Gạch non dưới chân voi khủng
Cũng như kính xây dựng, lĩnh vực gạch ốp lát, sứ vệ sinh của Việt Nam đang là sân chơi của các doanh nghiệp nước ngoài. Thông qua việc mua lại các công ty Việt Nam, cũng như tận dụng tiềm lực tài chính mạnh để đầu tư trực tiếp, các thương hiệu nước ngoài đang từng bước chi phối thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam.
"Voi SCG" vươn vòi
Mua lại 85% cổ phần của Prime Group, SCG muốn nắm trọn thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Những con số mà ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn SCG đưa ra bên lề Diễn đàn Sáng tạo vừa diễn ra ở Thái Lan vào trung tuần tháng 8/2013 cho thấy, tập đoàn lâu đời nhất xứ chùa vàng (100 năm) này đang có tham vọng trở thành "tượng đài" trong khu vực ASEAN.
Ông Kan tiết lộ, Tập đoàn SCG đang đứng thứ hai tại Đông Nam Á về lĩnh vực xi măng, dẫn đầu khu vực trong ngành hóa dầu, bao bì và vật liệu xây dựng (VLXD) nói chung. Trong đó, Thái Lan là thị trường nền tảng của họ, Indonesia và Việt Nam cùng đứng thứ hai về mức độ đầu tư. Đây cũng là hai thị trường chia nhau hai vị trí đầu khu vực về sản lượng gạch ốp lát.
Tận dụng thời điểm thị trường VLXD tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do những tác động từ tình trạng bất động sản đóng băng, cuối năm 2012, SCG đã ký thỏa thuận mua lại 85% cổ phần của Tập đoàn Prime.
Ông Kan nói, đầu tư vào Prime đã giúp SCG trở thành nhà sản xuất gạch ốp lát lớn nhất thế giới với 225 triệu m2 mỗi năm, bao gồm 48% ở Thái Lan, 33% ở Việt Nam, 14% ở Indonesia, và 5% ở Philippines.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của một số công ty gạch ốp
|
Việc mua lại Prime của SCG là một bước đi "có tính toán" vì theo chia sẻ của các chuyên gia tư vấn M&A, thay vì phải tốn nhiều thời gian và công sức để đi "gom" các doanh nghiệp (DN) nhỏ thì việc thương lượng và sáp nhập với một DN có "tiếng nói" trong ngành sẽ là giải pháp tối ưu để tiết giảm chi phí và nhanh chóng chi phối thị trường.
Ngay thời điểm SCG đặt vấn đề mua Prime, tập đoàn này là nhóm DN "chiếu trên" trong ngành sản xuất gạch ốp lát, khi chiếm hơn 30% thị phần cả nước (từng được Tạp chí World Ceramics xếp thứ 5 thế giới DN sản xuất gạch) và họ đã đầu tư đến 6 nhà máy, trong đó, nhà máy Prime Đại Lộc (Quảng Nam) với công suất 24 triệu m2/năm trở thành nhà máy lớn nhất Đông Nam Á.
Hơn nữa, nếu xét về hệ thống phân phối, Prime hầu như đã phủ kín các cửa hàng bán lẻ VLXD từ Bắc chí Nam. Ngoài ra, trong số các DN sản xuất gạch ốp lát tại Việt Nam, Prime được xếp vào nhóm có tỷ suất lợi nhuận cao và được xếp ngang với các DN Đài Loan, Trung Quốc (sau Ý và Tây Ban Nha). Trong khi đó, hai "ông lớn" khác của Việt Nam là Gạch Đồng Tâm và Viglacera không nằm trong nhóm này.
Cuối năm 2011, SCG Cement mua lại 99% cổ phần của Xi măng Bửu Long, ước tính khoảng 116 tỷ đồng. Thương vụ này giúp SCG Cement bổ sung thêm 200.000 tấn xi măng mỗi năm.
Không lâu trước khi thâu tóm Prime, SCG thông qua đơn vị thành viên là Thai Plastic & Chemicals (TPC) đã âm thầm gom cổ phần của 2 DN sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam là Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh. Không hài lòng với tỷ lệ nắm giữ chỉ hơn 20%, công ty này cho biết sẽ tăng tỷ lệ nắm giữ lên 49% khi điều kiện cho phép.
Không dừng lại ở đó, hiện nay, các nhà sản xuất VLXD "ngoại" như SCG và Lixil Group (Nhật Bản, với thương hiệu Inax) đã và đang hướng đến việc cung cấp các giải pháp trọn gói. Cụ thể, tính đến thời điểm này, Lixil đã đầu tư hơn 170 triệu USD vào Việt Nam, xây dựng các nhà máy ở Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Nam, Vũng Tàu...
Và năm rồi, Lixil đã rót 440 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất VLXD (khung cửa sổ, cửa ra vào, mái che bằng nhựa, nhôm) tại Khu công nghiệp Long Đức, Đồng Nai. Mới đây, đại diện Lixil đã đến Bình Dương để tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư sau khi đã bỏ vào thị trường này hơn 16 triệu USD cho nhà máy sản xuất thiết bị vệ sinh American Standard.
Như vậy, tính đến nay, nhà đầu tư Nhật Bản này đã sở hữu 11 nhà máy tại Việt Nam. Trong chuyến đến Bình Dương vào tháng 5/2013, ông Toshimasa Iue, Chủ tịch Tập đoàn Lixil cam kết, Tập đoàn sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong 10 năm tới.
Trong khi đó, phía SCG cũng tiết lộ, cũng như ở các thị trường khác trong khu vực ASEAN, trong năm 2013, SCG sẽ tăng cường sự hiện diện mạnh mẽ của mình tại Việt Nam, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ VLXD cao cấp thuộc hai thương hiệu SCG và COTTO.
Doanh số của SCG tại Đông Nam Á liên tục tăng (triệu USD)
|
Với COTTO, SCG sẽ mang đến thị trường Việt Nam bộ sản phẩm "trọn gói" từ gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh cho đến phụ kiện. Đồng thời, ông Kan cũng nhấn mạnh, SCG vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội để mở rộng hơn nữa trong các mảng kinh doanh cốt lõi là xi măng - VLXD, hóa dầu và giấy tại Việt Nam.
Tan nát "gạch non"
Thua lỗ triền miên, hàng tồn kho chất đống, các "lò gạch" trong nước từng bước vỡ vụn dưới sức ép của các đối thủ nước ngoài.
Thương vụ SCG mua lại Prime Group không chỉ gây xôn xao dư luận về giá trị tiền của, mà còn vì thị trường ngành gạch ốp lát của Việt Nam không có gì hấp dẫn để đầu tư.
Thời thị trường bất động sản chưa đóng băng, ngành sản xuất gạch ốp lát Việt Nam đã đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 6 thế giới với năng lực sản xuất hơn 400 triệu m2 mỗi năm. Nhiều thương hiệu gạch ốp lát trong nước đã đạt tầm cỡ khu vực và thế giới như Viglacera, Đồng Tâm và nhất là Prime.
Tuy nhiên, trong ba năm qua, các DN lớn trong ngành nay như Viglacera, Taicera, Đồng Tâm liên tục báo cáo thua lỗ. Theo Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, hiện mức tồn kho của gạch ốp lát đã vượt gấp hai lần mức bình thường với giá trị tồn kho đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, khoảng 60 triệu m2, chưa kể 40 dây chuyền đã phải dừng sản xuất.
Trong bối cảnh bết bát như thế, việc các DN trong nước để các DN ngoại lấn lướt là điều dễ hiểu. Không chỉ bị lép vế so với quy mô sản xuất và thương hiệu so với nhà sản xuất có uy tín ngoại đang hoạt động tại Việt Nam, gạch ốp lát của DN Việt Nam đang bị các DN Trung Quốc chèn ép.
Để đưa ra một phép so sánh, chúng tôi đã làm cuộc khảo sát nhỏ trên 10 cửa hàng phân phối lẻ VLXD tại TP.HCM. Kết quả cho thấy: 100% trong số đó đều có phân phối gạch nhập từ thị trường Trung Quốc.
Ngay như hệ thống phân phối VLXD Halo (thuộc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Halo), đơn vị này chuyên phân phối các loại gạch, thiết bị vệ sinh nhập khẩu thì phần lớn là phân phối cho thương hiệu KITO (Trung Quốc).
Trong vô số các thương hiệu gạch ốp lát được các cửa hàng bày bán, Việt Nam còn chưa đến 10 thương hiệu có tên tuổi như Gạch Đồng Tâm, Viglacera, Mỹ Đức,... Phần còn lại là những DN 100% vốn nước ngoài hoặc có cổ phần chi phối của nhà đầu tư ngoại, có thể kể đến như: Bạch Mã, Prime Group, Chang Yih...
Riêng ở phân khúc thấp hơn, có hơn 20 thương hiệu Việt Nam nhỏ lẻ khác như: Dacera, Mỹ Dung, Minh Sơn, Huy Thành... Theo lý giải của một nhân viên bán hàng tại cửa hàng Nhi Vũ trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh, TP.HCM), hiện nay, khách hàng có tâm lý ưa chuộng gạch Trung Quốc vì kiểu dáng đa dạng, dày hơn và bóng hơn, hơn nữa, giá cả một số loại gạch cao cấp thấp hơn so với những loại gạch có thương hiệu đang sản xuất tại Việt Nam.
Điển hình, với dòng gạch cao cấp, Prime có tráng một lớp gương với giá khoảng 400.000 đồng/m2; song, với Đồng Tâm, gạch ceramic với công nghệ mài bóng phủ Nano lại có giá cao hơn Prime gần 100.000 đồng/m2. Cũng ở phân khúc này, hiện nay tập đoàn đến từ Thụy Sỹ, Notro Granite cũng đưa ra dòng sản phẩm mới có giá dưới 400.000 đồng/m2.
Hiện, tập đoàn này đã có mặt ở Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, riêng ở Việt Nam, hiện Taicera đang gia công sản phẩm cho Nitro Granite nhưng dây chuyền sản xuất, công nghệ và nhân sự cao cấp đều đưa từ Thụy Sỹ sang. Trong khi, gạch Trung Quốc thì giá nào cũng có, từ 150.000 - trên 300.000/m2.
Đại diện cửa hàng Nhi Vũ cho biết, rất khó để khách hàng phân biệt gạch tốt ở mức độ nào, nhưng chỉ dựa vào thương hiệu, kiểu dáng và giá thì hàng Trung Quốc hấp dẫn người mua. Riêng phía Halo thì cho hay, gạch Trung Quốc tại hệ thống cửa hàng họ từng cung cấp cho nhiều dự án lớn tại TP.HCM, trong đó có dự án căn hộ cao cấp tại quận 7 do giá vừa phải và nhiều mẫu.
Không chỉ khó khăn về đầu ra trong kênh phân phối lẻ do hàng Trung Quốc và sự lớn mạnh của các thương hiệu ngoại đang hoạt động tại Việt Nam, gạch ốp lát "made in Vietnam" còn đối mặt với một số DN đang xả hàng tồn kho.
Một nhân vật đang làm việc cho DN có thứ bậc trong ngành gạch ốp lát chia sẻ, thị trường VLXD hiện đã không còn nhộn nhịp hơn trước nên công ty chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng.
Mặt khác, kể từ năm 2012, công ty đã quay về thị trường nội địa thay vì xuất khẩu như trước đây. Tuy nhiên, sản phẩm bán trong nước chủ yếu là thanh lý hàng tồn do bị ách tắc về thị trường xuất khẩu, do đó, giá mềm hơn giá xuất khẩu.
Trên thực tế, gạch men Việt Nam không chỉ thua trên sân nhà về quy mô đầu tư mà còn ở vấn đề nghiên cứu - phát triển (R&D). Khi tham quan Trung tâm Sáng tạo của SCG tại Trung tâm Thiết kế tại Thái Lan mới thấy được quy mô và tầm nhìn của tập đoàn này trong việc chi tiêu cho R&D nhằm tạo ra các sản phẩm mới, công nghệ trong khâu bán hàng, sản xuất... sao cho giá thành được tiết giảm ở mức thấp nhất cho người tiêu dùng.
Cụ thể, năm 2004, SCG chi 1 triệu USD cho R&D thì đến cuối năm 2012, con số này là 48 triệu USD và trong qúy I/2013, là 30 triệu USD. Đó là chưa nói đến đội ngũ nhân lực phục vụ cho R&D lẫn thiết kế sản phẩm, số nhân viên làm R&D tính đến tháng 6/2013 đạt trên 1.000 người, tăng gấp ba lần so với năm 2004.
Hiện nay, tập đoàn này cũng đang trong quá trình hoàn tất phần mềm phục vụ công việc bán hàng, theo đó, khách hàng có thể kiểm tra thông tin về sản phẩm trực tiếp qua hệ thống màn hình cảm ứng tại các điểm trưng bày và tư vấn khách hàng của SCG.
Tại Việt Nam, cách đây hai năm, SCG đã mở một cửa hàng trưng bày SCG Building Materials tại quận Đống Đa, Hà Nội. Tại đây, khách hàng và kiến trúc sư, nhà thiết kế và chủ thầu xây dựng không chỉ tìm thấy các sản phẩm của SCG mà còn nhận được tư vấn từ các chuyên gia của SCG.
Trong khi đó, Lixil cũng đầu tư khá bắt mắt các cửa hàng trưng bày trọn bộ sản phẩm của họ từ gạch ốp, cho đến các thiết bị, sứ vệ sinh... Những khoản đầu tư này có thể nhiều DN nội đã nhìn thấy nhưng hầu như chưa ai làm đến nơi đến chốn. Điều này bỏ lỡ nhiều cơ hội tiếp cận với các khách hàng lớn là dự án và cả đối tác xuất khẩu.
Hàn Nguyên
doanh nhân sài gòn
|