Thứ Hai, 26/08/2013 22:42

Đấu thầu tour: Giá nào cũng đấu

Ngày càng nhiều doanh nghiệp than phiền về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong mảng lữ hành. Sức mua của khách hàng, đặc biệt là khách hàng có thu nhập vừa phải giảm hơn trước nên nhiều công ty ra sức cạnh tranh về giá, giá nào cũng chấp nhận bán dù dịch vụ không bảo đảm.

Khách du lịch tại Nha Trang

Trưởng phòng du lịch nội địa của một công ty nằm trong tốp 10 doanh nghiệp du lịch của TPHCM, cho biết gần đây sức mua giảm nên tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt về giá, sẵn sàng đưa ra bất cứ giá nào để thắng thầu, cố lấy cho được những đoàn khách lớn diễn ra thường xuyên hơn.

Ông đưa ra ví dụ với tour Nha Trang 4 ngày 3 đêm, đi bằng xe, ở khách sạn bình dân. Thông thường, tour này được bán với giá 2 triệu đồng/người, công ty du lịch lời khoảng 10%. Khi đấu thầu, công ty giảm mức lời kỳ vọng xuống còn 5% để bán với giá 1,9 triệu đồng và thậm chí chỉ bán 1,8 triệu đồng - chấp nhận không có lời để giữ khách quen hoặc khách đoàn lớn (vài trăm người) nhằm duy trì đủ số lượng khách trong giai đoạn cần thiết nhưng vẫn không thể thắng được vì một số công ty đưa ra giá thấp hơn nhiều so giá hòa vốn 1,8 triệu đồng.

"Với giá này thì không thể giữ dịch vụ cho khách được. Chúng tôi là công ty có thương hiệu nên đành phải buông còn nhiều công ty khác sẵn sàng lấy được hợp đồng với bất cứ giá nào. Có những đoàn chúng tôi bỏ giá không lời nhưng vẫn rớt", ông nói.

Thông thường, những khách hàng là công ty có số lượng lao động nhiều, thu nhập vừa phải rất chú trọng về giá, chỉ cần giảm vài chục ngàn đồng/tour là đã thay đổi quyết định chọn hay không chọn công ty cung cấp dịch vụ. Đây chính là mảng mà những doanh nghiệp làm ăn không lành mạnh sẵn sàng bỏ giá cực thấp để lấy khách.

Giá quá thấp dẫn đến dịch vụ cũng khác. Đã có nhiều du khách đi tour xong than phiền là bị cắt giảm chương trình tham quan, giờ bay được bố trí vào buổi khuya để đơn vị cung cấp dịch vụ bớt tiền thuê phòng khách sạn, cắt giảm số bữa ăn. Có khi, dù đi tour trọn gói nhưng du khách phải tự bỏ tiền mua vé tham quan tại một số khu du lịch hoặc người cao tuổi, những người được ưu đãi vé tham quan cũng bị nhà tour thu tiền...

Vị trưởng phòng du lịch nội địa trên cho biết, bộ phận của ông có hàng chục nhân viên bán hàng. Mỗi tháng bình quân đi đấu thầu khoảng 4 lần nhưng hiện nay tỉ lệ thắng thầu rất thấp, không đến 25%. "Trước đây tỉ lệ này cao hơn nhiều. Phần lớn thua là thua về giá và rất nhiều trường hợp thua những công ty không tên tuổi", ông nói.

Tổng giám đốc một công ty du lịch ở quận 1 cũng thừa nhận tình trạng này và cho biết, một số công ty không chỉ giảm giá vô tội vạ để giành hợp đồng mà còn chung chi, đưa hoa hồng cho nhân viên của đơn vị mời thầu để lấy khách. "Giá đã giảm đến mức không có lời lại còn phải chi hoa hồng nên chúng tôi không thể cạnh tranh nổi vì tỉ suất lợi nhuận trong kinh doanh lữ hành rất thấp", ông nói.

Doanh nhân này tính toán, công ty ông chỉ giảm giá mạnh khi có những đợt ưu đãi vé của hàng không, hỗ trợ của một số nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, chỉ có những công ty có số lượng khách lớn mới được hưởng ưu đãi này và tour giảm giá cũng chỉ có giới hạn trong một số vé nhất định nên không thể có việc tour ào ạt giảm vài chục phần trăm mà vẫn giữ được chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho biết các doanh nghiệp trong hiệp hội cũng than phiền về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh rất nhiều. Thường những công ty có thương hiệu ít bị phàn nàn nhưng những công ty ít được biết đến, thậm chí chỉ hoạt động trong một mùa du lịch nào đó rồi ngưng đang làm thị trường xấu đi. Tình trạng này diễn ra nhiều hơn vào những mua du lịch như hè và tết.

"Chúng tôi đang ghi nhận từ doanh nghiệp để báo cáo với cơ quan quản lý. Hạ giá quá mức không chỉ giảm dịch vụ mà nhiều trường hợp còn bỏ những yêu cầu bắt buộc như mua bảo hiểm nên không thể để du khách bị lừa", bà nói.

Đào Loan

tbktsg

Các tin tức khác

>   Gần 6.700 doanh nghiệp tại Hà Nội ngừng hoạt động (26/08/2013)

>   Xuất khẩu cá tra, triển vọng vẫn... mờ mịt (26/08/2013)

>   Thêm Trung Nam muốn rút vốn khỏi thủy điện (26/08/2013)

>   Sản xuất phân bón sẽ quy củ khi trách nhiệm quản lý rõ ràng (26/08/2013)

>   EVN chưa tính đúng và đủ tác động của giá điện (26/08/2013)

>   Thị trường ôtô Việt Nam, nỗi lo mới từ một dự báo cũ (26/08/2013)

>   Quảng Bình: Tiềm năng lớn của công nghiệp vật liệu xây dựng (26/08/2013)

>   Việt Nam chọn đối tác kinh doanh xổ số (26/08/2013)

>   Viettel cũng “khóc” (26/08/2013)

>   Vì đâu Beeline “ngã ngựa” (26/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật