Ngậm ngùi nhìn doanh nghiệp ngoại xù nợ
Vi phạm hợp đồng, một doanh nghiệp trong nước đã khởi kiện một doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) và được tòa xử thắng kiện buộc bồi thường hàng chục tỉ đồng. Thế nhưng, do vấn đề ràng buộc về mặt pháp lý với doanh nghiệp FDI chưa chặt chẽ nên doanh nghiệp Việt đành ngậm ngùi nhìn nợ...
Văn phòng đại diện của Keytrade AG tại tầng 4 tòa nhà E.Town (Tân Bình, TP.HCM) hiện đã không còn hoạt động, chỉ còn tên công ty trên bảng chỉ dẫn của tòa nhà
|
Tháng 12-2008, Công ty cổ phần Vinacam (quận 1, TP.HCM) ký hợp đồng mua của Công ty Keytrade AG (có văn phòng tại TP.HCM, trụ sở chính tại Thụy Sĩ) lô hàng 25.000 tấn phân urê (xuất xứ từ Nga hoặc Ukraine) trị giá gần 6 triệu USD. Thực hiện hợp đồng này, Vinacam đã mở tín dụng thư bảo lãnh đúng như cam kết, chỉ chờ Keytrade AG giao hàng sẽ thanh toán tiền. Tuy nhiên, chưa đầy nửa tháng sau, phía Keytrade AG lấy lý do sự kiện Nga ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraine, là sự cố bất khả kháng nên công ty không thể giao hàng cho Vinacam.
Sau nhiều lần trao đổi, Keytrade AG lại đưa ra điều kiện là nếu Vinacam chấp nhận tăng giá từ 239 USD/tấn lên 345 USD/tấn, công ty giao hàng được, nhưng thời hạn giao hàng sẽ lùi lại hai tháng so với hợp đồng đã ký. Vì cần hàng, Vinacam chấp nhận lùi ngày giao hàng sau một tháng nhưng không đồng ý tăng giá mua hàng. Không được tăng giá, Keytrade AG gửi fax tuyên bố hủy hợp đồng với Vinacam. Vì bị Keytrade AG không giao hàng đúng hợp đồng, phía Vinacam phải chịu thiệt hại nặng nề khi nhiều hợp đồng đã ký kết với các công ty trong nước bị hủy nên nộp đơn khởi kiện Keytrade AG để đòi bồi thường.
Cả hai cấp tòa sơ thẩm (TAND TP.HCM) và phúc thẩm (TAND tối cao tại TP.HCM) đều xử cho Vinacam thắng kiện, buộc Keytrade AG phải bồi thường thiệt hại vì đã vi phạm hợp đồng cho Vinacam số tiền hơn 43,6 tỉ đồng (là lợi nhuận mà Vinacam lẽ ra được hưởng nếu Keytrade AG thực hiện đúng hợp đồng, giao hàng đúng hẹn cho Vinacam).
Theo ông Vũ Duy Hải - tổng giám đốc Công ty Vinacam, ngay sau khi bản án có hiệu lực thi hành, công ty đã có đơn đề nghị Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho thi hành bản án, Cục Thi hành án cũng đã ra quyết định thi hành án nhưng triệu tập nhiều lần mà đại diện Keytrade AG tại VN không đến làm việc. Quá trình xác minh được biết văn phòng đại diện của công ty tại VN cũng không có tài sản đáng giá để đảm bảo thi hành án. Đồng thời, sau khi bị tòa xử thua kiện thì Keytrade AG cũng tiến hành làm thủ tục đóng cửa văn phòng đại diện tại VN khiến khoản tiền thi hành án của Vinacam rơi vào tình trạng không thể thi hành.
Theo luật sư Võ Xuân Trung, nhiều trường hợp doanh nghiệp VN vi phạm hợp đồng, bị tòa án nước ngoài tuyên buộc bồi thường thì cơ quan chức năng của họ đã dùng nhiều biện pháp phối hợp, hỗ trợ phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản của doanh nghiệp VN ở nước ngoài. Trong khi đó, doanh nghiệp VN bị “xù” nợ, bị vi phạm hợp đồng đã có bản án xét xử nhưng lại không có cơ chế hỗ trợ để buộc các công ty ở nước ngoài phải thi hành án, phải trả nợ cũng là điều thiệt thòi cho các doanh nghiệp. |
Trao đổi về vụ án này, chấp hành viên Hà Quốc Dũng, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, cho biết cơ quan thi hành án cũng đã có văn bản đề nghị cơ quan thẩm quyền ngăn chặn không chấp nhận thủ tục chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện Công ty Keytrade AG.
Đồng thời, theo đề nghị của phía Vinacam, Cục Thi hành án cũng đã có văn bản cấm xuất cảnh đối với trưởng văn phòng đại diện của Keytrade AG tại VN. Tuy nhiên, dù bị cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn không cho làm thủ tục đóng cửa, văn phòng công ty này tại VN vẫn ngưng hoạt động.
Theo Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, do công ty không có tài sản tại VN, trụ sở chính tại Thụy Sĩ mà giữa VN với Thụy Sĩ chưa có hiệp định tương trợ tư pháp nên cơ quan thi hành án cũng không thể nhờ cơ quan có thẩm quyền của Thụy Sĩ cho thi hành bản án của VN. Vì vậy, cơ quan thi hành án đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp làm thủ tục ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của Thụy Sĩ.
Theo luật sư Võ Xuân Trung - Đoàn luật sư TP.HCM, do không có hiệp định tương trợ tư pháp nên việc ủy thác tư pháp rất khó buộc Công ty Keytrade AG phải chấp hành nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp VN cũng như khoản án phí cho Nhà nước. Vinacam cũng có phần thiếu sót vì trong quá trình ký kết hợp đồng đã không đề nghị đối tác phải có bảo lãnh ngân hàng, nên nếu đối tác cố tình vi phạm hợp đồng thì việc kiện tụng, đòi bồi thường rất phức tạp.
Chi Mai
tuổi trẻ
|