Thứ Ba, 20/08/2013 10:42

Tôm Việt Nam hẹp đường “bơi” sang Mỹ?

Bên cạnh mức thuế chống bán phá giá cao được áp dụng từ trước, Mỹ sẽ áp thêm thuế chống trợ cấp (CVD) với sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam với mức 4,52%. Mặc dù mức thuế này thấp hơn hẳn so với kết quả sơ bộ trước đó.

Sự áp đặt bất công

Theo phán quyết cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về việc áp thuế CVD đối với sản phẩm tôm nước ấm, đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam công bố ngày 12/8/2013, thuế suất áp dụng cho tất cả các công ty xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ là 4,52%. Riêng hai bị đơn bắt buộc là Công ty Thủy sản Minh Quí (Minh Qui Seafoods Co. Ltd) sẽ bị áp mức thuế suất CVD là 7,88% (tăng so với mức 5,08% của quyết định sơ bộ) và Công ty Thủy sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Co.) là 1,15% (giảm mạnh so với mức 7,05% của quyết định sơ bộ).

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Minh Phú (MPC), doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam cho rằng, phán quyết của DOC sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Mỹ gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh giá thành tôm của Việt Nam thường cao hơn các nước trong khu vực, nay thêm thuế sẽ rất khó cạnh tranh với tôm từ Thái Lan và Indonesia.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP): “Việc DOC áp thuế CVD đối với đối với tôm nhập khẩu Việt Nam là một phán quyết không công bằng. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người sản xuất tôm Việt Nam, trước hết là người nông dân, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng Mỹ”.

“Với mức thuế khoảng 4,52%, chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, nhưng đối với lĩnh vực thương mại, mức độ ảnh hưởng còn phụ vào nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, điều chắc chắn là người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho việc tiêu dùng tôm”, ông Dũng cho biết thêm.

Doanh nghiệp Mỹ phản đối

Cuối tháng 12/2012, Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ (COGSI) đã đệ đơn lên DOC yêu cầu áp thuế CVD đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ 7 nước là: Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Ngay sau đó, Tom Mazzetta, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Mazzetta Co - một trong những nhà nhập khẩu tôm lớn nhất của Mỹ, đã có những những quan điểm thẳng thắn phản đối hành động này từ phía COGSI.

Tom Mazzetta cho rằng, các hoạt động thương mại chống lại tôm nhập khẩu gần đây khiến ông nghĩ đến “trò chơi khăm” mà ngành công nghiệp tôm khai thác Mỹ duy trì và áp dụng với tôm nuôi nhập khẩu từ nhiều năm nay.

“Tôm khai thác và tôm nuôi là hai sản phẩm khác nhau. Tôm khai thác không thể cạnh tranh về giá, sản lượng cũng như sự ổn định nguồn cung với tôm nuôi. Đã đến lúc chấm dứt trò lừa bịp này. Chìa khóa thành công của ngành khai thác tôm Mỹ là nỗ lực phát triển, quảng bá sản phẩm, thay vì chạy đua về giá và chê trách các nhà sản xuất tôm nuôi”, Tom Mazzetta khẳng định.

Mới đây, sau khi DOC đưa ra quyết định cuối cùng về thuế CVD thì trong buổi điều trần cuối cùng về vụ kiện tại Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) ngày 14/8/2013, nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng đã đồng loạt lên tiếng phản đối yêu cầu áp thuế CVD đối với mặt hàng trên.

Eric Buckner, Giám đốc phụ trách thủy sản của Tập đoàn Sysco - một trong những nhà phân phối tôm lớn nhất nước Mỹ cho rằng, tôm nuôi nhập khẩu và tôm đánh bắt là hai sản phẩm hoàn toàn khác nhau, dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau, do vậy không thể cạnh tranh với nhau.

Đồng quan điểm, Guy Pizzuti, Giám đốc phụ trách thủy sản của Publix Super Markets - một trong 10 chuỗi siêu thị lớn nhất của Mỹ cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ tôm nuôi nhập khẩu và tôm đánh bắt là hai sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với nhau. Công ty chúng tôi có kế hoạch tiếp thị và tiêu thụ khác nhau cho từng mặt hàng. Ngay cả các nhà cung cấp của chúng tôi cũng không có hiện tượng cạnh tranh chéo. Các nhà cung cấp tôm nhập khẩu cạnh tranh với nhau và các nhà cung cấp tôm khai thác cũng vậy”.

Trên Seafoodsource.com, Biên tập viên Fiona Robinson cũng đã có một bài viết với tựa đề: “Thuế quan không phải là một giải pháp lâu dài” nhằm lên tiếng phản đối về việc áp thuế CVD và thuế chống bán phá giá trước đó của Mỹ.

Biên tập viên này cho rằng: “Tôm khai thác tự nhiên nội địa và tôm nuôi nhập khẩu đông lạnh là những sản phẩm khác nhau. Rõ ràng những sản phẩm này đi vào hai thị trường khác nhau và có những mức giá khác nhau để phản ánh điều đó”.

“Và chỉ có những người luật sư mới là những người chiến thắng trong các vụ kiện CVD hoặc thuế chống trợ cấp. Tôi muốn ngành công nghiệp tôm trong nước sẽ tìm ra được giải pháp lâu dài cho những vấn đề của mình mà không treo tương lai của ngành công nghiệp tôm trên móc thuế quan”, Fiona Robinson chia sẻ thêm.

Còn phụ thuộc vào ITC

Theo VASEP, giống như các vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá, vụ kiện chống trợ cấp cũng do hai cơ quan của Mỹ là DOC và ITC tiến hành điều tra độc lập. Chỉ khi hai cơ quan này cùng đồng ý thì việc đánh thuế mới có hiệu lực. Hiện, ITC đang điều tra xem việc nhập khẩu tôm từ Việt Nam và các nước có gây thiệt hại ngành sản xuất tôm nội địa hay không và kết quả cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày 26/9/2013.

Nếu ITC cho rằng, việc nhập khẩu tôm từ các nước nói trên gây thiệt hại cho ngành sản xuất tôm nội địa thì mức thuế của DOC sẽ được giữ nguyên và áp dụng đối với các lô hàng nhập vào Mỹ từ tháng 6/2013 (thời điểm DOC ra phán quyết sơ bộ).

Trái lại, nếu ITC khẳng định, các doanh nghiệp Mỹ không bị thiệt hại về vật chất hoặc bị đe dọa thiệt hại về vật chất từ tôm nhập khẩu thì vụ kiện sẽ chấm dứt hoàn toàn và toàn bộ các khoản tiền ký quỹ đã thu hoặc dự định sẽ phải thu của doanh nghiệp sẽ được hoàn trả hoặc bãi bỏ.

Tổng Thư ký VASEP, Trương Đình Hòe cho hay, Việt Nam có nhiều hy vọng từ kết luận của ITC vì Việt Nam có mức thuế CVD thấp nhất trong 5 nước chịu thuế mà DOC đưa ra. Các nhà nhập khẩu và các nhà bán lẻ của Mỹ cũng ủng hộ các nước xuất khẩu tôm vì tôm nhập khẩu chiếm trên 90% tổng nguồn cung tôm cho thị trường Mỹ. Quyết định này của DOC sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ, họ sẽ phải trả giá cao hơn cho sản phẩm tôm nhập khẩu mà họ đang quen tiêu thụ.

Hiện, VASEP và các doanh nghiệp đang làm việc tích cực với các luật sư để đưa ra những bằng chứng cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam không nhận được sự trợ cấp của chính phủ. “Trong trường hợp xấu nhất là mức thuế mà DOC áp dụng được giữ nguyên, Việt Nam vẫn có thể kiện Mỹ ra WTO”, ông Hòe cho biết thêm.

DOC thay đổi quyết định đối với Thái Lan, Ecuador

Trong quyết định sơ bộ ngày 29/5/2013, DOC cho rằng, 5 trong số 7 này đã nhận được sự trợ cấp từ chính phủ, trong đó Thái Lan ở mức 1,75% - 2,09%, còn Ecuador không nhận trợ cấp. Nhưng vào ngày 13/8/2013, DOC đã thay đổi quyết định xác nhận rằng, tôm Thái Lan và Indonesia không nhận trợ cấp của chính phủ, theo đó mức thuế suất sẽ là 0%. Bất ngờ nhất là Ecuador, từ thuế suất 0% trong quyết định sơ bộ đột ngột tăng lên mức từ 10,13% - 13,51% trong phán quyết cuối cùng. Đối với những quốc gia khác, DOC xác định mức trợ giá của chính phủ như sau: Trung Quốc là 18,16%; Ấn Độ 10,54% - 11,14%; Malaysia là 10,80% - 54,50%; Việt Nam là 1,15% - 7,88%.

Theo Seafoodsource


Nam Hồng

công thương

Các tin tức khác

>   Thêm một tập đoàn trò chơi có thưởng đến tìm cơ hội (20/08/2013)

>   Quy hoạch lại các nhà máy chế biến thủy sản (20/08/2013)

>   Có kết luận ống thép dẫn dầu Việt Nam phá giá (20/08/2013)

>   Phát triển nhãn hàng riêng: Xu hướng tốt (20/08/2013)

>   Thủy điện nhỏ: Dừng vẫn chưa hết lo (20/08/2013)

>   TPHCM điều chỉnh nhiều cụm công nghiệp (19/08/2013)

>   Nhập gần 2.700 ô tô nguyên chiếc trong tháng 7 (19/08/2013)

>   Số tập đoàn NN sẽ chỉ... đếm đầu ngón tay (19/08/2013)

>   Khốn đốn siêu thị Việt ở Campuchia (19/08/2013)

>   Vì sao Quảng Nam ủng hộ Trường Hải làm động cơ Euro 2,3? (19/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật