng mức đầu tư trong khi dự án trên thực tế chưa được triển khai thực hiện sẽ đẩy tăng giá điện mà EVN phải mua và các hệ quả không tốt khác trong quá trình thực hiện dự án”.

Để thúc đẩy dự án nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật, Bộ Công Thương đề xuất rằng các bên liên quan cần có văn bản giải trình gửi Thủ tướng Chính phủ để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể.

Về đề xuất thay tổng thầu, Bộ Công Thương cho rằng cần tiến hành các thủ tục để chấm dứt hợp đồng đã ký giữa Petro Vietnam và PTSC; giao Petro Vietnam tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định thầu lại để lựa chọn tổng thầu mới có đủ năng lực kỹ thuật và tài chính để có thể tiếp tục triển khai dự án, để đảm bảo rằng dự án không quá trễ so với tiến độ đã được duyệt trong quy hoạch.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng lưu ý rằng việc thay tổng thầu có thể dẫn tới những rắc rối pháp lý quốc tế có thể xảy ra do quá trình đàm phán giữa tổng thầu và các nhà thầu phụ lâu nay.

Hiện chưa rõ quyết định cuối cùng về việc thay tổng thầu, cho dù các bên liên quan đều đã nhận thấy đây là giải pháp cần thiết để thúc đẩy tiến độ dự án nhiệt điện quan trọng này.

Nghệ Nhân

vneconomy

Các tin tức khác

>   Hết tiền, xin khất thuế xuất khẩu dầu thô (27/08/2013)

>   Sẽ giảm thuế xuất khẩu cao su (27/08/2013)

>   Thủy sản sấy, ướp, đông lạnh không phải chịu VAT (27/08/2013)

>   Chính thức áp thuế tự vệ với dầu ăn nhập khẩu (27/08/2013)

>   Tháng 8 tồn kho đồ uống tăng cao (27/08/2013)

>   Đấu thầu tour: Giá nào cũng đấu (26/08/2013)

>   Gần 6.700 doanh nghiệp tại Hà Nội ngừng hoạt động (26/08/2013)

>   Xuất khẩu cá tra, triển vọng vẫn... mờ mịt (26/08/2013)

>   Thêm Trung Nam muốn rút vốn khỏi thủy điện (26/08/2013)

>   Sản xuất phân bón sẽ quy củ khi trách nhiệm quản lý rõ ràng (26/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật