Thứ Ba, 20/08/2013 13:28

Không hồi tố ưu đãi cho doanh nghiệp FDI đăng ký lại

Các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã hết thời hạn hoạt động, đăng ký lại, sẽ được hồi tố thời hạn hoạt động, nhưng không được hồi tố ưu đãi.

Đó là một trong những nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định về việc đăng ký lại, chuyển đổi DN FDI và đổi giấy chứng nhận đầu tư của dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang soạn thảo.

Doanh nghiệp FDI hết hạn hoạt động, phải đăng ký lại và chỉ được hồi tố thời hạn hoạt động

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), dù Điều 170, Luật DN đã được sửa đổi và “cởi trói” cho 2.960 DN FDI được cấp giấy phép đầu tư trước ngày 1/7/2006 mà chưa đăng ký lại, song đối với các DN hiện đã hết thời hạn mà vẫn muốn tiếp tục hoạt động, thì không phải “cứ muốn đăng ký lại là được”.

“Sẽ có 4 điều kiện mà DN phải đáp ứng. Đồng thời, DN sẽ phải thực hiện đăng ký lại trước ngày 1/2/2014. Hết thời hạn nêu trên, DN không đăng ký lại thì phải thực hiện thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật”, ông Hoàng nói.

Trong một báo cáo được Bộ KH&ĐT trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi cuối tháng 5/2013 kèm với đề xuất sửa đổi Điều 170 Luật DN, vào thời điểm hết tháng 5 đó, có 41 DN FDI phải chấm dứt hoạt động. Năm 2014, thêm 142 DN nữa. Con số này vào năm 2015 là 269 DN.

Và đương nhiên, số DN FDI phải chấm dứt hoạt động, sẽ tiếp tục gia tăng vào các năm sau, vì như trên đã nói, hiện có tới 2.916 DN FDI vẫn chưa đăng ký lại.

Những DN chưa hết hạn hoạt động, theo Điều 170 đã sửa đổi, có quyền chọn đăng ký lại hoặc không. Nếu không, DN đó sẽ hoạt động đến hết thời hạn giấy phép thì chấm dứt, giải thể. Đó là quyền lựa chọn của DN.

Nhưng cái khó là những DN FDI hiện đã hết hạn hoạt động mà vẫn sản xuất - kinh doanh bình thường như thời gian qua thì xử lý thế nào?

“Dù DN đăng ký lại vào thời điểm nào, thì giấy chứng nhận đầu tư cấp cho DN sẽ có hiệu lực kể từ ngày hết hạn hoạt động ghi trên giấy phép đầu tư. Quy định có tính chất hồi tố như vậy là để đảm bảo DN có thời gian hoạt động xuyên suốt”, ông Hoàng cho biết.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt trong Dự thảo Nghị định, đó là dù DN được hồi tố thời hạn hoạt động, nhưng sẽ không được hồi tố các quy định về ưu đãi đầu tư.

“Sẽ quy định một cách chặt chẽ, đó là từ thời điểm hết hạn hoạt động đến thời điểm đăng ký lại, DN phải áp dụng các cơ chế ưu đãi đầu tư, nộp thuế… theo quy định pháp luật của thời điểm đó. Sau khi đăng ký lại, sẽ áp dụng các quy định pháp luật tại thời điểm cấp chứng nhận đầu tư”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nói và phân tích thêm rằng, giả sử trong giấy phép đầu tư trước đây, DN được hưởng thuế suất thuế thu nhập DN 15 - 17%, thì hết hạn hoạt động, nhà đầu tư này sẽ không được áp dụng mức thuế suất ấy nữa, mà phải theo quy định pháp luật mới sau này.

“Chẳng hạnï, họ hết hạn hoạt động từ năm 2011, thì từ đó đến khi đăng ký lại, áp dụng thuế suất thuế TNDN 25% như mọi DN khác, sau khi đăng ký lại, tùy thời điểm đăng ký lại, mà áp dụng theo quy định pháp luật hiện hành”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu ví dụ và cho rằng, để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, nếu thời gian qua, có DN nào đã hết hạn hoạt động, mà vẫn đang hoạt động và đóng thuế theo quy định ghi trên giấy phép đầu tư, thì sẽ bị truy thu thuế.

“Các DN đã hết hoạt động, cũng sẽ bị xử phạt hành chính rồi mới được làm các thủ tục đăng ký lại”, ông Hoàng nói.

Liên quan đến việc đăng ký lại của các DN FDI, cách đây gần 2 tuần, Bộ KH&ĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đề nghị báo cáo tình hình đăng ký lại của DN FDI trước ngày 1/9/2013.

Văn bản này cũng nêu rõ, những DN được cấp phép trước ngày 1/7/2006 đã hết thời hạn hoạt động theo quy định tại giấy phép đầu tư mà chưa làm thủ tục đăng ký lại, chưa thực hiện thủ tục giải thể, cũng như các DN có đề nghị được tiếp tục hoạt động, thực hiện thủ tục đăng ký lại trong thời gian sớm nhất, trước ngày 1/2/2014.

Tuy nhiên, chưa thật yên tâm, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề nghị Cục Đầu tư nước ngoài sớm thành lập các đoàn công tác, có thể là liên ngành, đi kiểm tra, giám sát việc này. Vị lãnh đạo đứng đầu ngành KH&ĐT tỏ ra rất sốt ruột với việc đăng ký lại DN FDI. “Không thể chậm trễ nữa, vì hệ lụy của việc hết hạn hoạt động mà không đăng ký lại DN FDI là rất lớn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Theo kế hoạch, Dự thảo Nghị định sẽ sớm được hoàn tất để trình Chính phủ thông qua, vì như ông Hoàng nói là “thời gian đã rất gấp gáp”.

Nguyên Đức

đầu tư

Các tin tức khác

>   Lo cho xuất khẩu gạo cuối năm (20/08/2013)

>   Tôm Việt Nam hẹp đường “bơi” sang Mỹ? (20/08/2013)

>   Thêm một tập đoàn trò chơi có thưởng đến tìm cơ hội (20/08/2013)

>   Quy hoạch lại các nhà máy chế biến thủy sản (20/08/2013)

>   Có kết luận ống thép dẫn dầu Việt Nam phá giá (20/08/2013)

>   Phát triển nhãn hàng riêng: Xu hướng tốt (20/08/2013)

>   Thủy điện nhỏ: Dừng vẫn chưa hết lo (20/08/2013)

>   TPHCM điều chỉnh nhiều cụm công nghiệp (19/08/2013)

>   Nhập gần 2.700 ô tô nguyên chiếc trong tháng 7 (19/08/2013)

>   Số tập đoàn NN sẽ chỉ... đếm đầu ngón tay (19/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật