Thứ Bảy, 17/08/2013 09:36

Nhà máy tinh đường hứa để dân... khổ?

Đó là tình trạng đang diễn ra tại Nhà máy Tinh bột Long Giang, trụ sở tại xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Chị Hà Thị Ngọc Oanh (ở thôn Bến, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) với cây dong riềng không biết có được thu mua hay không

Nông dân chịu thiệt

Năm 2008, Cty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh (Cty Long Giang Thịnh) lập kế hoạch đầu tư dự án xây dựng vùng trồng cây dong riềng làm nguyên liệu và Nhà máy Tinh bột Long Giang (nhà máy tinh bột) để sản xuất tinh bột dong riềng. Dự án được các cấp, ngành tỉnh Quảng Bình phê duyệt. Đến đầu năm 2010, cùng với việc xây dựng nhà máy tinh bột, Cty Long Giang Thịnh cho người đi vận động nông dân các xã thuộc huyện Quảng Ninh dành đất để trồng dong riềng và hứa thu mua củ với giá cao. Nghe vậy, người nông dân vốn nghèo khó ở xứ này phấn khởi, chắt chiu từng khoảnh đất trồng dong riềng.

Hứa là thế nhưng nhà máy tinh bột chỉ thu mua củ dong riềng ở mùa thu hoạch đầu tiên. Đến những năm 2011 – 2012, chẳng ai thấy tăm hơi nhà máy tinh bột đâu khiến hàng chục hécta dong riềng của dân chỉ còn biết để làm cảnh.

“Khi nghe nhà máy muốn tiếp xúc với dân để khuyến khích trồng dong riềng, UBND xã đồng ý vì dong riềng là cây hợp với thổ nhưỡng ở đây, vừa đa dạng hóa được cây trồng, vừa mang lại giá trị kinh tế cao. Việc khuyến khích trồng dong riềng, thu mua, giá cả ra sao thì UBND xã không quản lý, mà để cho nhà máy với bà con chủ động thỏa thuận” – ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho hay.

Và cũng chính việc chỉ hợp đồng, thỏa thuận miệng nên khi nhà máy không về thu mua dong riềng nữa dân cũng chịu, chả biết bấu víu vào ai. Kiểu làm của Nhà máy Tinh bột Long Giang khiến hàng trăm hộ dân đã phá bỏ các loại cây trồng, bỏ công cày cuốc để trồng dong riềng nay lâm cảnh lao đao. Chỉ tay ra phía hơn 1 sào đất chi chít dong riềng, chị Hà Thị Ngọc Oanh (ở thôn Bến, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) ngao ngán: “Năm đầu tiên họ thu mua một ít, bà con có chút động lực nên mở rộng diện tích trồng, nhưng đến 2 vụ sau chẳng thấy nhà máy đoái hoài chi nữa, không ít người ngậm ngùi đào bỏ dong riềng để trồng cây khác”.

Vùng nguyên liệu… “bánh vẽ”

Trước cách làm thiếu trách nhiệm của Nhà máy Long Giang, UBND các xã có dân trồng dong riềng như Vạn Ninh, Vĩnh Ninh, Hiền Ninh, Trường Sơn, Trường Xuân… thuộc huyện Quảng Ninh đã gửi văn bản yêu cầu nhà máy phải thu mua dong riềng mà nhà máy đã khuyến khích nông dân trồng ra. Lúc này, cây dong riềng mà hàng trăm hộ nông dân vì tiếc của nên chưa phá bỏ cũng đã rụi hết thân do đã qua 2 mùa không thu hoạch, chỉ còn củ nằm lại dưới đất nhưng năng suất chẳng còn bao nhiêu vì để quá lâu ngày.

Sau Tết Quý Tỵ, Nhà máy Long Giang đã xoa dịu tình hình bằng cách cử người đi mua lại số dong riềng ít ỏi còn sót lại trong dân, nhưng so với công sức bỏ ra thì bà con cũng chẳng còn được mấy lợi nhuận. Nhà máy lý giải thời gian qua không thu mua được là vì có “sự cố”. Rồi họ lại phát giống cho bà con, tiếp tục khuyến khích… trồng lại và cũng không quên hứa hẹn.

“Thấy nhà máy thu mua lại và phát giống thì bà con trong thôn trồng lại khoảng hơn 1ha. Nhưng để chắc chắn, bà con yêu cầu nhà máy làm hợp đồng đàng hoàng, cam kết khi dong riềng phát triển đến 6 – 7 lá thì sẽ về hỗ trợ trước mắt cho 300 nghìn đồng/sào. Nay dong riềng đã lên đến 10 lá, lại chẳng thấy tăm hơi. Gần đây, cứ gặp là bà con hỏi sao chưa thấy họ về hỗ trợ, tui cũng định điện lên nhà máy hỏi coi sao chứ để bà con mất lòng tin thêm lần nữa là không được” – ông Trần Văn Dĩ – Trưởng thôn Bến bức xúc.

Ông Ngô Đăng Ngọc – Trưởng thôn Tây, xã Vạn Ninh cũng cho biết, hiện thôn đang có hơn 3ha dong riềng và nông dân cũng đang lo ngay ngáy như ở thôn Bến vì cách làm vô trách nhiệm của nhà máy này. Còn theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Ninh, toàn huyện hiện có khoảng 20ha dong riềng được trồng theo dự án phát triển vùng nguyên liệu dong riềng của Nhà máy Long Giang.

Theo cam kết của Cty Long Giang Thịnh khi xây dựng dự án, UBND tỉnh Quảng Bình cùng Sở NN-PTNT cũng đã phê duyệt và quy hoạch một vùng nguyên liệu trồng dong riềng tại 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Doanh nghiệp khoe khoang trong tổng mức đầu tư dự án là 43,3 tỷ đồng, đã tính toán chi phí cho việc xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy. Theo đó, vùng nguyên liệu sẽ được xây dựng trong khoảng 3 – 5 năm với diện tích 3.000ha. Nhưng thực tế thì ngoài “vùng nguyên liệu 20ha” theo kiểu “trời ơi đất hỡi” tại huyện Quảng Ninh nói trên, ở các địa bàn thuộc huyện Lệ Thủy, từ lãnh đạo cấp huyện đến cấp xã đều khẳng định vùng nguyên liệu của Nhà máy Long Giang chỉ là con số “0” tròn trĩnh.

Trên thực tế thời gian qua, Nhà máy Long Giang hầu như không hề sản xuất tinh bột dong riềng mà tự ý ra thị trường thu mua sắn nguyên liệu để sản xuất tinh bột sắn. Không những thế, việc sản xuất tinh bột sắn của nhà máy này còn gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các vùng dân cư xung quanh thuộc địa bàn xã Vĩnh Ninh và xã Nghĩa Ninh, thuộc TP.Đồng Hới (Quảng Bình). Những dấu hiệu vi phạm trên của Nhà máy Long Giang liệu đã có cơ quan chức năng nào của Quảng Bình xét đến?

Nguyên Phong

Pháp luật Việt nam

Các tin tức khác

>   Yêu cầu báo cáo Thủ tướng vụ “nhân bản xét nghiệm” (16/08/2013)

>   KCN Lai Vu bị “bỏ quên” đến bao giờ? (16/08/2013)

>   Bộ trưởng chê dịch vụ tại sân bay Nội Bài (16/08/2013)

>   Người đưa ra ánh sáng vụ nhân bản xét nghiệm bị 'tố' ngược (16/08/2013)

>   Thu hồi hàng trăm nghìn vé số (16/08/2013)

>   Phỏng vấn 'người rừng': ...1 triệu đồng, thăm nhà: 4 triệu đồng (16/08/2013)

>   Ngậm ngùi nhìn doanh nghiệp ngoại xù nợ (15/08/2013)

>   Ngày 20/8, chất vấn trực tiếp hai vị bộ trưởng (15/08/2013)

>   Khách sạn Sheraton bị tố tự ý rút tiền trong thẻ tín dụng của khách (14/08/2013)

>   Đề nghị cho phép cá cược từ 10.000 đồng đến 1 triệu đồng (14/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật