EVN chưa tính đúng và đủ tác động của giá điện
Cho tới nay, dù ráo riết xây dựng các phương án tăng giá điện theo giá thị trường, song dường như bản thân EVN và các cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn chưa có đủ thông tin (hay cố tình không tiếp nhận thông tin?!) để tính đúng, tính đủ tác động của giá điện tới đời sống xã hội.
Hộ nghèo tăng theo giá điện
“Đối với người thu nhập thấp và người nghèo thì khi giá điện tăng, các đối tượng này không bị ảnh hưởng gì”, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói về tác động của đợt tăng giá điện gần đây nhất (đầu tháng 8/2013). Dường như theo thông lệ, với mỗi lần tăng giá điện, lãnh đạo của EVN đều viện dẫn chi tiết “đắt” này nhằm làm dịu phản ứng từ dư luận khi nhấn mạnh rằng giá điện tăng tác động ít tới đời sống người dân nói chung, và không tác động tới đối tượng hộ nghèo nói riêng.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về đánh giá tác động xã hội của việc điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện ở Việt Nam đã cho thấy thực tế không hoàn toàn đúng như vậy.
Thiếu vốn, nhưng EVN đang gặp khó khi tăng giá
|
Mô hình nghiên cứu của CIEM thực hiện mô phỏng theo 2 kịch bản điều chỉnh tăng giá xăng dầu và giá điện. Trong kịch bản thứ nhất, giá xăng dầu tăng 10% và giá điện được điều chỉnh đồng thời với mức tăng 5%.
Với kịch bản tăng giá này, phần thu nhập cần trợ cấp để các hộ nghèo duy trì phúc lợi ban đầu là khá lớn. Dự tính mức trợ cấp này lên tới 48.700 đồng/hộ/tháng trong ngắn hạn và 53.600 đồng/hộ/tháng trong dài hạn (tính theo giá trị tiền đồng năm 2010). Với số lượng khoảng 2 triệu hộ dưới chuẩn nghèo như hiện nay, chi phí trợ cấp từ ngân sách nhà nước để bù đắp thiệt hại cho người nghèo do tăng giá điện và xăng ước khoảng 97,4 tỷ đồng/tháng (tức là khoảng 1.168,8 tỷ đồng/năm) trong ngắn hạn, và khoảng 107,2 tỷ đồng/tháng (tức 1.286,4 tỷ đồng/năm) trong dài hạn.
Kịch bản thứ hai, điều chỉnh đồng thời giá xăng dầu và giá điện với mức tăng đều là 10%. Với kịch bản này, trợ cấp cho mỗi hộ nghèo để bù đắp thiệt hại do giá tăng dự tính lên tới 57.100 đồng/hộ/tháng trong ngắn hạn, và 62.900 đồng/hộ/tháng trong dài hạn. Tính chung cho 2 triệu hộ dưới chuẩn nghèo, chi phí trợ cấp từ ngân sách nhà nước ước khoảng 114,2 tỷ đồng/tháng (tức 1.370,4 tỷ đồng/năm) trong ngắn hạn, và khoảng 125,8 tỷ đồng/tháng (tức 1.509,6 tỷ đồng/năm) trong dài hạn.
Kết quả nghiên cứu trên của CIEM cho thấy, chi phí bảo đảm an sinh cho hộ nghèo thực chất chính là chi phí mà ngân sách nhà nước gián tiếp bù lỗ cho DN trong các ngành kinh doanh hàng hóa có vị thế độc quyền. Như vậy, việc kìm giữ giá một số mặt hàng cơ bản sẽ càng trở nên tốn kém mà thôi. Chưa kể việc ngân sách bù đắp thu nhập cho hộ gia đình cũng không giúp họ đạt được phúc lợi ban đầu.
Theo tính toán của CIEM trong kịch bản 1, khi giá tăng dù ngân sách bù đắp phúc lợi cho hộ nghèo thì tỷ lệ nghèo vẫn tăng khoảng 0,65 điểm phần trăm trong ngắn hạn, và 0,7 điểm phần trăm trong dài hạn. Còn với kịch bản thứ hai, mức tăng tương ứng là 0,78 điểm phần trăm và 0,88 điểm phần trăm.
Sẽ không tăng nhỏ giọt?
Đáng nói là cho tới nay, dù ráo riết xây dựng các phương án tăng giá điện theo giá thị trường, song dường như bản thân EVN và các cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn chưa có đủ thông tin (hay cố tình không tiếp nhận thông tin?!) để tính đúng, tính đủ tác động của giá điện tới đời sống xã hội.
Cũng trong buổi họp báo giải trình về lần tăng giá điện đầu tháng 8 mới đây, lãnh đạo của EVN khẳng định hiện nay EVN còn khoản lỗ do sản xuất kinh doanh điện từ năm 2010 – 2011, do hạn hán EVN phải phát điện với giá dầu, mua điện giá cao, dẫn đến lỗ 11.000 tỷ đồng. Năm 2012 xử lý được 3.000 tỷ đồng, nay còn lại gần 8.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, con số này lớn hơn rất nhiều. Cụ thể, hiện nay lỗ cả kinh doanh và lỗ tỷ giá của ngành điện vào khoảng 20.000 tỷ đồng. Nợ cũ chưa trả hết, giờ lại xuất hiện nợ mới, “chỉ trong 6 tháng mà ngành điện đã nợ cả than và dầu khí là 9.300 tỷ đồng”, như ông Ngãi dẫn chứng.
Đó là chưa kể sức ép về đầu tư. Cũng theo ông Trần Viết Ngãi, ngành điện mới vay 14.500 tỷ đồng cho Thủy điện Lai Châu, trong khi công trình này cần số vốn đầu tư lên tới 36.000 tỷ đồng. “Chưa nói bây giờ còn đầu tư cho Mông Dương 1, đầu tư cho Thái Bình 1 (vay vốn ODA của Nhật), Nghi Sơn. Trong miền Nam thì có Duyên hải 1, Duyên hải 2, 3, Duyên hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2, 4… Một loạt các nhà máy như vậy, EVN cần khoảng 6 – 7 tỷ USD”, ông Ngãi liệt kê một loạt dự án đầu tư đang khát vốn của ngành điện.
Franz Gerner, một chuyên gia về năng lượng của WB cũng cảnh báo về sự thiếu hụt nguồn lực tài chính với nhu cầu đầu tư cho thị trường điện khi đưa ra những tính toán trong dài hạn. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2011-2030, mỗi năm ngành điện cần khoảng 6,2 triệu USD. “Trong bối cảnh Chính phủ hầu như không cấp vốn, biểu giá tăng không đủ bù đắp chi phí, thị trường tài chính rót vốn vào dự án thủy điện bị giới hạn… thì EVN không thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư”, ông Franz Gerner khẳng định.
Được biết, giữa tháng 9 tới đây, Bộ Công Thương dự kiến phối hợp với Hiệp hội Năng lượng tổ chức hội thảo lớn về giá năng lượng và những vấn đề có tính chất chiến lược trong vận hành giá năng lượng, gồm nhiều đối tượng như điện, than, khí dầu, năng lượng tái tạo… Đây cũng là một cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước và EVN thăm dò phản ứng dư luận trong bài tính cho phương án tăng giá điện thời gian tới. Nhưng ngay từ bây giờ, người dân đã nghe thấy ông Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Trần Viết Ngãi khẳng định như “đinh đóng cột” rằng: cần phải tăng giá điện, nhưng nếu cứ tăng nhỏ giọt như trước nay sẽ không giải quyết được vấn đề, mà cần nghiên cứu để đưa ra phương án điều chỉnh tăng “mạnh tay”.
Ngọc Khanh
thời báo ngân hàng
|