Thứ Bảy, 17/08/2013 10:55

Phạm luật để sống!

Chính sách quản lý quá bó chặt nhưng công tác quản lý lỏng lẻo đang là kẽ hở cho các công ty trò chơi trực tuyến nước ngoài phát hành game online lấn áp thị trường. Điều này đang khiến các doanh nghiệp nội rơi vào thế đường cùng, nếu không phạm luật sẽ không “sống” được.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 7/2013, Bộ đã cấp phép 117 game phát hành tại Việt Nam nhưng có 44 game đã đóng cửa. Tuy nhiên, số lượng game online đang hoạt động trên thực tế gấp nhiều lần số lượng game đã có phép. Ước tính có khoảng hơn 200 game cung cấp qua mạng Internet, hàng nghìn game cung cấp trên các mạng xã hội và cổng ứng dụng smartphone.

Thua ngay sân nhà

Trong 73 game cấp phép đang hoạt động, đa phần là game do các doanh nghiệp nội nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Còn lại hàng trăm game không phép trên thị trường cũng có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc, hoặc do doanh nghiệp Việt phát hành lậu, hoặc do phía Trung Quốc chủ động phát hành lậu vào Việt Nam. Có thể kể ra những cái tên như: KoramGame, Tuyệt Phẩm, Afoo, 37Wan, Renren, Myw.vn... là những công ty game đến từ Trung Quốc đang phát hành game không phép tại Việt Nam.

Về cơ bản họ đang vi phạm pháp luật ở Việt Nam khi phát hành các game không phép ra thị trường, tuy nhiên nếu xét về đầu tư, đây là những công ty game đang khiến cho các doanh nghiệp trong nước lo lắng. Bởi đứng sau họ là những công ty game lớn ở Trung Quốc như Kunlun, Sohu, LemonGame… với tiềm lực tài chính rất mạnh. Những công ty này khi phát hành game ở Việt Nam gần như không phải lo về câu chuyện phí bản quyền và số lượng game phát hành. Họ chỉ cần liên kết với một tư nhân trong nước để làm công tác thu phí, bán thẻ cào rồi chuyển ra nước ngoài là có thể “ngồi mát ăn bát vàng”.

Trong khi đó, từ tháng 10/2010 Nhà nước đã có chính sách hạn chế thẩm định cấp phép nội dung game online khiến các doanh nghiệp trong nước bị hạn chế khả năng cung cấp dịch vụ. Do vòng đời của sản phẩm ngắn nên việc không ra được game mới khiến người chơi tìm đến các sản phẩm phiên bản quốc tế được Việt hóa. Trong đó có rất nhiều trò chơi do nhà phát hành nước ngoài cung cấp mà không có sự đồng ý của các cơ quan quản lý của Việt Nam.

Giám đốc điều hành FPT Online, Nguyễn Văn Khoa thẳng thắn thừa nhận, từ năm 2010 đến tháng 6/2013, FPT Online lâm vào khủng hoảng, liên tục tăng trưởng âm và không biết xoay sở thế nào. FPT Online được cấp phép 5 game nhưng phải đóng cửa hết 4 game do chi phí vận hành game ngày càng lớn. Công ty ngày càng đi lùi, chất xám liên tục chảy máu do thị trường lúc này “ai cũng làm game được”.

Theo ông Khoa, nguyên nhân chính là từ năm 2010 - 2013 số doanh nghiệp làm game tăng vọt từ 12 lên 40 doanh nghiệp khiến thị trường phân mảnh, chi phí tăng cao do cạnh tranh. Đặc biệt sự xuất hiện của các game không phép, game lậu, game nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc cũng tạo sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước.

Phó tổng giám đốc FPT Online Phạm Công Hoàng cho biết thêm, việc các doanh nghiệp game nước ngoài làm game ở Việt Nam, đặc biệt là các công ty từ Trung Quốc đang phát hành game không phép hiện nay nhưng không có sự kiểm soát từ các cơ quan nhà nước, đang góp phần thu hẹp thị phần của các doanh nghiệp Game Việt Nam.

Mặt khác, các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang phát hành game không phép tại Việt Nam hoàn toàn không phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đối với Nhà nước Việt Nam. Những việc này cho thấy tổn thất xảy ra đang ảnh hưởng rất lớn cho ngành Game Việt Nam và góp phần giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Nên bỏ cấp phép game?

Trước sức ép cạnh tranh vô cùng lớn từ các đối thủ nước ngoài, trong khi chính sách quản lý trong nước siết quá chặt khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế đường cùng, nếu muốn tiếp tục tồn tại họ phải quyết định làm liều... phạm luật. Ông Nguyễn Văn Khoa đã thẳng thắn thừa nhận, FPT Online đang làm một số game không phép, dù không mong muốn, nhưng vì sự sống còn bắt buộc phải làm vậy.

Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh cho rằng, Việt Nam đang quản lý ngành Game “chặt” nhất nhưng lại không hiệu quả. Chính sách quản lý game chỉ có tác dụng “trói tay, trói chân” doanh nghiệp trong nước mà không thể đạt được mục tiêu quản lý. Ông Minh lấy ví dụ, nước quản lý game khá nghiêm ngặt (chỉ sau Việt Nam) là Trung Quốc nhưng việc quản lý này nhằm bảo hộ doanh nghiệp nội địa, thúc đẩy thị trường game nội địa phát triển thành công rực rỡ. Đáng chú ý là Trung Quốc cũng không cấp phép nội dung game. Hàn Quốc và Trung Quốc còn có chính sách quản lý trẻ em chơi game thông qua hệ thống chứng minh nhân dân điện tử. Hay như Indonesia là quốc gia đạo Hồi, có tiêu chuẩn đạo đức khắt khe hơn Việt Nam khá nhiều, nhưng cũng không cấp phép nội dung mà để thị trường game tự vận động.

Ông Minh đề nghị: “Nên bỏ giấy phép con, bởi Nhà nước sẽ không thể thẩm định và cấp phép kịp thời khi thị trường game đang phát triển cực nhanh. Ước tính một năm có khoảng 1.000 game mới ra đời. Với quy trình thẩm định như hiện nay, 1 năm chỉ có thể thẩm định cấp phép tối đa 100 game, 900 game còn lại sẽ là không phép”.

Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Hùng cho biết, các quy định thẩm định trò chơi hiện nay không phù hợp. Chẳng hạn, quy định yêu cầu các doanh nghiệp phải có phiên bản tiếng Việt trước khi thẩm định, nhưng khi đó doanh nghiệp đã phải thanh toán 100% chi phí mua game từ nước ngoài. Như vậy, nếu không được cấp phép thì doanh nghiệp buộc phải vi phạm quy định để cung cấp ra thị trường. Với thực trạng tại Việt Nam hiện nay, 100% doanh nghiệp trong nước đều có thể đứng trước nguy cơ bị xử lý hình sự như một số trường hợp đã xảy ra thời gian qua.

Hoàng Anh

báo thanh tra

Các tin tức khác

>   Công ty bán hàng đa cấp phải ký quỹ 5 tỉ đồng (17/08/2013)

>   Nhà máy tinh đường hứa để dân... khổ? (17/08/2013)

>   Yêu cầu báo cáo Thủ tướng vụ “nhân bản xét nghiệm” (16/08/2013)

>   KCN Lai Vu bị “bỏ quên” đến bao giờ? (16/08/2013)

>   Bộ trưởng chê dịch vụ tại sân bay Nội Bài (16/08/2013)

>   Người đưa ra ánh sáng vụ nhân bản xét nghiệm bị 'tố' ngược (16/08/2013)

>   Thu hồi hàng trăm nghìn vé số (16/08/2013)

>   Phỏng vấn 'người rừng': ...1 triệu đồng, thăm nhà: 4 triệu đồng (16/08/2013)

>   Ngậm ngùi nhìn doanh nghiệp ngoại xù nợ (15/08/2013)

>   Ngày 20/8, chất vấn trực tiếp hai vị bộ trưởng (15/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật