Thứ Bảy, 24/08/2013 20:12

Giá cà phê rớt liên tục!

Xuất khẩu giảm do giá kỳ hạn thấp, buộc người mua phải rút hàng tồn khỏi kho để sử dụng. Giá cà phê nội địa mất 2.500 đồng/kg. Thị trường đi theo kiểu gì mà lạ thế?

Giá rớt “liên tù tì”

Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn Liffe NYSE 3 tuần qua (tổng hợp)

Tuy đang ở giai đoạn cuối vụ 2012-13, hàng ra thị trường cực kỳ hiếm, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tuần qua vẫn rớt đậm, mất 2.500 đồng/kg chỉ còn 37.500 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Khuya hôm qua thứ Sáu 23-8, tức rạng sáng hôm nay thứ Bảy, giá kỳ hạn robusta Liffe NYSE tiếp tục giảm sau 7 phiên giao dịch liên tiếp tính hết ngày 14-8 đến nay. Sau 1 tuần, giá sàn kỳ hạn robusta London mất 129 đô la Mỹ/tấn, chốt mức 1.772 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1). Đồng thời, giá arabica New York cũng giảm 6,6 cts/lb hay 145,5 đô la Mỹ/tấn, chốt tại mức 117,05 cts/lb.

Lượng bán ra ít nhưng không vì thế mà giá ngừng giảm. Hợp đồng bán giao ngay không nhiều, trong khi có tin một số hãng kinh doanh nước ngoài đã mạnh tay bán khống trước.

Chưa có vụ mới vẫn bán tới

Giá xuất khẩu loại 2,5% được chào quanh mức trừ 30 đô la Mỹ/tấn cho các hợp đồng giao xa trong vụ mới cho tháng 12-2013 và tháng 1-2014, thậm chí xa hơn. Như vậy, so với giá hàng vụ cũ giao ngay, mức chênh lệch các hợp đồng vụ mới có thể thua giá cuối vụ này đến cả trăm đô la/tấn.

Nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam khá thận trọng bán ra mức trừ 30 đô la/tấn. Trong quá khứ, nhiều khi họ đã từng bán như thế. Nhưng sau đó, do nông dân giữ lại hàng hay gặp thời tiết xấu hàng ra chậm, giá xuất khẩu dựa trên chênh lệch có lúc đã tăng lên mức cộng so với giá niêm yết của sàn kỳ hạn, gây bất lợi khi vào chính vụ.

Mức trừ 30 đô la/tấn cho hàng giao xa là một thách đố. “Tôi chẳng dám bán giá ấy vào lúc này vì biết đâu giá niêm yết xuống tiếp, nông dân không bán ra”, một nhà xuất khẩu lớn tại Daklak cho biết.

“Cũng có thể các hãng kinh doanh nước ngoài nghĩ rằng một khi chê giá thấp, thiếu hàng giao, giá kỳ hạn sẽ tăng lại. Nhờ đó, giá chênh lệch giãn ra, trừ nhiều hơn như 50-70 đô la/tấn và họ sẽ có lời”, ông nói tiếp.

Song, người kinh nghiệm khuyên nếu không đủ tiềm lực tài chính thì khoan đùa với rủi ro, vì có thể thua lỗ lớn nếu càng nôn nóng. “Bán khống tức là bán bậy và ‘đánh bạc’, mua đâu bán đó là chắc ăn”, một nhà xuất khẩu tại Gia Lai đề xuất cách bán hàng vụ mới của mình.

Thử giải mã lý do giá rớt

Hãng môi giới F. C. Stone (Mỹ) ước rằng sản lượng niên vụ này của Brazil đạt chừng 52 triệu bao (60 kg/bao), nhưng vụ tới có thể đạt 60 triệu bao, do Brazil sẽ có niên vụ “được” theo chu kỳ sinh học của cây cà phê arabica sau khi đã “mất”trong vụ này. Nếu như năm nay, Brazil xuất khẩu chừng 32 triệu bao và tiêu thụ nội địa chừng 21 triệu bao, Brazil vẫn ứ chừng 6 triệu bao tồn kho từ vụ cũ mang sang. Nên, tâm lý và áp lực được mùa của vụ mới, được hãng này ước 60 triệu bao, đang đè nặng thị trường. Nhiều nhà phân tích cho rằng nếu dựa trên thông tin của hãng này, tồn kho cuối vụ của năm sau dễ dàng ở mức 12 triệu bao.

Tuy nhiên, tuần qua, tác nhân chính cho giá xuống trên hai sàn kỳ hạn có lẽ do đồng real Brazil (BRL) mất giá mạnh, xuống mức sâu nhất so với đồng đô la Mỹ tính từ 8 năm nay, có lúc ở mức 2,45 BRL ăn 1 đô la Mỹ.

Chỉ đến hôm qua, đồng BRL lên mạnh lại nhờ có tin Ngân hàng Nhà nước Brazil sẽ bán ra 60 tỉ đô la Mỹ cứu đồng BRL. Nhờ vậy, khuya hôm qua 23-8, 1 đô la Mỹ chỉ còn ăn 2,3568 BRL.

Tồn kho giảm, giá hết đảo

Từ mấy tháng nay, giá xuất khẩu robusta từ Việt Nam và Indonesia đều cao hơn giá niêm yết tại London, từ mức cộng 30 đến 100 đô la/tấn. Chính vì thế, tồn kho robusta đang hụt nhanh.

Biểu đồ 2: Tồn kho thuần robusta thuộc Liffe NYSE giảm (tổng hợp)

Tồn kho thuần robusta thuộc sàn kỳ hạn Liffe NYSE (certs) tiếp tục giảm, xuống mức 78.750 tấn, so với cách đấy 1 năm là 142.470 tấn, mất 45%, tính đến hết ngày 19-8. Một điều khó lý giải là tuy lượng certs giảm, giá kỳ hạn vẫn đi theo đường riêng của mình, rớt 7 ngày liên tiếp tính đến cuối ngày hôm qua.

Một điều bất thường khác là tồn kho certs giảm, nhưng cấu trúc giá đảo trên sàn London nay đã quay lại trật tự bình thường. Giá đảo (inversion) là hiện tượng giá tháng giao ngay cao hơn các tháng sau. Mỗi khi xuất hiện cấu trúc đảo, nhiều người hiểu do thị trường thiếu hàng giao, dù đó là hàng thực (physical) hay hàng giấy (paper).

Giá tháng giao ngay (9-2013) nay đã thấp hơn tháng 1-2014 mức 32 đô la/tấn, so với thứ Tư 14-8, giá tháng 9-2013 còn cao hơn tháng 1-2014 là 53 đô la/tấn. Do đó, cũng nên hiểu rằng áp lực giao hàng nay không còn.

Đối nghịch với thị trường giá đảo là giá thuận chiều, tức giá tháng giao ngay thấp hơn tháng giao xa. Mức cách biệt này được hiểu để giúp cho người phải giao hàng phía sau trang trải các chi phí như kho bãi, hao hụt trọng lượng hay tài chính.

Cách đi này của thị trường: tồn kho giảm, giá hết nghịch đảo, giá kỳ hạn rớt…liệu đấy là dấu hiệu cho thấy người mua đang tạm thời an lòng với lượng hàng hóa phong phú nay mai. Ngoài ra, có thể bên phía hàng giấy, khi nghe tin đồn sản lượng cà phê tăng, đầu cơ bán ra mạnh, đẩy giá xuống nhanh và liên tục trong mấy ngày qua.

Nguyễn Quang Bình

tbktsg

Các tin tức khác

>   Không thể xem là “chuyện thường ngày” (23/08/2013)

>   Dân lỗ lớn, doanh nghiệp lãi khủng (21/08/2013)

>   Gần một triệu tấn gạo xuất khẩu bị hủy hợp đồng (21/08/2013)

>   Lo cho xuất khẩu gạo cuối năm (20/08/2013)

>   Lo cho xuất khẩu gạo cuối năm (20/08/2013)

>   Nên giữ hay giảm đất lúa? (19/08/2013)

>   Tính đến 15/8, xuất khẩu gạo đạt 1,888 tỷ USD (19/08/2013)

>   Xuất khẩu cà phê giảm, vì sao? (17/08/2013)

>   Bàn cách nâng giá trị gạo Việt (17/08/2013)

>   Nợ xấu ngành cà phê hơn 6.300 tỷ đồng (15/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật